Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Những ngày qua, dư luận bức xúc về việc người mẫu Châu Bùi bị quay lén tại nơi chụp hình, một chủ nhà trọ đặt máy quay lén sinh viên thuê trọ. Tháng 5, một tài khoản TikTok có hơn 67.000 lượt theo dõi và hơn 1 triệu lượt xem đăng tải hàng trăm clip quay lén phụ nữ trong trang phục gợi cảm.
Nhiều nữ nạn nhân lên tiếng cảnh báo, tố giác nạn quay lén và đăng tải trái phép lên mạng xã hội. Phạm Nguyễn Hoàng Yến (nhà sáng tạo nội dung tại TPHCM) từng hoảng hốt khi phát hiện hình ảnh tràn lan trên mạng xã hội.
“Tôi phát hiện hình ảnh nhạy cảm của tôi lọt vào danh sách video xu hướng trên cả nền tảng Facebook và TikTok. Tôi rất hoảng loạn vì bị quay lén và phát tán video trong 4 tháng nhưng không hề hay biết”, chủ kênh TikTok có gần 6.000 người theo dõi nói.
Video có thời lượng không quá 1 phút, ghi lại khoảnh khắc của Hoàng Yến ở một trạm xăng trong trang phục thể thao bó sát. Chủ kênh TikTok còn thản nhiên chạy quảng cáo trên video quay lén Hoàng Yến. Nạn nhân kêu gọi bạn bè, cộng đồng mạng giúp đỡ, báo cáo các video quay lén này.
“Video bị phát tán trên TikTok với lượt tương tác rất lớn. Tôi kêu gọi mọi người báo cáo nhưng không có hiệu quả. Kênh TikTok này cũng quay lén và phát tán video của rất nhiều bạn nữ khác trong một khoảng thời gian dài”, Yến nói.
Một nạn nhân của hành vi quay lén, phát tán hình ảnh trái phép trên mạng xã hội lên tiếng cảnh báo cộng đồng |
Với sự hỗ trợ của cộng đồng mạng, trang Facebook và kênh TikTok đăng hình ảnh trái phép của Yến đã biến mất. Tuy nhiên, không thể xác định được chính chủ xóa video, xóa kênh hay chỉ tạm thời khóa kênh.
“Mối nguy hiểm vẫn còn đó. Tôi đã báo công an và đợi thông báo tiếp theo. Tôi mong kẻ quay lén sẽ bị pháp luật nghiêm trị và phải tiêu hủy hết video quay lén, đồng thời cam kết không tái phạm”, nạn nhân nói.
Sau vụ việc, Yến rút ra bài học đề cao cảnh giác để bảo vệ bản thân. Phụ nữ có quyền lựa chọn trang phục theo sở thích, song cũng cần tự bảo vệ bản thân để tránh những tình huống không may. Lời khuyên của Yến là đừng sợ hãi, đừng im lặng mà hãy lên tiếng.
Cần phong trào phản đối đủ mạnh
Thông tin liên quan quay lén, lộ lọt hình ảnh nhạy cảm đều nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, bên cạnh một số bình luận bênh vực nạn nhân, phê phán hành vi xấu xí, phần lớn người dùng mạng xã hội tỏ thái độ bỡn cợt. Không hiếm người lao vào “xin link (đường dẫn tới video)”, người khác lại bình phẩm về cơ thể của nạn nhân.
Chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý Lê Thế Hanh (Viện Tâm lý Giáo dục BrainCare) cho rằng, xã hội chưa có thái độ phẫn nộ đủ mạnh, chưa tạo nên những diễn đàn phản đối, lên án mạnh mẽ hành vi quay lén.
“Những hành động xấu xí, vô văn hóa nếu không được vạch trần, không bị trừng phạt mà được che giấu trong im lặng sẽ không tự nhiên biến mất, thậm chí lặp lại ở lần sau với mức độ nguy hiểm hơn”, anh Hanh nhận định.
Dễ lan truyền, khó xử lý
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh mạng quốc gia, cho biết, về mặt kỹ thuật, việc thu hồi hay xóa dữ liệu bị rò rỉ trên không gian mạng tương đối khó khăn. “Nhìn chung trên thế giới, các vụ lộ lọt hình ảnh nhạy cảm đều khó xử lý. Thông tin lan truyền nhanh nhưng rất khó để thu hồi. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo để phát tán, vì thế cứ báo cáo tài khoản này lại có tài khoản khác”, ông Sơn nói.
Người quay lén khi bị phát hiện mà chưa phát tán hình ảnh và mới là lần đầu cũng chỉ nhận án phạt hành chính. Nếu quay lén rồi tống tiền hoặc phát tán, gây hậu quả nghiêm trọng thì họ mới bị truy cứu hình sự.
Chuyên gia cho rằng, mức xử phạt còn nhẹ là một trong những lý do khiến video quay lén xuất hiện nhan nhản trên mạng.
“Mức xử phạt 12,5 triệu đồng trong vụ chủ nhà trọ khu Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) lắp camera giấu kín quay lén là không tương xứng với hành vi vi phạm”, TS Đoàn Trung Sơn, Giám đốc chương trình đào tạo an toàn thông tin, Trường Đại học Phenikaa, nhận định. Ông đề nghị hình thức xử phạt nghiêm minh hơn.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, có thể hình sự hóa một số hành vi ghi hình, chụp ảnh hoặc phát tán thông tin làm nhục, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác dựa theo mục đích, tính chất và mức độ của hành vi.
“Hành vi quay lén có thể xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau cũng nên được xem là một dạng hành vi quấy rối tình dục, xâm hại nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được pháp luật bảo hộ”, TS Sơn nói.
Ngăn chặn hành vi quay lén cũng cần được thực hiện ngay từ việc giáo dục nhận thức, bồi đắp văn hóa cho mỗi cá nhân. PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng, cần tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ những điều sai trái trong hành vi quay lén và mức xử phạt tương ứng theo quy định.
“Nên tăng nặng mức phạt để tạo tính răn đe, đồng thời đẩy mạnh truy quét, triệt phá những đường dây buôn bán linh kiện, phụ kiện, phương tiện quay lén trên thị trường”, PGS Trung nêu quan điểm.
Sự ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân bị quay lén có thể kéo dài cả đời. Vì vậy, chuyên gia nhấn mạnh vai trò trang bị kiến thức, kỹ năng để nạn nhân bình tĩnh ứng phó.