Tại tọa đàm phát triển ngành công nghiệp bò và sữa hiện đại, hội nhập và bền vững tại Việt Nam sáng 9/11, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết: HAGL mới gia nhập lĩnh vực chăn nuôi từ tháng 6/2014 và xây dựng chiến lược chăn nuôi bò của tập đoàn cho ở cả 3 nước, là Việt Nam, Lào và Campuchia.
HAGL hiện là doanh nghiệp nhập bò lớn nhất từ Úc về Việt Nam. Đến nay sản lượng HAGL nhập về 120 nghìn con, trong đó chủ yếu là bò thịt (khoảng 110 nghìn con và bò sữa (khoảng 10 nghìn con).
Theo ông Đức, đến nay, sản lượng thịt bò nhập về Việt Nam chủ yếu là bán nguyên con, cho thị trường Hà Nội khoảng 200 con/ngày và thị trường TPHCM khoảng 100 con bò/ngày.
Ông Đức cho rằng, Việt Nam là thị trường có nhu cầu thịt bò rất lớn, nên ngoài nhập bò từ Úc, các doanh nghiệp còn nhập khẩu bò từ Thái Lan. Mới hơn một năm đầu tư, nhưng HAGL đã bỏ ra tới 140 triệu USD nhập bò thịt, bò sữa, bò sinh sản từ Úc về Việt Nam.
Theo ông Đức, dù nhu cầu lớn, tuy nhiên, hiện chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi bò ở Việt Nam quy mô còn nhỏ lẻ, nguồn cung không đủ nhu cầu trong nước, nên dựa vào nguồn nhập khẩu. “Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhỏ, không đủ cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của Úc”.
Chủ tịch HAGL cho rằng, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi phải cần thực, hành động. Nếu các doanh nghiệp Úc muốn hợp tác bền vững với các doanh nghiệp Việt Nam, mấu chốt nằm ở bò sinh sản.
“Còn hiện các doanh nghiệp nhập bò thịt, có thể nhập loại 500 kg/con về mổ ngay, hay 250 kg rồi về vỗ béo mấy tháng sau giết thịt chỉ là phần ngọn. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu chúng ta phải chấp nhận”
Hiện HAGL đang đã tư lớn về hạ tầng, đồng cỏ… và dự kiến tiến tới quy mô 500 nghìn con trong tương lai không xa. Theo ông Đức, các đối tác nên hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ, con người, chuyên môn kỹ thuật. Hiện công nghệ nuôi bò ở Úc không phải công nghệ cao nhất, như ở Mỹ. Nhưng chúng ta có thể đầu tư về bò sinh sản.
“Nhập về giết ăn liền thì mất nhiều ngoại tệ. Cái quan trọng là nuôi bò sinh sản, nếu Úc muốn giúp Việt Nam thật sự, phải thì phải đầu tư bò sinh sản và đây cũng là đích chúng tôi đang hướng đến trong lĩnh vực này”, bầu Đức nói.
Ông Đức cho biết, HAGL đang có khoảng 100 nghìn ha đất và trong chăn nuôi bò, quỹ đất và công nghệ là yếu tố quyết định. Chăn nuôi không hẳn cần nhiều đất như ở Úc, nhưng cũng phải cần một quỹ đất nhất định. Đương nhiên, việc đầu tư là tùy điều kiện từng doanh nghiệp.
“Trong tương lai chúng tôi sẽ tập trung nuôi bò sinh sản tới 70-80%. Chúng tôi có điều kiện để nuôi 1 triệu con bò vì có quỹ đất”- ông Đức nói.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV đang hợp tác HAGL tại một dự án phát triển đàn bò tại Hà Tĩnh với tổng đầu tư khoảng 300 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 là 100.000 con bò sữa và giai đoạn 2 là 200.000 con bò sinh sản.
Hiện Hà Tĩnh đã tạo điều kiện cho HAGL khoảng 7.000 ha trồng cỏ nuôi bò và HAGL cũng đưa ra chuỗi liên kết với bà con nông dân. Trong đó, HAGL cung cấp giống, kỹ thuật cho bà con chăn nuôi, sau đó HAGL mua lại của bà con.
Dự kiến, trong khoảng 5 năm tới, BIDV sẽ cung cấp một gói khoảng 1 tỷ USD để hỗ trợ mua bò giống, xây trang trại chăn nuôi và công nghệ chế biến.