Micon là hãng thẻ nhớ lớn nhất của Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị với bộ trưởng thương mại các nước thuộc Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), bà Raimondo nói rằng Mỹ “kiên quyết phản đối” những hành động của Trung Quốc đối với Micron.
Bà Raimondo cho rằng đây là việc “tấn công một công ty Mỹ mà không có cơ sở thực tế nào. Chúng tôi coi đây là hành vi chèn ép kinh tế đơn thuần và chúng tôi sẽ không tha thứ, và cũng không nghĩ họ sẽ thành công”.
Ngày 21/5, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc cho biết, hãng thẻ nhớ lớn nhất của Mỹ không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng và sẽ cấm các đơn vị vận hành hạ tầng quan trọng mua sản phẩm của hãng này.
Tuyên bố được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi các lãnh đạo G7 đồng ý với những sáng kiến mới nhằm đối phó với điều mà họ coi là kiểu chèn ép kinh tế của Trung Quốc.
“Như chúng tôi nói tại G7 và nhiều lần khẳng định, chúng tôi đang trao đổi chặt chẽ với các đối tác để xử lý thách thức cụ thể này và tất cả những thách thức liên quan đến cách làm phi thị trường của Trung Quốc”, bà Raimondo nói.
Bà Raimondo cũng nêu vấn đề của Micron trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào ngày 25/5.
Bà cho biết, thoả thuận của IPEF về các chuỗi cung ứng và những trụ cột khác sẽ nhất quán với các khoản đầu tư của Mỹ vào Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất thiết bị bán dẫn tại Mỹ.
Bà cho biết, các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore dự kiến sẽ tham gia chương trình này.