Bác sĩ về hưu xung phong chống dịch: Người dân cần, sao có thể ngồi yên?

0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ về hưu xung phong chống dịch: Người dân cần, sao có thể ngồi yên?
TPO - Dù đã về hưu nhiều năm nhưng khi cần, các y, bác sĩ ở Bình Dương vẫn lên đường phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. “Khi người dân cần mình, làm sao có thể ngồi yên được. Tôi sẵn sàng phục vụ cho đến khi không còn sức để làm”, bác sĩ Nguyễn Minh Kha nói.

Dịch bệnh COVID-19 ở Bình Dương diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng trong đợt dịch lần thứ tư này, Bình Dương ghi nhận đến 24.257 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 4.000 bệnh nhân khỏi bệnh và 136 ca tử vong.

Mặc dù được y, bác sĩ từ điều phối của Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố với hơn 1.000 người, cộng với nhân lực địa phương hàng nghìn y, bác sĩ nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu khi số lượng người mắc rất lớn.

Để bảo vệ sức khỏe người dân trong tình huống cấp bách, tỉnh Bình Dương đã vận động các bệnh viện tư cùng đội ngũ y, bác sĩ về hưu tham gia cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Bác sĩ về hưu xung phong chống dịch: Người dân cần, sao có thể ngồi yên? ảnh 1

Bác sĩ Hiền tham gia phòng, chống dịch tại Bình Dương

Những ngày qua, thực hiện lời kêu gọi đội ngũ y, bác về hưu, nghỉ việc tham gia tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19, đã có hàng chục y sĩ, dược sĩ, bác sĩ trên địa bàn tỉnh Bình Dương tình nguyện lên đường.

“Khi nhìn thấy bệnh tật đang hoành hành trên quê hương, chẳng ai có thể ngồi yên, tôi là một trong số đó. Nếu bạn thấy hình ảnh hàng trăm em sinh viên cùng đội ngũ y, bác sĩ nhiều tỉnh phía Bắc vượt hàng ngàn cây số vào Bình Dương làm nhiệm vụ, bạn có xúc động không. Với tôi thì không thể ngồi yên mà nhìn được”, bác sĩ Nguyễn Minh Kha (nguyên cán bộ Trung tâm Y tế TX Bến Cát) chia sẻ.

Bác sĩ Kha cho biết, công việc đòi hỏi phải có sức khỏe, đặc biệt những người cao tuổi mà suốt ngày phải mặc bộ đồ bảo hộ kín người, mồ hôi ướt đẫm thì rất mệt mỏi. Ngày đăng ký tham gia, người thân tỏ ra lo lắng: “Thấy tuổi cao nên mọi người lo. Tuy nhiên, người ta sống trên đời phải làm điều gì đó ý nghĩa, nhất là khi đang cần. Là người làm ngành y, tôi không thể cứ ngồi nhìn”, bác sĩ Kha bày tỏ.

Bác sĩ về hưu xung phong chống dịch: Người dân cần, sao có thể ngồi yên? ảnh 2

Bác sĩ Trí cho biết, ngoài công tác chuyên môn còn tham gia lái xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân và thiết bị y tế

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thế Hiền (nguyên cán bộ y tế công tác tại bệnh viện ở Bình Dương), cho biết thêm ngay khi địa phương kêu gọi, cả 2 vợ chồng đã nghỉ hưu lập tức đăng ký tham gia vào tuyến đầu phòng, chống COVID-19. “Khi đất nước cần, địa phương cần chúng tôi tham gia ngay. Khi nào địa phương hết dịch, chúng tôi mới trở về”, bác sĩ Hiền nói.

Chia sẻ về việc tham gia phòng, chống dịch, bác sĩ Phạm Minh Trí nói rằng, bản thân đã chủ động đăng ký trước. Cách đây gần 1 tuần, có giấy mời đến nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến 5.300 giường ở phường Thới Hòa, TX Bến Cát, bác sĩ lập tức lên đường, không một chút băn khoăn.

Với tinh thần trách nhiệm cao, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bác sĩ Vũ Đình Hòe (nguyên cán bộ y tế làm việc tại bệnh viện ở TP.Thủ Dầu Một) đã đăng ký lên đường chống dịch. Bản thân bác sĩ Hòe đang bị bệnh nền nên vợ, con khá lo lắng cho sức khỏe của ông.

Bác sĩ về hưu xung phong chống dịch: Người dân cần, sao có thể ngồi yên? ảnh 3

Bác sĩ Kha phục vụ công tác xét nghiệm ở phường Mỹ Phước, TX Bến Cát

“Tôi đăng ký rồi. Nếu địa phương xem qua hồ sơ, thấy tôi phục vụ được thì tôi đi ngay. Không trực tiếp chăm sóc được người bệnh thì bằng kinh nghiệm của mình tôi có thể làm ở bộ phận nhẹ hơn, như tư vấn cách cứu chữa khi có trường hợp bị bệnh nặng. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ mình sẽ phối hợp tốt với lực lượng trẻ để cùng phòng, chống dịch bệnh”, bác sĩ Hòe nói.

MỚI - NÓNG