Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng, chống tham nhũng nghiên cứu bổ sung chức năng chống tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Bắc Son trong một lần đến hầu tòa. Ảnh: Như Ý
Ông Nguyễn Bắc Son trong một lần đến hầu tòa. Ảnh: Như Ý
TP - Tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Ðiều này đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư tại Hội thảo khoa học “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Nội chính T.Ư và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng tổ chức sáng 6/7.

Chống tiêu cực về đạo đức, lối sống

Dẫn chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN rằng: “Không chỉ đấu tranh PCTN trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư cho rằng, tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Điều này, đòi hỏi công tác PCTN phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Theo ông Học, thời gian qua, với sự quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, công tác đấu tranh PCTN được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Song “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” thì tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ông Học cho biết, cùng với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh PCTN thì phải đồng thời phòng, chống tiêu cực. Trọng tâm là chống tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây cũng chính là nội dung cần được nghiên cứu phục vụ xây dựng đề án sửa đổi bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN.

Đồng tình với sự bổ sung này, ông Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng cho rằng, phòng, chống tiêu cực có phạm vi rất rộng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chính vì thế, bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN là rất cần thiết, để có thể chỉ đạo, giải quyết căn cơ và đồng bộ.

Lãng phí là “lô cốt” để tham nhũng núp bóng

Nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư - Phạm Anh Tuấn cho rằng, tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những nguy cơ lớn của Đảng. Tuy nhiên, khái niệm tiêu cực rất rộng, cần thu hẹp lại ở các biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề cập.

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nhận xét, khái niệm tiêu cực có phạm vi rất rộng, nếu không khoanh vùng lại thì khó phòng, chống hiệu quả.

Từ thực tiễn, ông Độ cho rằng, việc xử lý tội danh tham nhũng thời gian qua rất hạn chế. Dẫn chứng bài học từ Singapore, theo ông Độ, điều quan trọng là làm sao để cán bộ không cần tham nhũng, tức là đủ thu nhập để sống và nuôi dạy con; Không muốn tham nhũng, tức là đề cao đạo đức công vụ, lòng tự trọng; Còn không thể tham nhũng, tức là Nhà nước quản lý chặt chẽ.

“Ở Singapore chỉ cần tăng thêm 10.000 đô la trong tài khoản là lập tức bị truy xuất, xem xét, xử lý ngay. Người ta rất sợ bị pháp luật xử lý. Còn chúng ta cứ răn đe, nhưng xử lý được mấy vụ đâu”, ông Độ nói.

Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, ông Lê Hữu Thể, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, trước đây tham nhũng chỉ liên quan đến kinh tế, nay có thêm tham nhũng về chính trị, chính sách.

Điểm lại các vụ án như vụ án Bình Dương gần đây, ông Thể chỉ ra nổi lên ở những vị lãnh đạo cấp tỉnh, ở ủy ban, tỉnh ủy là “có thể sử dụng quyền lực ủng hộ doanh nghiệp này ủng hộ doanh nghiệp kia, tiêu diệt doanh nghiệp này, hạn chế doanh nghiệp kia”.

Trong khi đó Nhà báo Nhị Lê đề nghị, gắn chống tham nhũng với chống tiêu cực, lãng phí. Theo ông, lãng phí lâu nay có “làn ranh mờ”, rất khó định tội. Nhưng qua nghiên cứu cho thấy, nếu chỉ chống tham nhũng, tiêu cực mà không chống lãng phí thì mới chỉ chống được một nửa, “mà chống một nửa thì rõ ràng tệ hại hơn cả không chống”. “Lãng phí là cái “lô cốt” để tham nhũng dựa vào và núp bóng.

“Ăn cắp 1.000 tỷ nhưng “núp bóng” 800 vào thất thoát, lãng phí, không kiểm soát được. Tham nhũng với chiêu bài lãng phí rất khó xử lý. Đây là cái “lô cốt” cần tấn công vào. Lãng phí không chỉ tiền bạc mà còn làm mất cơ hội phát triển của đất nước”, ông Nhị Lê nói.

MỚI - NÓNG