Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong thì có một số ứng viên còn thiếu tiêu chuẩn giờ dạy, giờ hướng dẫn nghiên cứu sinh. Những trường hợp này, phần lớn đều rơi vào giảng viên thỉnh giảng.
Trong hai ngày 28 và 29/3, Tổ thẩm tra của Bộ GD&ĐT và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã làm việc với các hội đồng ngành liên quan để xác minh làm rõ thông tin 95 trường hợp chưa được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, một thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Hóa cho biết: ngành Hóa có 8 ứng viên trong danh sách 95 ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải xét duyệt lại. Sau khi tổ thẩm tra của Bộ GD&ĐT thẩm tra lại thì có 3 hồ sơ ứng viên đủ điều kiện thông qua. Còn 5 hồ sơ còn thiếu minh chứng giảng dạy nên để lại. “Các cơ sở đào tạo của 5 ứng viên này cũng đã ký vào biên bản làm việc với thanh tra Bộ, như thế có nghĩa là các ứng viên này không đủ điều kiện để thông qua” – thành viên này chia sẻ.
Vị này cũng cho biết thêm, trong số 5 ứng viên này, có 4 ứng viên thỉnh giảng và 1 ứng viên là giảng viên. Riêng với ứng viên là giảng viên ĐH thì chưa đủ điều kiện về hướng dẫn chính cao học.
“Với kết luận của tổ thẩm tra, ngành Hóa nhất trí hoàn toàn với điều đó” – vị này nói.
Còn tại Hội đồng Chức danh giáo sư ngành giáo dục học, một thành viên của hội đồng cho biết có 5 ứng viên rà soát lại. Trong hai ngày 28, 29 vừa qua, Tổ thẩm tra của Bộ đã thông tin ứng viên nào cung cấp đủ minh chứng, ứng viên nào chưa cung cấp đủ minh chứng mà tổ thẩm tra yêu cầu. “Tôi cho rằng những người đã cung cấp đầy đủ minh chứng thì chắc chắn họ sẽ được xét duyệt lần này. Ngành giáo dục học có một trường hợp không giải trình đầy đủ nên tôi nghĩ là không đạt” – thành viên này cho hay.
Ngành Ngôn ngữ có 2 ứng viên nằm trong danh sách rà soát lại thì có 1 ứng viên đủ tiêu chuẩn còn 1 ứng viên xin rút. Ngành Văn học cũng có 1 ứng viên không được thông qua vì không đủ minh chứng về giảng dạy.
Còn về phía Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thì được biết, chủ trương chung là các ứng viên có những thông tin tổ thẩm tra tìm hiểu khác với hồ sơ mà họ báo cáo trước đây thì phải cung cấp thêm minh chứng để thuyết phục tổ công tác. Nếu không thì phải chấp nhận chưa được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
Sau khi làm việc xong với các hội đồng, tổ thẩm tra Bộ sẽ có báo cáo, đề xuất với Hội đồng danh sách những ứng viên đủ điều kiện để công nhận. Sau khi báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng sẽ ký quyết định công nhận bổ sung những ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017. Những trường hợp không có tên trong danh sách này là không đủ điều kiện và sẽ không được công nhận.
Trao đổi với Tiền Phong, GS. Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cho biết đợt xét duyệt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư 2017 đã để lại nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm. Trong đó, GS. Ga nhấn mạnh đến việc tập huấn cho các hội đồng cơ sở cần phải được rõ hơn, cụ thể hơn. “Có ứng viên hồ sơ khoa học đầy đủ, nhưng họ thiếu minh chứng về thời gian giảng dạy. Đây cũng chưa hẳn là lỗi tại họ mà do chưa có hướng dẫn đầy đủ nên họ bị thiếu.
Ví dụ như khi thỉnh giảng, phải có hợp đồng giảng dạy, hợp đồng thanh lý. Nhưng để có được hợp đồng thanh lý thì phải có số giờ giảng dạy, lớp học cụ thể ở thời gian nào. Những chi tiết này nhiều khi ứng viên cũng như hiệu trưởng các trường không để ý nên dễ thiệt cho ứng viên” - GS. Bùi Văn Ga cho hay. Mặt khác, các hội đồng cơ sở, các đơn vị giáo dục ĐH khi xác nhận hồ sơ cho ứng viên cần có trách nhiệm hơn, phải xem xét đủ các chứng cứ thể hiện trong hồ sơ mà ứng viên đưa lên.
Chức danh GS, PGS cần gắn với một trường ĐH nào đó
GS. Bùi Văn Ga một lần nữa khẳng định, về nguyên tắc Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chỉ có nhiệm vụ công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn, tức là sàn tối thiểu giống như điểm sàn ĐH. Còn việc các trường có bổ nhiệm hay không thì đó là trách nhiệm của các trường ĐH. Có phó giáo sư, giáo sư vừa được công nhận, nhưng trường đó đã đủ giáo sư, phó giáo sư, vậy muốn được bổ nhiệm thì phải chuyển sang đơn vị nào cần. Mô hình này cũng giống như ở Pháp hiện nay.
Trước đó, Trường ĐH Ngoại thương vừa có văn bản thông báo việc xét bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư tại trường ĐH Ngoại thương. Theo đó, số lượng GS, PGS cần tuyển vào các ngành của trường đại học Ngoại thương gồm: Ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế Quốc tế: 01 người; chuyên ngành Tài chính ngân hàng: 01; chuyên ngành Kế toán Kiểm toán 01; chuyên ngành Kinh doanh 01; chuyên ngành Kinh tế học 01; chuyên ngành Luật Kinh tế 01.
Nói về vấn đề này, PGS. Trần Văn Tớp, phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết ở trường, việc tuyển dụng được sắp xếp theo vị trí việc làm. Với mỗi vị trí, sẽ yêu cầu ứng viên có một số điều kiện nhất định. Ví dụ như có khoa, yêu cầu giảng viên phải là Tiến sĩ, hoặc có khoa yêu cầu giảng viên phải là Phó giáo sư, giáo sư...
“Lẽ ra, chức danh giáo sư, phó giáo sư nên gắn với một trường ĐH nào đó. Hiện nay ở Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ, chính vì vậy nhiều người mặc định giáo sư, phó giáo sư là chức danh trọn đời” - PGS. Trần Văn Tớp cho hay.