Cuối tuần trước, khi được hỏi Mỹ sẽ có những phản ứng gì tiếp theo nếu CHDCND Triều Tiên tiếp tục khiêu khích với một vụ thử hạt nhân nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận: "Tôi không biết. Ý tôi là, chúng tôi sẽ xem xét".
Trong khi đó, nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu đã đến vùng Biển Nhật Bản, gần Bán đảo Triều Tiên và muộn hơn hai tuần so với những thông tin ban đầu.
Những thông điệp hỗn hợp từ chính quyền Tổng thống Trump về chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng đã hé lộ phần nào những hành động cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông John Delury, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Yonsei tại Seoul, nói với CNN: "Tôi nghĩ rằng họ (Triều Tiên) đã sẵn sàng thử nghiệm (hạt nhân) và tạo áp lực để Mỹ có những phản ứng cứng rắn sau đó. Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan và tôi nghĩ rằng, ông Kim Jong-un đang đối đầu với Mỹ theo kiểu thăm dò".
Những thông điệp hỗn hợp
Vào thời điểm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên lên cao, xuất hiện hàng loạt những tín hiệu trái chiều từ Nhà Trắng về việc liệu họ có phát động chiến dịch quân sự chống Bình Nhưỡng, hay thực thi các biện pháp trừng phạt ngoại giao, kinh tế nghiêm khắc nào khác.
Hồi cuối tháng 4, trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết ông muốn đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, thì phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Hàn Quốc thì bác bỏ khả năng này cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Ông Robert Kelly, phó giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Quốc gia Pusan, nói: "Mỹ cần phải có quy định bằng văn bản, chứ không thể có chuyện Bộ trưởng Quốc phòng nói một đằng và Bộ trưởng Ngoại giao nói một nẻo. Họ đã có 4 đến 5 chính sách khác nhau với Triều Tiên trong vài tuần gần đây."
Ngày 30/4, nói chuyện với Fox News, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H. R. McMaster cho biết: "Những gì chúng tôi muốn là làm việc với những quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, để giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân Triều Tiên".
Chiến hạm Mỹ tiếp tục tiến về Bán đảo Triều Tiên
Hạm đội tàu chiến Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Vinson dẫn đầu cuối cùng đã tới vùng biển Nhật Bản ngày 29/4.
Sự xuất hiện của Vinson ở Hàn Quốc từ lâu đã được dự đoán sau một sự pha trộn thông tin giữa Lầu năm góc và Nhà Trắng đã làm cho nhiều người lầm tưởng nó đến sớm hai tuần.
Đây là tàu chiến cao cấp thứ hai của Mỹ tới Hàn Quốc trong một tuần. Hồi đầu tuần, một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ là tàu USS Michigan đã cập cảng tại Busan.
Sự xuất hiện của hai trong số những chiến hạm hiện đại bậc nhất của Hải quân Mỹ trong khu vực được cho là cuộc biểu dương sức mạnh quân sự của Mỹ, cũng như trấn áp cuộc thử nghiệm hạt nhân tiếp theo của Triều Tiên.
Trong một thông điệp thách thức khác từ Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã đưa ra thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo mới, dù nó đã nổ tung sau khi rời khỏi bệ phóng.
Phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Duk-haeng cho biết: "Dường như đây là một loại tên lửa mới chưa được biết đến, và sẽ mất thêm một khoảng thời gian để đạt được kết quả".
Cuộc bầu cử ở Hàn Quốc vào Chủ nhật này 9/5 có thể sẽ làm tăng thêm sự không chắc chắn cho tình hình Bán đảo Triểu Tiên khi ứng cử viên hàng đầu hứa hẹn một kỷ nguyên mới của quan hệ với Bình Nhưỡng.
Hiện tại, ứng cử viên Đảng Dân chủ Moon Jae-in dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông là người đã kêu gọi đàm phán với Triều Tiên và đặt câu hỏi về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Nếu ông Moon chiến thắng, các chính sách của ông sẽ trái ngược với người tiền nhiệm Park Geun-hye. Đó là đàm phán với Triều Tiên và có thể phá hủy liên minh Mỹ- Hàn trước đây.