Voi thường xuyên di chuyển gần nương rẫy của dân. Ảnh: Văn Hồng
Đây là cá thể voi đực khoảng 11 tuổi, nặng gần 1,3 tấn, từng được Trung tâm Bảo tồn voi cứu hộ một lần tại Vườn Quốc gia Yok Đôn vào tháng 5/2013. Khi đó, cá thể voi này bị sứt một phần vòi và vết thương ở bàn chân trước (chân phải) do vướng vào bẫy. Sau 1 tuần cứu chữa, voi bình phục, được đặt tên Cu Sứt, thả về tự nhiên. Tuy nhiên, qua theo dõi, voi không nhập đàn mà sống đơn độc, vết thương cũ của voi có dấu hiệu tái phát.
Voi chạy nhanh khi thấy bóng người. Ảnh: Văn Hồng
“Voi bị thương ở chân không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong khu vực gần khu dân cư. Tuần trước, voi vừa về khu vực xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) phá hoại hoa màu của dân, cán bộ trung tâm xuống hiện trường theo dõi, hướng dẫn, tuyên truyền người dân đề phòng voi xuất hiện đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và voi.
Hiện cá thể voi vừa quay lại khu vực Cư Jút (Đắk Nông), người dân lo lắng lắm. Chúng tôi đang hoàn tất các bước cứu hộ voi lần 2 chữa trị vết thương theo phương án của UBND tỉnh Đắk Lắk vừa phê duyệt. Tuy nhiên, việc này đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, chưa mời được chuyên gia về động vật hoang dã ở Nam Phi và Hà Lan sang phối hợp thực hiện”, ông Luân thông tin thêm.
Cán bộ trung tâm Bảo tồn voi, kiểm lâm theo dõi đường di chuyển của voi. Ảnh: Văn Hồng
Theo kế hoạch, voi Cu Sứt sẽ được bắn thuốc mê, đưa về khu điều trị tạm thời để kiểm tra kỹ vết thương, có phác đồ điều trị phù hợp. Đặc biệt, dùng máy móc kiểm tra dị vật (dây bẫy) trong chân voi không, nếu có tiến hành phẫu thuật lấy ra để điều trị dứt điểm. Sau khi được điều trị lành vết thương, sức khỏe đảm bảo, voi sẽ được thả về môi trường tự nhiên.
Voi Cu Sứt di chuyển vào vườn cây của dân. Ảnh: Văn Hồng