Đây là chương trình thường niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ LĐ, TB&XH, T.Ư Đoàn phối hợp với Plan International Việt Nam tổ chức. Tại diễn đàn, 100 trẻ em đại diện cho hàng triệu trẻ em gái trên toàn quốc và các đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành cùng thảo luận về hai chủ đề: “An toàn với trẻ em gái nơi công cộng”, “Tảo hôn và các hệ lụy”.
“Không để trẻ em sinh ra trẻ em”
Ban tổ chức chiếu đoạn phim kể một cách chân thực đến xót xa về hoàn cảnh của gia đình cô gái dân tộc Vân Kiều- Hồ Thị Thủy, ở Chiêm Hóa, Quảng Bình. Những người trong gia đình Thủy cũng như người dân nơi đây có cuộc sống nghèo đói, cổ hủ và lạc hậu. Hầu hết họ không biết được tuổi chính xác của mình. Những đứa trẻ lớn lên thích nhau, rồi xin phép cha mẹ và thành vợ chồng, sinh con, cũng chả biết mình bao nhiêu tuổi. Mai, trước đây là em họ, nay trở thành chị dâu của Thủy. Mai khoảng 14, 15 tuổi thì có bầu nhưng không biết mình có từ lúc nào.
Đoạn phim kết thúc, Thủy bước lên sân khấu giao lưu với các đại biểu. Nói về hoàn cảnh gia đình, Thủy khóc nức nở khiến câu chuyện bị gián đoạn. Thủy cho rằng mình vẫn là người rất may mắn vì thoát khỏi nạn tảo hôn, được học hết cấp 3, có được việc làm ở thành phố Đồng Hới. Mai và hầu hết những cô gái quê Thủy đều là nạn nhân của tảo hôn. “Tôi mong rằng, các bạn nữ dân tộc hãy mạnh mẽ bước qua hủ tục, hãy đến trường lớp học tập nâng cao kiến thức, thực hiện ước mơ của mình. Lấy chồng sớm khổ lắm!”, Thủy nhắn nhủ.
Câu chuyện của Thủy nhận được sự đồng cảm từ các đại biểu. Đặc biệt những trẻ em dân tộc có mặt tại diễn đàn cũng lên tiếng cần có nhiều biện pháp mạnh đủ sức răn đe nạn tảo hôn- “không để trẻ em sinh ra trẻ em”.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, tảo hôn là vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền trẻ em. Bà Hà cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Bộ LĐ, TB&XH phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội vận động, tuyên truyền cộng đồng, gia đình, xã hội bãi bỏ hủ tục lạc hậu này. Bộ đang hoàn thiện, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em, trong đó có mục riêng về vấn đề tảo hôn.
“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 498 phê duyệt đề án Giảm thiểu tình trạng trẻ em tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc, từ năm 2015 - 2025. Với đề án này, có các nhóm giải pháp rất khả thi, nguồn lực, nhân lực được đầu tư. Chúng tôi cố gắng thực hiện tốt đề án để đẩy lùi hủ tục này”, bà Hà cho biết.
Hãy lên tiếng
Tại diễn đàn, đại diện các nhóm trẻ em phản ánh thực tế về nguy cơ xâm hại tình dục, sự thiếu an toàn ở nơi công cộng.Em Minh Chi bày tỏ, thực tế, một số bạn nữ bị xâm hại, bị quấy rối tình dục như trêu chọc, đụng chạm lên cơ thể nhưng không dám lên tiếng tố cáo. Chi mong muốn, có một chương trình hành động, đưa ra các giải pháp để các em gái thực sự có môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em(Bộ LĐ, TB&XH), trước hết cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ và kỹ năng dám lên tiếng của các em gái. Trong đó, cần có những chương trình, giáo trình giáo dục kỹ năng sống thực sự thiết thực, cụ thể và hấp dẫn các em. “Người bảo vệ các em tốt nhất không ai khác chính là cha mẹ và người thân trong gia đình. Chính phụ huynh cần phải học các kỹ năng để bảo vệ con mình”, ông Nam nhấn mạnh và giới thiệu tới các đại biểu thiếu nhi Tổng đài Quốc gia trẻ em 111. Các em gọi đến tổng đài (miễn phí) bất cứ thời gian nào sẽ nhận được sự hỗ trợ, bảo vệ tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị: Tuyệt đối không được im lặng, không xấu hổ. Khi bị xâm hại và các hành vi liên quan đến quấy rối tình dục, các em hãy mạnh dạn nói với những người ở gần mình nhất là cha mẹ, người thân trong gia đình, rồi hãy tìm đến các tổ chức xã hội để được bảo vệ, trong đó có tổng đài quốc gia trẻ em 111.
Bà Hòa thông tin, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 60.000 vụ ly hôn, trong đó chủ yếu là các gia đình trẻ. Tình trạng ly hôn nhiều ở các cặp vợ chồng dẫn đến trẻ em không có được mái ấm gia đình đầy đủ, các em phải ở với bố hoặc mẹ. Đây là những đứa trẻ dễ bị xâm hại, bạo hành nhất. Từ thực tế đó, bà Hòa mong muốn, xã hội cần có sự quan tâm, và các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, thiết thực với những đứa trẻ có mái ấm gia đình không trọn vẹn này.
Để tạo môi trường vui chơi lành mạnh, phát triển toàn diện cho thiếu niên, nhi đồng, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho biết, T.Ư Đoàn có nhiều giải pháp. Nhiệm kỳ 2017 - 2022, T.Ư Đoàn tiếp tục xây dựng mới ở mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất 1 điểm vui chơi văn hóa, giải trí cho các em thiếu niên, nhi đồng. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa các cung, nhà thiếu nhi cũng được đổi mới, sáng tạo về phương thức hoạt động để thu hút các em.