Bất chấp luật nhân quyền, Thủ tướng Anh quyết đưa người nhập cư trái phép đến Rwanda

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Anh Rishi Sunak vừa tuyên bố sẽ “làm những gì cần thiết” để khôi phục thỏa thuận nhằm đưa người xin tị nạn trái phép đến Rwanda, bất chấp nguy cơ vi phạm luật nhân quyền.
Bất chấp luật nhân quyền, Thủ tướng Anh quyết đưa người nhập cư trái phép đến Rwanda ảnh 1

Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: AP)

Trong cuộc họp báo ngày 7/12, ông Sunak tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch khiến đảng Bảo thủ cầm quyền bối rối và vai trò lãnh đạo của ông bị đe doạ.

Ông nói rằng dự luật mới, được thiết kế để bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao, sẽ chấm dứt “vòng luẩn quẩn của những thách thức pháp lý” đã ngăn cản chính phủ thực hiện thỏa thuận với Rwanda để đưa những người di cư qua eo biển Manche vào Anh đến quốc gia ở vùng Đông Phi.

“Chúng tôi sẽ giúp các chuyến bay cất cánh”, ông Sunak nói.

Nhiều nước châu Âu và Mỹ đang chật vật tìm cách đối phó với dòng người di cư chạy trốn chiến tranh, bạo lực, áp bức và thiên tai.

Những người chỉ trích cho rằng thoả thuận giữa Anh và Rwanda về việc đưa người di cư, trong đó nhiều người chạy khỏi các quốc gia có xung đột như Afghanistan, Syria và Iraq, đến một quốc gia cách đó 6.400 km, là phi đạo đức và không khả thi.

Tuy nhiên, mối đe dọa chính trị chính đối với ông Sunak đến từ các thành viên cùng đảng, vì họ cho rằng kế hoạch của ông chưa đủ nghiêm khắc. Quyền lực của Thủ tướng bị thách thức khi Bộ trưởng Di trú Robert Jenrick từ chức vào cuối ngày 6/12, cho rằng dự luật của chính phủ “không đủ mạnh” và sẽ không có tác dụng.

Kế hoạch Rwanda là trọng tâm mà Chính phủ Anh đề ra để ngăn chặn những người tị nạn trái phép cố vào Anh qua Pháp trên những chiếc thuyền nhỏ. Trong năm nay, hơn 29.000 người đã tìm cách vào Anh qua con đường này, ít hơn đáng kể so với con số 46.000 người năm 2022.

Tháng 4/2022, Anh và Rwanda nhất trí với thỏa thuận để đưa hết những người vượt eo biển Manche đến Rwanda để chờ xử lý đơn xin tị nạn. Rwanda, quốc gia vốn là nơi sinh sống của hàng nghìn người tị nạn từ các nước châu Phi, đồng ý thỏa thuận này sau khi Anh trả trước 140 triệu bảng Anh (175 triệu USD).

Chính phủ Anh cho rằng cách trục xuất này sẽ gây nản lòng những người định vượt biển theo cách đầy rủi ro để vào Anh và thuê dịch vụ của các băng nhóm buôn người.

Chưa có người di cư nào bị đưa đến Rwanda theo kế hoạch của Chính phủ Anh, khi thoả thuận vẫn đang gặp nhiều thách thức pháp lý.

Tháng trước, Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết rằng thoả thuận này là trái pháp luật, vì Rwanda không phải là quốc gia an toàn cho người tị nạn, khiến họ có nguy cơ bị ngược đãi.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh không từ bỏ. Tuần này Anh và Rwanda ký một hiệp ước cam kết tăng cường bảo vệ người di cư. Chính phủ của Thủ tướng Sunak cho biết, thoả thuận cho phép London thông qua luật công nhận Rwanda là điểm đến an toàn.

Chính phủ cho biết, luật mới sẽ cho phép họ “loại bỏ” các phần trong luật nhân quyền khi triển khai kế hoạch đưa người tị nạn đến Rwanda và khiến việc phản đối lệnh trục xuất tại tòa trở nên khó khăn hơn.

Dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu lần đầu vào tuần tới. Nó có thể bị các nghị sĩ ôn hòa phản đối vì cho rằng vi phạm luật nhân quyền. Nhưng mối nguy hiểm lớn hơn đối với ông Sunak là phe cánh hữu theo đường lối cứng rắn cho rằng dự luật quá nhẹ nhàng và đòi đưa Anh ra khỏi Công ước châu Âu về nhân quyền.

Hầu hết mọi quốc gia châu Âu đều chịu ràng buộc bởi công ước này và tòa án liên quan.

Theo AP
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.