Bầu Kiên tiếp tục 'phản pháo' trước vành móng ngựa

Bị cáo Kiên liên tục trích dẫn các văn bản luật, “phản pháo” HĐXX và đại diện các cơ quan liên quan
Bị cáo Kiên liên tục trích dẫn các văn bản luật, “phản pháo” HĐXX và đại diện các cơ quan liên quan
TP - Ngày thứ ba xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm (22/5), Tòa tập trung thẩm vấn các nội dung liên quan việc kinh doanh vàng trái phép và hành vi trốn thuế. Vẫn như hai ngày đầu, bị cáo Kiên liên tục viện dẫn các văn bản pháp luật, phản pháo Hội đồng xét xử.

Làm rõ việc Ủy thác đầu tư để trốn thuế

Theo cáo buộc của Viện KSND Tối cao, căn cứ vào giấy ủy quyền của Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Kiên, Tổng GĐ Cty B&B) ký hợp đồng ủy thác tài chính với Ngân hàng ACB. Theo đó, Cty B&B ủy thác cho ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Trong các năm 2008 - 2009, ACB đã mở trạng thái vàng bằng 117 lệnh (29 lệnh mua, 88 lệnh bán) và đã tất toán trạng thái mở bằng 142 lệnh đóng (89 lệnh mua, 53 lệnh bán). Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Cty B&B thu lãi hơn 100 tỷ đồng.

Là người hiểu biết về chuyên môn tài chính doanh nghiệp, bầu Kiên hiểu rõ Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp cho Cty B&B. Theo chỉ đạo của bầu Kiên, bà Đặng Ngọc Lan đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bầu Kiên, cổ đông của Cty B&B).

Theo hợp đồng trên, bà Hương ủy thác cho Cty B&B đầu tư kinh doanh vàng ghi sổ, với số lượng mua/bán 600.000 lượng vàng. Bà Hương không phải đặt cọc, nhưng phải trả cho Cty B&B phí ủy thác 1% lợi nhuận gộp (sau khi trừ các khoản chi phí vốn, lãi vay ACB), và bà Hương quyết định giá mua, bán vàng, giá giao dịch vàng trạng thái.

Bên cạnh đó, Đặng Lan Hương, Nguyễn Thúy Hương và Nguyễn Đức Kiên còn ký phụ lục hợp đồng, với nội dung bà Hương đồng ý để Cty B&B được ủy thác lại cho ACB thực hiện một phần, hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng. Bà Hương còn ủy quyền cho anh trai đại diện quyết định và chỉ định cho Cty B&B thực hiện các vấn đề liên quan đến hoạt động mua bán theo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính trước đó.

Với bản hợp đồng ủy thác, cùng phụ lục trên, tính đến ngày 24/6/2009, Cty B&B xác định bà Hương thu được lợi nhuận gộp hơn 68 tỷ đồng, Cty B&B được hưởng 1% phí ủy thác. Dù vậy, cơ quan truy tố khẳng định, Cty B&B không có đăng ký ngành nghề nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, do vậy hợp đồng ủy thác và phụ lục hợp đồng trên không hợp pháp.

Với chiêu lách luật như trên, trong năm 2009, Cty B&B đã thực hiện các lệnh ủy thác cho ACB mua bán vàng trạng thái, thu được hơn 100 tỷ đồng lãi. Số tiền này, Cty B&B đã chuyển toàn bộ cho bà Hương thụ hưởng, nhằm tránh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỷ đồng.

Không được phép nhưng vẫn kinh doanh

Cũng theo Viện KSND Tối cao, Cty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Cty Thiên Nam), có ngành nghề kinh doanh sản xuất hàng may mặc, thêu ren, kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ, kinh doanh bất động sản (trừ đất đai), với vốn điều lệ 11 tỷ đồng.

Ngày 30/11/2009, Tổng GĐ Cty Thiên Nam – ông Lê Quang Trung đã ký văn bản thỏa thuận với Ngân hàng Vietbank về việc Cty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank và ACB.

Theo đó, Cty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn được gọi là kinh doanh vàng trạng thái, kinh doanh giá vàng hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản), với khối lượng trạng thái bán tương đương hơn 2.900 tỷ đồng, và khối lượng trạng thái mua tương đương hơn 141 tỷ đồng.

Thực hiện thỏa thuận trên, Cty Thiên Nam liên tục đặt lệnh bán vàng để tất toán trạng thái mua. Đơn cử, tháng 12/2009 HĐQT Cty Thiên Nam ủy quyền cho ông Kiên giao dịch trạng thái vàng thông qua hệ thống điện thoại ghi âm tại ACB. Trong hai ngày 27 - 28/4/2010, bầu Kiên đặt 6 lệnh mua trạng thái vàng, trị giá hơn 52 triệu USD.

Viện KSND Tối cao kết luận, từ tháng 11/2009 đến tháng 7/2010, Cty Thiên Nam đã tiếp nhận và thực hiện việc mua, bán trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài, tổng số tiền hơn 9.700 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, mặc dù Cty Thiên Nam không được phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, nhưng ông Kiên đã chỉ đạo Cty Thiên Nam ký hợp đồng với ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài và trong nước, với số tiền hơn 11.700 tỷ đồng.

Theo tính toán của cơ quan truy tố, thông qua 6 Cty của mình, bầu Kiên đã kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

ACB được gia hạn kinh doanh vàng?

Để làm rõ hơn việc ACB có được phép kinh doanh vàng hay không, Tòa hỏi vị đại diện Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, đầu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài trước ngày 31/03/2010. Đây là tiền đề cho hàng loạt các quyết định tiếp theo, yêu cầu các ngân hàng chấm dứt toàn bộ hoạt động huy động và cho vay vàng.

Với mốc thời gian này, chủ tọa Nguyễn Hữu Chính “xoáy” vào phiên giao dịch trong hai ngày 27 - 28/4/2010. Nghe đến đây, bị cáo Kiên xin giải thích nhiều lần, nhưng thẩm phán Chính ngắt lời, nói: “Bị cáo muốn trình bày thì chờ đến phần tranh luận”. Mặc dù vậy, Nguyễn Đức Kiên vẫn cố khẳng định: “Chính tôi là người ký văn bản trình Thủ tướng xin gia hạn kinh doanh vàng”.

Tuy nhiên, cũng ngay trong phần thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước, trả lời câu hỏi: “Khi đã có văn bản cấm từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nào khác liên quan đến nội dung này không?”, vị đại diện khẳng định, sau đó Ngân hàng Nhà nước có ban hành văn bản (khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng) để gia hạn thêm trường hợp của ACB.

“Gia hạn đến thời gian nào? Chỉ riêng ACB hay còn các ngân hàng khác?” - chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi. “Văn bản này gia hạn đến tháng 7/2010. Đây là quy định chung cho các ngân hàng” – vị đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.

Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc.

Bầu Kiên có quyền lực vô hình ở ACB

Trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) cho hay, tại ACB bầu Kiên có quyền lực vô hình. “Nếu ông Kiên không đồng ý, nghị quyết của HĐQT không thể thông qua” – ông Cang nói. Cũng theo ông Cang, Lý Xuân Hải (cựu Tổng GĐ Ngân hàng ACB) chính là người đưa ra sáng kiến gửi tiền vào các ngân hàng khác để tránh thua lỗ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.