Bác sỹ có quyền từ chối khám khi nào?
Trước đó, theo báo Người đưa tin, bệnh nhân Trang ở Hà Tĩnh bị TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ chối mổ chỉ vì bệnh nhân là người viết báo.
Để có tiếng nói đa chiều, phóng viên VTC News đã gặp PGS - TS Vũ Bá Quyết. Ông Quyết cho rằng, với yêu cầu mổ dịch vụ, ông có quyền từ chối.
Vậy, bác sỹ có quyền từ chối khám, chữa bệnh trong một số trường hợp nhất định nào? VTC News đã trao đổi với Phó vụ trưởng vụ pháp chế, Bộ Y tế Đỗ Trung Hưng.
Theo ông Đỗ Trung Hưng, xét về nguyên tắc, bác sỹ có quyền từ chối khám chữa bệnh trong một số trường hợp.
Nếu bác sỹ quá tải, phải làm nhiều, sức khỏe không tốt, họ có quyền từ chối khám chữa cho bệnh nhân nếu không phải trường hợp cấp cứu.
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh
Điều 32. Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh
1. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết.
2. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
3. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Nếu cơ sở đó không đủ điều kiện về trang thiết bị đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, bác sỹ cũng có thể từ chối khám chữa. Ví dụ như bệnh nhân ở tuyến huyện mà đòi chụp cắt lớp CT, trong khi đó, bệnh viện không có máy chụp cắt lớp thì bác sỹ không thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, nếu trường hợp đó cấp cứu hoặc bệnh nặng, bác sỹ cần phải tiến hành sơ, cấp cứu cho người bệnh rồi mới chuyển tới cơ sở khám chữa bệnh phù hợp nhất.
Với trường hợp bác sỹ tham gia mổ dịch vụ theo yêu cầu nếu vì lý do nào đó họ có thể từ chối nhưng nếu phải làm theo phân công nhiệm vụ thì buộc phải làm.
Để tham gia mổ dịch vụ, người tham gia dịch vụ khám chữa bệnh cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Ông Đỗ Trung Hưng nói: Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, để thực hiện khám chữa bệnh, bác sỹ cũng phải xin cấp chứng chỉ hành nghề.
Và để được cấp người đó phải có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam... cùng một số điều kiện khác.
Khi tham gia khám chữa bệnh dịch vụ bên ngoài cần có những yêu cầu nhất định hoặc việc đó phải phù hợp với chuyên môn hành nghề.
Khi phóng viên hỏi về việc bệnh nhân có quyền từ chối khám, chữa bệnh hay không? Ông Hưng khẳng định, bệnh nhân cũng có quyền yêu cầu hay từ chối khám chữa bệnh nếu phương pháp đó không phù hợp với họ.
Giám đốc bệnh viện phụ sản TW: Khám dịch vụ, tôi có quyền từ chối
Phản hồi thông tin này, ông nói: Tôi từ chối mổ dịch vụ vì còn nhiều bệnh nhân nặng hơn, mổ cấp cứu đang xếp hàng chờ.
Hơn nữa, bệnh nhân này không phải là bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân Trang có khối u ở tử cung nhưng chỉ là dạng u xơ và chỉ định mổ nội soi bóc tách u xơ.
Khi bệnh nhân đến khám dịch vụ, tôi đã xem hồ sơ và tư vấn nhưng tôi từ chối mổ vì đông bệnh nhân đang xếp hàng.
Hơn nữa, có nhiều bác sỹ ở viện có thể làm được. Tôi đã cố giải thích nhưng bệnh nhân không hiểu. Tôi vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn nên thường xuyên phải từ chối mổ cho nhiều bệnh nhân dịch vụ.
Tôi phải dành thời gian để mổ các ca cấp cứu ở bệnh viện chứ. Nếu chỉ mổ dịch vụ với thù lao cao hơn thì cũng không được”.
Bác sỹ Quyết còn cho phóng viên xem, mới đây, ông đã từ chối một bệnh nhân yêu cầu ông mổ. Bệnh nhân đó đã viết lại xin được sắp xếp lịch mổ khi ông có điều kiện và không quên nói lời cảm ơn ông.