Ung thư phế quản
Đây là bệnh lý mà nam giới là đối tượng chính. Tuy nhiên, ngày nay số lượng nữ giới mắc ung thư phế quản (UTPQ) đang dần tăng, ngay cả với những người không hút thuốc lá. Bởi, nguyên nhân mắc bệnh không chỉ có thuốc lá mà còn có môi trường, gen di truyền.
Việc thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm và hít các hạt vật chất li ti từ không khí ô nhiễm cũng có nguy cơ hình thành UTPQ. Khoảng 70% trường hợp UTPQ có ho, tức ngực. Nguyên nhân gây UTPQ thường do hút thuốc lá, tuy nhiên những người không hút chỉ hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, UTPQ là bệnh thường gặp và là sát thủ mạnh tay nhất trên toàn cầu. Nhiều triệu chứng của UTPQ rất mập mờ, do đó dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh khác. UTPQ ở giai đoạn sớm có thể không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh nặng hơn, có thể có các triệu chứng sưng phổi, nặng ngực, thở nằng nặng, ho húng hắng, dai dẳng… Về lâu dài, bệnh tình càng xấu hơn, khiến người bệnh đau vai, đau lưng, thở sâu thấy nặng, ho ra máu, hơi thở ngắn, khan tiếng, sụt cân, mệt mỏi. Bệnh nhân thường phát hiện bệnh trễ ở giai đoạn nặng. Do đó, cần đi khám tại chuyên khoa hô hấp khi có triệu chứng nghi ngờ.
Bệnh lao
Đây là bệnh nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì có thể lây cho con. Thai phụ có nguy cơ cao bị nhiễm lao nếu trong thời gian này ăn uống không đủ chất, lao động quá sức… Khi bị lao, bà bầu cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Kết quả chữa bệnh lao ở thai phụ cũng tốt như ở những bệnh nhân lao khác. Điều cần nhớ khi mắc bệnh là không bỏ dở điều trị vì vi trùng lao kháng thuốc sẽ có hại cho cả mẹ và con.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Gây khó thở, mau mệt. Do triệu chứng mờ nhạt nên nhiều người mắc COPD nhưng không biết. Khi bệnh nặng, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn ngay với việc cài khuy áo. Ở giai đoạn cuối của bệnh, người bệnh phải thở oxy. Có nhiều nguyên nhân gây COPD, nhưng người ta thường cho rằng do hút thuốc lá và đối tượng bị bệnh là nam giới. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì có không ít nguyên nhân khác mà phụ nữ dễ gặp hơn nam giới, cụ thể: khói bếp, khói gas, khói do chụm lò than, khói đốt đồng rơm rạ, ô nhiễm môi trường, bụi trong xí nghiệp may, khí thải từ phân gà vịt trong chăn nuôi… Tại Việt Nam, khoảng 10% dân số mắc bệnh COPD hoặc hen phế quản. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2331/QĐ-TTg với nội dung: COPD và hen phế quản là một trong các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Khi qua 40 tuổi, chị em cần đi khám bệnh nếu có một trong những yếu tố nguy cơ sau: hút thuốc lá trên 10 năm, nấu bếp than củi trên 30 năm, tiếp xúc với khói bụi, khó thở, khó thở nặng dần theo thời gian, ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm, thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng.