Nhiều người 30 - 40 năm mất ngủ
Đã 40 năm nay, bà Nguyễn Thị P. 58 tuổi ở Lê Văn Sỹ, quận 3 TPHCM chẳng đêm nào ngủ được tròn giấc. Căn bệnh mất ngủ đeo bám bà sau khi sự cố chia tay người yêu thời bà còn trẻ. Từ đó trở đi không đêm nào bà chợp mắt được. “Mỗi đêm tôi cố gắng lắm chỉ ngủ được 1-2 tiếng. Căn bệnh mất ngủ hành hạ tôi suốt 40 năm qua và người lúc nào cũng đờ đẫn”- bà kể lại.
Năm năm nay, bà P. trở thành bệnh nhân thân thiết của phòng khám và điều trị giấc ngủ ở Trung tâm y khoa Hòa Hảo. Tuy nhiên, căn bệnh trở nên khó chữa khi bà P. bị trầm cảm nặng, sống lệ thuộc thuốc ngủ.
Bác sĩ Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm này cho biết, từ ngày ra đời mỗi tháng nơi đây tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến điều trị bệnh mất ngủ nhưng 3-4 năm trở lại đây, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 50-70 bệnh nhân. “Mất ngủ và rối loạn giấc ngủ đang trở thành căn bệnh thời đại, hầu hết người bệnh đến khám chủ yếu sống ở các thành phố, công chức, kinh doanh, thậm chí là học sinh, sinh viên”- bác sĩ Hải nói.
Nghiên cứu của WHO trên 85.000 người, trong đó có 21.000 người bị mất ngủ và 64.000 người không bị chứng này cho thấy, sau 4 năm, gần 600 người mất ngủ vào viện vì đột qụy. Chứng mất ngủ cũng làm tăng nguy cơ cấp cứu vì đột qụy 54%. Ở nhóm người bị mất ngủ trong độ tuổi từ 18-35, nguy cơ đột qụy tăng lên gấp 8 lần so với người cùng độ tuổi không bị mất ngủ.
Ngoài số bệnh nhân đến khám vì mất ngủ kéo dài 1-5 tháng, phòng khám này cũng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mỗi tháng bị mất ngủ kéo dài từ 5-10 năm qua, đặc biệt có nhiều bệnh nhân mắc bệnh mất ngủ đã 30-40 năm. “Có những bệnh nhân mất ngủ kéo dài phải lệ thuộc thuốc ngủ, nếu không họ cứ nằm xuống là mở mắt”- bác sĩ Đặng Văn Môn - Phụ trách khoa điều trị giấc ngủ ở đây cho hay.
Có đến 90% người đến khám ở BV Tâm thần TPHCM than phiền về bệnh mất ngủ. Ảnh: L.N
Bác sĩ Trần Thị Kim Thu - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng TPHCM cho biết, có đến 80% bệnh nhân đến khám mắc rối loạn giấc ngủ, 5% trong số đó ở thời kỳ bệnh quá nặng.
“Những người làm công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ hay căng thẳng dễ bị mắc bệnh này. Nhiều nhất là các nhà quản lý, nhà kinh doanh, công nhân kỹ thuật, người làm việc liên tục với máy tính, lái xe”- bác sĩ Thu thống kê.
Theo bác sĩ Thu, trong năm 2010 mỗi tháng nơi đây tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám vì rối loạn giấc ngủ thì năm 2012 và 2013 đã tăng lên 400 ca mỗi tháng.
Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn- Phòng kế hoạch tổng hợp, BV Tâm thần TPHCM, mỗi ngày có hàng trăm người đến khám trầm cảm thì trên 90% bệnh nhân than phiền về bệnh mất ngủ, với mức độ từ vài tháng đến trên 5 năm.
“Mất ngủ là triệu chứng liên quan đến bệnh tâm thần”- bác sĩ Hoàn nói và cho biết nhiều người do ảo giác, như có ai đó chửi mình nên tức giận không ngủ được; có người hoang tưởng nên đêm đến là lo lắng, nằm xuống giường là không ngủ…
Căng thẳng, stress = mất ngủ
“Mất ngủ tưởng là căn bệnh đơn giản nhưng nó kéo theo bao bệnh khác rất nguy hiểm như bệnh tim mạch, làm tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đột tử trong đêm và tai biến mạch máu não”- PGS. TS Vũ Anh Nhị- Chủ tịch Hội Thần kinh học TPHCM cho biết.
Theo ông, thiếu máu não là nguyên nhân trực tiếp gây nên rối loạn giấc ngủ. Hiện bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi do trong xã hội công nghiệp hiện nay, dưới áp lực của công việc, thương trường, học tập… làm cho con người căng thẳng quá mức.
Theo bác sĩ Vũ Anh Nhị, tại các động mạch nuôi não, gốc tự do tấn công vào thành mạch, gây nên những tổn thương dẫn đến sự hình thành, phát triển các mảng xơ vữa và cục huyết khối. Các “vật ngáng đường” này làm hẹp động mạch, cản trở máu vận chuyển oxy và dưỡng chất đến não, làm tế bào thần kinh thiếu năng lượng gây ra những rối loạn cho cơ thể, điển hình là rối loạn giấc ngủ. “Thống kê có đến 80% trường hợp rối loạn giấc ngủ do tình trạng thiếu máu não”.
Theo bác sĩ Nhị, nhóm tuổi từ 18 - 30 tuổi, bị rối loạn giấc ngủ do áp lực công việc quá căng thẳng, rắc rối do tâm lý và các stress không vượt qua được, còn lại bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi.
“Người bệnh nên chủ động ngăn chặn và giảm thiểu các nguồn sinh gốc tự do như: Căng thẳng tâm lý, thiếu dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, rượu bia, khói thuốc lá, chấn thương, nhiễm khuẩn”- bác sĩ Nhị khuyên.
Bác sĩ Trần Thị Kim Thu cho rằng giấc ngủ rất cần cho hệ thống thần kinh hoạt động tốt, mất ngủ dẫn đến không thể tập trung làm việc, dẫn đến những rắc rối trí nhớ…
Theo bác sĩ Thu, ngoài bổ sung các chất chống gốc tự do từ thiên nhiên cần áp dụng phương pháp vệ sinh tâm lý giấc ngủ như tạo thói quen thức ngủ đúng giờ, tránh dùng thuốc và các chất có thể kích thích thần kinh trung ương, tránh các căng thẳng tâm lý và chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý…