> Một công ty có 700 cử nhân làm… công nhân
Trong đó nhiều người có tới vài tấm bằng từ cao đẳng trở lên, chưa kể các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Miệt mài suốt 16-17 năm học từ thuở chập chững bước vào lớp Một, vượt qua biết bao nhiêu kỳ thi, tốn bao nhiêu tiền của, công sức, kèm theo bấy nhiêu kỳ vọng gửi gắm của gia đình, dòng họ. Vậy mà ra đời lại làm công việc mà chỉ cần khóa dạy nghề vỏn vẹn từ 1 tuần đến 1 tháng là đủ. Biết bao bậc cha mẹ ứa nước mắt nhìn công sức, khát vọng, ước mơ của con cái đổ sông đổ biển. Bản thân những ông cử bà cử trẻ tuổi ấy còn thất vọng gấp bội.
Tất nhiên, cuộc sống không phải đôi giày vừa chân cho tất cả mọi người. Không phải học kinh doanh ra trường là có ngay một chỗ ngon lành để… quản trị! Học báo là ra nhà báo, học sư phạm là ra làm thầy. Các nước phát triển vẫn có chuyện tiến sĩ phải đi lái taxi kiếm sống. Nhưng đó là chuyện hãn hữu. Còn ở ta, tình cảnh ấy nhan nhản như là chuyện đương nhiên.
Đau lòng cho nền giáo dục đại học. Cho đến bây giờ, mỗi năm cả nước vẫn đều đều đẻ ra thêm 11 trường đại học. Không ít cơ sở đào tạo chất lượng đẳng cấp chưa đến đâu vẫn ngang nhiên “xé rào” đào tạo cao đẳng, đại học quốc tế! Tất cả đánh vào tâm lý ưa chuộng bằng cấp của người Việt, cùng ảo tưởng tấm bằng cử nhân là lá bùa, là toa thuốc bách bệnh nghiễm nhiên đem đến những công việc an nhàn.
Một nền đại học mà đa phần bài giảng đều khô cứng sách vở. Phần lớn học chay, thừa những kiến thức xơ cứng, thiếu gắn với thực hành, thực tiễn. Ra trường, sinh viên cái gì cũng biết sơ sơ, mờ mờ.
Một nền giáo dục cũng nan y như căn bệnh giao thông bây giờ, do thiếu sự phân luồng, phân tuyến từ đầu, dẫn đến tắc nghẽn đầy ứ những người thầy không ra thầy, thợ không bằng thợ.
Đau lòng cho những người trẻ tuổi không được hướng đạo từ thuở ban đầu cắp sách đến trường. Để sớm biết được rằng mình thích gì, có khả năng gì và cần học gì. Để biết cơ hội vào đời không phải chỉ là tấm bằng đại học. Rất nhiều người thợ với lòng đam mê, quyết tâm rèn luyện “nhất nghệ tinh”, đã thành những tay nghề bậc cao, những nghệ nhân thành đạt hơn người.
Có lẽ trong bối cảnh loạn bằng cấp này, mỗi gia đình, mỗi người trẻ đành phải biết tự cứu mình. Giống như buộc trở thành những người tiêu dùng thông thái, khi ngoài đường nhan nhản những kẻ bán hàng thiếu lương tâm. Tự tránh xa những lời rao mời chèo kéo lừa phỉnh để chọn cho mình một lối đi với nghề nghiệp chắc chắn. Không phí phạm thêm thời gian tiền bạc nữa cho bao thứ bằng cấp vô bổ.