Bệnh cũ, hoàn cảnh mới

Bệnh cũ, hoàn cảnh mới
TP - Theo dõi những nội dung tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, những vấn đề đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp nêu ra, phần lớn là những căn bệnh cũ, chỉ khác bệnh không những không thuyên giảm, mà nhiều loại bệnh đang quay trở lại, làm khổ doanh nghiệp.

> "Việt Nam cần phải cải cách kinh tế vĩ mô hơn nữa"
> Năm kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh

Ví dụ như những bất cập và sự yếu kém về cơ sở hạ tầng. Theo ông Christopher Twomey, Chủ tịch phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, từ 6 năm trước vấn đề đó đã được nêu ra, nhưng nay vẫn chưa được cải thiện nhiều. Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với những bất cập và chậm trễ trong phát triển các dự án cơ sở hạ tầng then chốt, đặc biệt các tuyến cầu đường liên tỉnh.

Hay như chuyện doanh nghiệp tiếp cận đất đai, cũng ít được cải thiện, khi chỉ có 17,09% doanh nghiệp đánh giá năm vừa qua các quy định và thủ tục về đất đai thông thoáng hơn, tiếp cận đất đai dễ dàng hơn...

Chưa kể, theo ông Alain Cany, Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các doanh nghiệp châu Âu và nước ngoài vẫn tiếp tục đối mặt với những vấn đề về tham nhũng liên quan đến việc xin giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt pháp lý, nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam không chỉ cần cam kết thực hiện cải cách hành chính trên toàn quốc mà phải cam kết tăng cường các tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ công chức tại tất cả các cấp...

Kết quả điều tra năm 2011 cho thấy, mức điểm về môi trường kinh doanh của Việt Nam là 2,04 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 2,52 điểm của năm 2010 và gần với mức 1,9 điểm của năm 2008 là năm khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.

Chưa kể, năm 2011, năm các doanh nghiệp phải vật lộn với hàng loạt vấn đề khó khăn, do sự thay đổi từ chính sách điều hành vĩ mô, như: Lạm phát, lãi suất cao, khó tiếp cận được vốn vay...

Những rào cản hành chính, đạo đức cán bộ, bất ổn trong chính sách vĩ mô... đang thực sự làm xấu đi môi trường kinh doanh của Việt Nam. Từ đây, đang tạo ra những hiệu ứng đáng lo ngại, khi mà EuroCham, cảnh báo nếu không quyết liệt cải cách thực sự, thì luồng vốn đầu tư nước ngoài, thay vì vào Việt Nam sẽ chảy sang các nước khác trong khu vực.

Lâu nay, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện cải cách hành chính. Tuy nhiên, với sự tụt lùi về môi trường kinh doanh, cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc cải cách thủ tục hành chính sẽ không hiệu quả. Mà quan trọng hơn, cần cải cách đột phá cả nội dung hành chính. Cần xem lại việc các bộ, ngành đặt ra hàng loạt giấy phép “con”, có thực sự cần thiết. Nếu không, cần được loại bỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.