Ai giám sát BOT?

Ai giám sát BOT?
TP - 700 triệu đồng là con số chênh lệch thu phí BOT trên con đường tấp nập nhất nơi cửa ngõ phía nam Thủ đô, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra đột xuất 10 ngày (từ 18h ngày 10/7 đến 18h ngày 20/7/2016) tại đây cho ra kết quả trung bình gần 2 tỷ đồng mỗi ngày. Trong khi đó, con số báo cáo trước đây của nhà đầu tư vẻn vẹn chỉ có 1,2 tỷ đồng mỗi ngày.

Con số chênh lệch khủng giữa tự khai báo và kiểm tra đột xuất nêu trên khiến hàng triệu người (phương tiện) từng ra vào qua cửa ngõ này phải giật mình sửng sốt. Chúng ta, những người tham gia giao thông phải đóng phí BOT trên con đường này, có quyền đặt câu hỏi: 700 triệu đồng mỗi ngày, 21 tỷ đồng mỗi tháng, 252 tỷ đồng mỗi năm… đã đi đâu, vào túi ai? Bởi với mức chênh quá lớn như vậy, người đóng phí hoàn toàn có quyền nghi ngờ con số khai báo 1,2 tỷ kia rất có vấn đề!

Và như vậy, thời gian để hoàn vốn cho dự án BOT này không thể kéo dài tới 17 năm 3 tháng như hợp đồng mà Bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư. Tức thời gian mà người tham gia giao thông phải trả phí trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ phải rút ngắn xuống rất nhiều.

Hiện những con đường BOT đã xuất hiện khắp mọi nơi, các trạm thu phí mọc lên dày đặc. Nhiều tuyến đường, người tham gia giao thông đã phải trả phí BOT đã cao hơn cả phí xăng dầu. Theo các chuyên gia, tổng vốn đầu tư BOT hiện đã chiếm tới 42% tổng vốn đầu tư cho GTVT tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới.

Bản chất của các con đường BOT là nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng và được quyền thu phí cho đến khi hoàn vốn, cộng với mức lãi suất thỏa thuận, do nhà nước bảo đảm. Do đó, một chỉ số quan trọng và đặc biệt “nhạy cảm” cần được công khai, minh bạch để toàn dân giám sát, đó chính là lưu lượng phương tiện qua lại, hay nói cách khác là doanh số thu phí mỗi ngày của nhà đầu tư.

Vì quyền lợi chính đáng của hàng chục triệu người tham gia giao thông, bắt buộc doanh số thu phí BOT phải được giám sát chặt chẽ. Bằng không, chính người dân sẽ bị “móc túi” và số tiền chênh lệch không hề nhỏ sẽ rơi vào hầu bao của các nhóm lợi ích. Đã đến lúc cần có cơ chế để người dân tham gia giám sát vấn đề này.

MỚI - NÓNG