Bệnh viện tuyến huyện mái dột, tường nứt…

Nhiều khoa, phòng của BV Thanh Nhàn phải làm việc trong nhà tạm.
Nhiều khoa, phòng của BV Thanh Nhàn phải làm việc trong nhà tạm.
TP - Ông Ngô Trung Hai, Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND TP Hà Nội) khẳng định, HĐND thành phố đang đề xuất UBND thành phố quan tâm đầu tư nhiều bệnh viện tuyến huyện, xa trung tâm để đáp ứng yêu cầu của người dân và giảm tải cho các bệnh viện nội thành, tuyến trên…

Mỏi mắt chờ kinh phí

Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì có diện tích 1,7 ha, với quy mô 250 giường kế hoạch, thực kê 305 giường; hằng năm khám bệnh cho gần 200.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho trên 18.000 bệnh nhân. Bình quân hằng ngày có từ 500 đến 600 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Công suất sử dụng giường bệnh từ 120-130%. Bệnh viện vừa thực hiện khám, chữa bệnh cho nhân dân trong huyện và cả các vùng lân cận. 

Tuy nhiên, với diện tích 1,7 ha, diện tích sử dụng thực tế khoảng 10.899 m2 hiện tại là quá chật hẹp, có rất ít sân, vườn, thiếu không gian cho bệnh nhân đi lại, thư giãn. Đặc biệt, vì khu đất quá chật hẹp nên bệnh viện không có đường chạy cho xe cứu hỏa, xe cấp cứu tiếp cận được với các công trình, các khoa phòng trong bệnh viện. Nhiều công trình do xây dựng quá lâu, có công trình xây dựng cách đây gần 30 năm và không được đầu tư cải tạo, đã xuống cấp nghiêm trọng: Mái dột, tường nứt, nền sụt lún... rất nguy hiểm cho bệnh nhân, cán bộ, nhân viên.

Các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật  xuống cấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến dây chuyền hoạt động y tế và môi trường của bệnh viện. Các Khoa Dinh dưỡng, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn còn phải ở nhà tạm bợ, chật hẹp chưa đáp ứng được quy trình chống nhiễm khuẩn. Một số khoa đã có nhân lực nhưng chưa có nhà để tách khoa như: Khoa Mắt, Khoa Răng Hàm Mặt, Khoa Tai Mũi Họng.

Trước thực tế đó, năm 2011, bệnh viện đã được thành phố phê duyệt dự án mở rộng và nâng cấp đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II với tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 498 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2012 - 2015. Dự án đã giải phóng xong toàn bộ diện tích mặt bằng, khởi công xây dựng ngày 18/5/2013 và đã giải ngân 80 tỷ đồng. 

Đến nay, một số gói thầu đã cơ bản hoàn thành như: San nền, xây dựng hàng rào; đường dân sinh và mương thủy lợi; Nhà Hậu cần đã thi công xong phần thô và cơ bản trát xong trần, tường;  Một số khoa, phòng đã xây xong phần thô. Tuy nhiên, từ năm 2014, công trình đã phải dừng lại vì không có vốn. 

Đầu tư tuyến huyện sẽ giúp giảm tải tuyến trên

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của HĐND thành phố ngày 29/5 vừa qua, lãnh đạo Bệnh viện Ba Vì đề nghị thành phố bố trí đủ vốn để đảm bảo thời gian thực hiện dự án. Cụ thể: Năm 2015 - 2016 bố trí 84 tỷ đồng để hoàn thành các gói thầu đang thi công dở dang đưa công trình vào sử dụng; từ năm 2016 -  2018 bố trí đủ vốn để thực hiện nốt dự án… Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND thành phố đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND thành phố tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình còn đang dở dang, đầu tư trang thiết bị trong năm 2016 và đưa vào danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Trung Hai, Phó Trưởng Ban VHXH cho biết, quá trình khảo sát thực tế tại nhiều bệnh viện cho thấy nhu cầu của người dân các vùng xa trung tâm của Hà Nội về khám chữa bệnh là rất lớn. Việc đầu tư nâng cấp các bệnh viện ngoại thành sẽ góp phần giảm tải cho khu vực nội thành, giúp người dân khu vực các huyện khó khăn của thành phố thuận lợi hơn trong khám, chữa bệnh. 

Một số bệnh viện khác của Hà Nội hiện nhiều khoa, phòng chức năng vẫn đang phải làm việc hết sức tạm bợ. Điển hình như Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Đông, Đống Đa, Phụ sản Hà Nội… cũng đang gặp khó khăn về vốn. “Đề nghị thành phố cần cân đối hợp lý hơn giữa vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật với đầu tư các công trình phục vụ dân sinh”, ông Ngô Trung Hai, Phó Trưởng Ban VHXH  nói.

MỚI - NÓNG