Bí mật xung quanh uỷ ban khoa học công nghệ mới thành lập của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trung Quốc gần đây thành lập một cơ quan hoạch định khoa học công nghệ trực thuộc Đảng, nhưng làm một cách lặng lẽ.

Ít người biết về sự ra đời của Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương cho đến khi cơ quan này tổ chức cuộc họp đầu tiên và được nói đến trong bản tin ngắn đăng trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) hồi tháng 7.

Ủy ban này ra đời trong kế hoạch cải tổ sâu rộng một số cơ quan chính phủ và Đảng từ tháng 3, với trọng tâm là mở rộng quyền kiểm soát trực tiếp của Đảng đối với các ưu tiên chính sách.

Trong khi sự ra đời của các cơ quan khác được truyền thông đưa tin rộng rãi thì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khoa học và Công nghệ không được đăng tải. MOST cho biết họ đã tổ chức một buổi nghiên cứu hôm 10/7 để thể hiện “tinh thần” của cuộc họp uỷ ban, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Vẫn chưa biết ai là người đứng đầu uỷ ban và những ai tham dự cuộc họp. Thông tin về thời gian, địa điểm và nội dung cuộc họp cũng không được công bố.

Theo các nhà quan sát, thông tin xung quanh uỷ ban này được giữ bí mật cho thấy Bắc Kinh sẽ giữ im lặng về các chiến lược khoa học và công nghệ trong tương lai, trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị và công nghệ với Mỹ ngày càng gay gắt.

Xie Maosong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược đổi mới và phát triển Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh muốn tránh sự chú ý từ phương Tây trong nỗ lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, để giảm bớt sự can thiệp và trở ngại.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch Made in China 2025 được công bố năm 2015 nhằm mục đích đưa đất nước trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về khả năng tự lực trong các lĩnh vực đổi mới chiến lược, đã gây nên sự kinh ngạc trên toàn thế giới và đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Bắc Kinh sau đó rút lại những mục tiêu đã nêu ra để bảo đảm tuân thủ chuẩn mực quốc tế về chính sách công nghiệp, dù rất ít người tin rằng chính sách này không còn tồn tại.

Sun Yutao, giáo sư tại Đại học Công nghệ Đại Liên và là chuyên gia về chính sách khoa học, cho biết: “Sự phô trương quá mức của phương tiện truyền thông đã dẫn đến việc Mỹ diễn giải quá mức”.

GS Sun nói rằng Bắc Kinh có lý khi giữ kín thông tin về cơ quan hoạch định chính sách cho lĩnh vực khoa học và công nghệ nhạy cảm, đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc “ngày càng lo ngại về các hoạt động gián điệp”.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG