Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã “tuýt còi” việc tuyển sinh của trường này.
Xin lưu ý, việc “tuýt còi” nói trên hoàn toàn không liên quan tới mức điểm chuẩn quá thấp 18 so với mức 27 - 28 thường thấy của ĐH Y Hà Nội, mà chỉ đơn giản vì trường này chưa bổ sung đủ số giảng viên cơ hữu, cũng như chưa mua sắm đủ trang thiết bị thực hành cho sinh viên Y khoa theo yêu cầu. Bởi quy định hiện hành, bất cứ một trường ĐH nào, dù đào tạo nghề gì, cũng chỉ cần tuyển đầu vào ở mức từ điểm sàn 15 trở lên. Bằng cớ là, năm nay bên cạnh những “bác sĩ đa khoa tương lai” 27 điểm của ĐH Y Hà Nội hay 26.75 điểm của ĐH Y dược TPHCM… vẫn có những “bác sĩ đa khoa tương lai” của ĐH Tân Tạo chỉ 19 điểm hay ĐH Duy Tân 20 điểm.
Vẫn biết điểm đầu vào (điều kiện cần) của một sinh viên chưa nói lên tất cả, chất lượng đầu ra còn phụ thuộc không nhỏ vào quá trình đào tạo (điều kiện đủ), vào đội ngũ giảng viên của trường ĐH đó. Thế nhưng cứ nhìn vào ”điều kiện cần và đủ” của không ít trường ĐH đang đào tạo bác sĩ đa khoa hiện nay, từ điểm đầu vào cho đến đội ngũ giảng viên, trang thiết bị và bệnh viện thực hành, dư luận không thể không đặt câu hỏi về chất lượng các bác sĩ tương lai tốt nghiệp từ những ngôi trường này.
Giáo dục & Đào tạo là một ngành đặc biệt, bởi sản phẩm của nó không phải hàng hóa mà là con người. Một cử nhân hay một kỹ sư “kém chất lượng” có thể chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của một dây chuyền sản xuất hay dịch vụ nào đó trong xã hội, và vẫn có cơ hội để sửa sai. Nhưng một bác sĩ yếu kém về chuyên môn có thể ngay lập tức gây nguy hại đến tính mạng của bệnh nhân, hủy hoại cả một đời người. Vào một siêu thị, người tiêu dùng có thể thoải mái chọn cho mình những hàng hóa thương hiệu uy tín. Song người bệnh đâu có quyền chọn bác sĩ, càng không có quyền hỏi “bác sĩ học trường nào ra, điểm đầu vào bao nhiêu?”.
Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh nói: “Thí sinh 27 điểm sẽ có khả năng tiếp nhận kiến thức khác với thí sinh 20 điểm. Không thể có chuyện thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, nhận thức giống thí sinh đạt điểm 2 môn Toán”. Vị Hiệu trưởng trường Y hàng đầu Việt Nam cũng khẳng định, các trường Y ngoài công lập chưa trường nào đủ điều kiện để đào tạo Y.
Chính vì vậy, đào tạo bác sĩ là công việc đặc biệt quan trọng, không thể không có một chuẩn mực chung bắt buộc, từ đầu vào cho tới đầu ra. Và trách nhiệm đề ra chuẩn cũng như giám sát thực thi, không ai khác phải là các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, ở đây là Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế. Chưa tính chất lượng giảng viên, chỉ riêng phổ điểm chuẩn đầu vào rộng đến ngỡ ngàng - từ 18 đến 27 - đủ thấy đang rất có vấn đề trong quản lý đào tạo ngành Y. Không lẽ chất lượng một bác sĩ 18 điểm đầu vào cũng ngang bằng với một bác sĩ 27 điểm? Những “tai nạn nghề nghiệp”, những vụ kiện tụng của bệnh nhân và người nhà với tần suất ngày một tăng, liệu có liên quan gì đến chất lượng đào tạo y khoa hiện nay?