Vất vả nghề “đi chơi”…
Những ngày này, khi công ty bắt đầu tung ra các gói tua ngày Tết, cũng là lúc anh Xuân Tú (HDV công ty du lịch Moon Travel) chuẩn bị tinh thần có thể năm nay lại đón năm mới ở một nơi xa. 8 năm gắn bó với nghề thì đã có 3 năm anh không được ăn Tết ở nhà. “Tưởng đi nhiều thành quen mà lần nào cũng vậy, cứ nghe tiếng pháo giao thừa hoặc tivi phát lời chúc Tết của Chủ tịch nước là khoé mắt lại cay cay. Rút điện thoại gọi về chúc Tết bố mẹ, vợ con mà cứ thấy xúc động khó tả”, anh Tú nhớ lại. Những chuyến tua Tết thường bắt đầu từ ngày 29, 30 Tết. Nên gia đình anh sẽ làm cơm tất niên sớm hơn lệ thường và tiệc đón tân tiên cũng sẽ lùi đến Mùng 4- Mùng 5, khi anh trở về.
“Lúc còn trẻ, độc thân, thấy được đón năm mới ở nước ngoài cũng hồ hởi lắm, nhưng càng có tuổi, có gia đình lại chỉ mong được ở nhà trong thời khắc thiêng liêng. Mỗi HDV thường chỉ đảm nhận một vài tuyến điểm nhất định. Những lần đầu dẫn khách, bản thân mình còn có nhu cầu khám phá, tìm hiểu. Nhưng đi nhiều cũng nhàm, chỉ đơn thuần là điều hành tua, phục vụ khách. Có lần, đang ăn bữa tự chọn quốc tế sang trọng nhưng khi có một thành viên trong đoàn mang theo một hũ củ kiệu, mùi thơm nồng của nó làm tôi nhớ hương vị Tết quê nhà đến quay quắt”, anh Tú tâm sự.
Mới vào nghề được 2 năm, chị Nguyễn Thị Hồng (HDV của Bitoco Travel) chưa lần nào phải đón giao thừa xa nhà nhưng hầu như năm nào cũng phải dẫn tua du lịch tâm linh đầu xuân. “Ðầu năm, ai cũng muốn đi lễ được nhiều nơi, tham quan nhiều điểm nên thường tua sẽ xuất phát lúc 2-3h sáng và kết thúc lúc 10-11h đêm. Có lần, nửa đêm về đến nhà trong tình trạng mệt mỏi vì tức sữa, thấy con đang khóc ngằn ngặt vì khát sữa mà trào nước mắt”, chị Hồng rơm rớm nhớ lại.
Chị Phương Mai (Ðống Ða, Hà Nội) là một HDV tự do có kinh nghiệm 20 năm trong nghề. Vào các dịp cao điểm như tua Tết, khi “gà nhà” không lo xuể thì các công ty du lịch hay phải gọi đội HDV tự do như chị. Chị bảo, có những thuật ngữ mà chỉ HDV trong nghề mới hiểu khi dùng để diễn tả các kiểu thời gian đi tua trong dịp Tết Nguyên đán như: Tua xuyên Táo (những tua du lịch đi nước ngoài, hoặc có thể là tua trong nước cho du khách nước ngoài đến Việt Nam. Những tua này bắt đầu khởi hành từ trước ngày đưa ông Táo, kéo dài đến sau mùng 10); Tua xuyên mùng (những tua khởi hành từ sáng mùng 1, kết thúc sau mùng 10 Tết Âm lịch); và “đáng sợ” nhất là Tua gối đầu (ngày khởi hành từ mùng 1, đến khi quay về nước, HDV không kịp về nhà mà sẽ bay tiếp một chuyến nữa), những lúc như vậy, chị và đồng nghiệp phải nhờ người nhà mang quần áo đến, tranh thủ thăm hỏi vài câu, gửi ít quà rồi lại tiếp tục chuyến đi mới. Khi kết thúc hành trình du lịch cùng du khách thì cũng là lúc những ngày cuối cùng của Tết đã hết.
… Nhưng gọi là lên đường
Tuy có những vất vả đặc thù riêng nhưng anh Tú vẫn khẳng định: “Nếu không gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ hoặc gia đình có chuyện đại sự thì HDV du lịch như chúng tôi đều nhận tua ngày Tết”. Và cứ mỗi dịp xuân về, anh cùng các đồng nghiệp lại tất bật chuẩn bị cái Tết sớm bên gia đình để sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.
“Ðón Tết ở nơi xa cũng có những thú vị riêng. Như năm ở Sa Pa, dù không có pháo hoa, không có cảnh nhà nhà ùa ra phố nhộn nhịp lúc giao thừa như Hà Nội nhưng lại có những đống lửa to được đốt lên, mọi người nắm tay nhau nhảy vòng quanh, cùng nướng gà, thui lợn liên hoan ăn uống và đàn hát vui vẻ đến sáng. Hay như năm ở Thái Lan, cả đoàn khách đều là người Việt nên chúng tôi đặt xôi gà, bánh mứt rồi cùng nhau phá cỗ đón giao thừa ngay tại khách sạn, còn rủ rê cả anh em lễ tân ở đấy tham gia cùng. Thế thôi cũng đủ giúp mình thấy ấm áp”, anh Tú kể.
Ðến với nghề được 5 năm thì có 3 cái Tết, Huyền Thanh (HDV của Bicoto Travel) rong ruổi trên những cung đường. Cô gái sinh năm 1994 cho biết, vì vẫn “độc thân vui vẻ” nên không gặp nhiều khó khăn từ gia đình, “Thật ra, năm đầu tiên cả nhà cũng phản đối ghê lắm, mình phải thuyết phục mãi mới đồng ý. Nhưng những lần sau, có lẽ hiểu được con gái thực sự nghiêm túc, say mê với công việc nên bố mẹ đã ủng hộ”. Thanh quan niệm, còn trẻ thì cứ nhiệt tình, xông pha. Làm tua Tết vất vả nhưng bù lại, cô có được nhiều chuyến đi, trải nghiệm thú vị cho thời thanh xuân, như: cùng cả đoàn kéo nhau lên Tây Bắc rồi vào bản uống rượu, đón Tết với đồng bào Mông hay đón năm mới ở Hồng Kông và có cảm giác như đang ở Sài Gòn. Nghề này cũng giúp các HDV có cơ hội phải tìm hiểu sâu hơn các bản sắc văn hóa của từng địa phương, “Chẳng hạn đưa khách lên Tây Bắc vào dịp Tết thì mình phải nêu cho khách biết những điểm đặc sắc, khác lạ của không khí Tết tại đây, kết nối được với đồng bào để du khách được trải nghiệm không khí Tết thật sự của người dân bản địa”, Huyền Thanh cho biết.
Có nhiều lý do để các HDV gắn bó với công việc đặc biệt này và chấp nhận đón những cái Tết đặc biệt hơn bình thường. Như tâm sự của anh Xuân Tú: “Công tác phí tua Tết thường chỉ cao hơn ngày thường khoảng vài trăm nghìn, đi tua quốc tế thì cao hơn chút, tuỳ địa điểm, nhưng nhìn chung anh em nhận lời không chỉ vì tiền, mà còn vì trách nhiệm với nghề, với công ty, với khách hàng”. Ðó không hề là lời “đãi bôi”, bởi thường các đoàn du lịch vẫn yêu cầu công ty được chọn HDV. Thế nên, mỗi lần được “réo tên” đi tua Tết, với anh Xuân Tú, đó là cả sự tin yêu.