Nhớ về những cửa ô Hà Nội

TPO - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những cửa ô” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Hà Nội với 36 phố phường và 5 cửa ô đã khắc sâu trong tâm thức của bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật.

Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những cửa ô của Hà Nội là nội dung đầy tính hấp dẫn, gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Nhớ về những cửa ô Hà Nội ảnh 1

Bác Hồ gặp các đại biểu nhân dân khi về tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954.

Nhớ về những cửa ô Hà Nội ảnh 2

Trưng bày Hà Nội và những cửa ô.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, nhân kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, Trưng bày Hà Nội và những cửa ô với mục đích tái hiện lịch sử các cửa ô của Hà Nội, cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô và sự biến mất của hầu hết các cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, Trưng bày cũng giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Những tư liệu của Trưng bày được lấy từ các nguồn sử liệu, bản đồ, bản vẽ, hình ảnh, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp được lưu trữ tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Viện Thông tin Khoa học xã hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội.

Nhớ về những cửa ô Hà Nội ảnh 3

Cửa Ô Cầu Dền cuối thế kỷ XIX, nay là khu vực ngã tư phố Bạch Mai - Đại Cồ Việt - Phố Huế.

Nhớ về những cửa ô Hà Nội ảnh 4

Một buổi họp chợ năm xưa tại cửa Ô Quan Chưởng.

Trưng bày Hà Nội và những cửa ô với 200 tài liệu, hình ảnh được giới thiệu gồm 3 chủ đề.

Chủ đề 1 với nội dung Cửa ô xưa - giới thiệu về Lịch sử hình thành các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội, Kiến trúc, vai trò, công năng của các cửa ô Hà Nội, Sự biến đổi về tên gọi và số lượng các cửa ô theo từng giai đoạn.

Dưới sự tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy.

Cửa ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất đến ngày nay, lưu dấu về sự tồn tại và hình dáng của các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội xưa.

Nhớ về những cửa ô Hà Nội ảnh 5

Bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính vẫy chào nhân dân trong ngày giải phóng Thủ đô, ngày 10/10/1954.

Nhớ về những cửa ô Hà Nội ảnh 6

Nhân dân thủ đô Hà Nội chào đón các đơn vị quân đội về tiếp quản Thủ đô, ngày 10/10/1954.

Chủ đề 2 với nội dung Cửa ô chiến thắng kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954.

Đặc biệt là Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954 với sự tham gia của các đơn vị quân đội về tiếp quản thành phố…

Nhớ về những cửa ô Hà Nội ảnh 7

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, ngày 10/10/1954.

Chủ đề 3 với nội dung Cửa ô Hà Nội hôm nay khắc họa những bước phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô.

Hiện nay, Hà Nội ngày càng được mở rộng với những không gian, quy hoạch xứng tầm, khiến Thủ đô ngày càng phát triển trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhớ về những cửa ô Hà Nội ảnh 8

Người dân hân hoan hướng về lá Quốc kỳ tung bay trên Cột Cờ Hà Nội, ngày 10/10/1954.

Trưng bày Hà Nội và những Cửa ô sẽ khai mạc ngày 7/10 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 9C phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

MỚI - NÓNG