Trong suốt chiến dịch tranh cử gập ghềnh, bà Clinton luôn thận trọng khi nhấn mạnh vai trò tiên phong của mình. Nhưng khi vận động tranh cử tại bang California những ngày gần đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ gửi tín hiệu bà sẵn sàng đón nhận vai trò là người phụ nữ đầu tiên cầm tấm vé đại diện cho một đảng chính trị lớn của Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.
Một số hãng tin lớn của Mỹ như AP xác định bà Clinton đã đạt được 2.383 phiếu đại cử tri (vượt 1 phiếu so với mức cần thiết) để trở thành ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ. Trong cuộc vận động tại Los Angeles tối 6/6, cựu Đệ nhất phu nhân Clinton nói bà đang đứng trên bờ vực của một “khoảnh khắc lịch sử chưa từng có tiền lệ”, nhưng cũng thừa nhận vẫn phải nỗ lực để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại 6 bang nữa.
Đây được coi là khoảnh khắc đáng nhớ của một ứng viên đã dành phần lớn thời gian trong đời mình để thúc đẩy vai trò của phụ nữ. Theo AP, từ việc bảo vệ mạnh mẽ công việc riêng của mình, với câu nói nổi tiếng năm 1992 rằng bà “không bao giờ ở nhà và nướng bánh”, đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008, bà Clinton đã giải quyết vấn đề về vai trò lịch sử của mình gần như từ mọi khía cạnh.
“Bắt đầu từ thứ Ba tuần tới, chúng ta sẽ bắt đầu chặng đường phá vỡ tấm trần kính cao nhất và cứng nhất”, bà Clinton nói như vậy tại thành phố Culver vào tuần trước, và nhắc lại phát biểu về vấn đề giới mà bà đã thừa nhận trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008 khi nhận thua ông Barack Obama. Và bà đã chinh phục được nhiều người.
Mỹ sắp có nữ tổng thống đầu tiên?
“Việc có nữ tổng thống sẽ trở thành một tuyên bố vĩ đại, một tuyên bố lịch sử về đất nước của chúng ta, về những điều chúng ta đại diện”, bà Clinton nói trước báo giới tại thành phố Compton hôm 6/6. “Điều đó thực sự xúc động, tôi rất cảm động và cảm thấy được động viên trước niềm tin phi thường của mọi người”, bà nói.
Những trợ lý tranh cử nói rằng, bà Clinton rất chú ý đến tầm quan trọng này, đặc biệt khi bà nghĩ về mẹ mình, bà Dorothy Rodham, người được sinh ra trước khi phụ nữ có quyền bầu cử. Bà Rodham qua đời năm 2011 và đã có mặt trong lần bà Clinton tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tranh cử năm 2008.
Lần này, bà Clinton đã đảo ngược lại tình thế. Năm 2008, bà tin mình cần tạo dựng hình ảnh một phụ nữ mạnh mẽ để thuyết phục cử tri rằng bà có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên làm tổng tư lệnh - như thể một bà mẹ đơn thân cứng rắn. Các trợ lý và đồng minh tin rằng, thời gian chạy đua trước đây của bà đã giúp bình thường hóa ý tưởng một phụ nữ có thể nắm vị trí cao nhất của đất nước.
Năm nay, cựu Ngoại trưởng Clinton muốn nhấn mạnh vào thành tựu đột phá của bà là biểu tượng cho những thay đổi mà bà muốn tạo ra nếu trở thành tổng thống. “Phá bỏ các rào cản” là một trong những khẩu hiệu tranh cử bà đưa ra, khi nhấn mạnh sẽ thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục, việc làm và cơ hội cho mọi người.
Đánh bại Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, bà Clinton cảm thấy tự tin về sự tương phản trong thông điệp của bà so với ông Donald Trump, người rất có thể sẽ đại diện cho đảng Cộng hòa và cũng là người nhiều lần nói những câu làm giảm giá trị của phụ nữ.
Các trợ lý của cựu Ngoại trưởng Clinton tin rằng, bà có thể tận dụng những phát ngôn gay gắt và cực đoan của tỷ phú Trump để chống lại đối thủ này và giành lá phiếu từ những phụ nữ da trắng sống ở ngoại ô - những người mà ông Trump không giành được sự ủng hộ.
Nhưng giới phân tích cho rằng, vẫn phải chờ xem tình hình sẽ diễn ra như thế nào. “Vẫn còn sự khác biệt lớn giữa cách phụ nữ và nam giới điều hành công việc. Vì chúng ta chưa từng có nữ tổng thống Mỹ nào, nên chúng ta không biết mọi việc sẽ diễn ra như thế nào”, AP dẫn lời bà Randi Weingarten, Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Mỹ.
Ngày 7/6, các ứng cử viên đảng Dân chủ và Cộng hòa bước vào cuộc bầu cử sơ bộ tại 6 bang New Jersey, California, Montana, New Mexico, Bắc Dakota và Nam Dakota. Đây là ngày “siêu thứ Ba” cuối cùng trước khi diễn ra đại hội toàn quốc của hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ. Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump chắc chắn sẽ guồng chân trong cuộc đua vào Nhà Trắng hôm 8/11, CBS News đưa tin.