Cần đổi mới việc xét phong GS, PGS

TP - “Chuyến tàu 174” (Quyết định 174 của Thủ tướng về quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành từ năm 2008) dường như sắp hết vai trò lịch sử. Theo các chuyên gia:  GS, PGS chỉ nên dành cho các trường ĐH, viện nghiên cứu. Quy định về tiêu chuẩn mới cần được thực hiện ngay từ năm 2018, không cần phải đợi đến năm 2019 như dự thảo đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến.

Ứng viên yêu cầu bài ISI, sao hội đồng chức danh ngành không có?

Theo dự thảo Quy định tiêu chuẩn xét duyệt GS, PGS đang lấy ý kiến, Bộ GD&ĐT đã đưa tiêu chí bài báo ISI, Scopus đối với các ứng viên GS, PGS.  PGS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đưa ra hai phương án cho đổi mới tiêu chuẩn xét duyệt GS, PGS sắp tới. Phương án 1: Quan điểm “đường ta ta đi”, bất chấp xu thế hội nhập, không thay đổi quan điểm hiện thời, GS/PGS vừa trách nhiệm thì ít mà vinh danh thì nhiều, sau khi được phong ai vận dụng được gì thì vận dụng. Phương án 2: hội nhập quốc tế, coi GS/PGS là một vị trí công tác, quyền lợi đi lẫn với nghĩa vụ và chỉ tồn tại ở các trường đại học, viện nghiên cứu.

Với phương án 1, PGS. Phùng Hồ Hải cho rằng Bộ GD&ĐT không nên để Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục làm nhiệm vụ xây dựng phương án. Đồng thời bỏ hội đồng cấp cơ sở và cấp nhà nước, giữ lại hội đồng ngành, song song với việc nâng cao chất lượng hội đồng ngành, tiến hành bầu hội đồng này một cách công khai dựa trên tiêu chí duy nhất: Uy tín khoa học tính bằng thành tích nghiên cứu mà cụ thể là công bố quốc tế uy tín (PGS Phùng Hồ Hải nhấn mạnh chữ uy tín). Tiêu chí tiếp theo chỉ giữ lại hai tiêu chí cứng duy nhất khi xét công nhận GS/PGS: thành tích nghiên cứu  khoa học (thông qua công bố quốc tế uy tín) và kinh nghiệm giảng dạy (tính theo thâm niên). Cho phép chuyển đổi điểm công bố để bù thiếu hụt về giờ dạy. Cuối cùng để đảm bảo tính chất vinh danh, không thể công nhận GS/PGS tràn lan. Vì vậy cần xem xét cấp quota cho mỗi ngành khoa học dựa theo thành tích công bố của ngành đó.

Với phương án 2, khi đã quyết định hội nhập thực sự thì có khá nhiều mô hình để lựa chọn. Tuy nhiên cần hiểu  nguyên lý căn bản  của việc hội nhập là coi GS/PGS như một bộ phận cơ hữu của một trường đại học: GS/PGS phải là bộ não trong cơ thể của một trường, chức danh GS/PGS phải gắn liền với một vị trí giảng dạy hay nghiên cứu.

Vì vậy cần bỏ chuyện công nhận GS/PGS tại một hội đồng nhà nước, đưa việc bổ nhiệm GS/PGS về cho từng trường đại học; đặt quota GS/PGS cho từng trường đại học, viện nghiên cứu  (dựa trên số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh theo học). Trên thế giới người ta gọi đó là các “vị trí GS” hay các “chân GS”.  Mặt khác nếu muốn đảm bảo chất lượng sàn của đội ngũ GS/PGS có thể thành lập các hội đồng ngành để kiểm định trình độ nghiên cứu của các ứng viên dựa trên tiêu chí duy nhất: công bố quốc tế uy tín.

Một nghịch lý cho thấy, trong khi tiêu chuẩn đối với các ứng viên GS/PGS cần được nâng lên thì tiêu chuẩn của các thành viên hội đồng ngành chưa có gì “nhúc nhích”. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, quy trình bổ nhiệm các thành viên Hội đồng ngành gồm: giới thiệu của hội đồng cũ, giới thiệu của các đơn vị trong ngành toàn quốc. Sau đó có đề nghị của Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Các ứng viên vào hội đồng ngành cũng đều được bỏ phiếu tín nhiệm từ cơ sở.  Tuy nhiên, trong quy định hiện nay về tiêu chuẩn đối với các thành viên hội đồng ngành không có tiêu chuẩn yêu cầu phải có bài báo ISI hay Scopus. Chính điều này khiến nhiều chuyên gia băn khoăn, vì những người cầm cân nảy mực để lựa chọn ra các ứng viên GS/PGS đủ tiêu chuẩn lại có tiêu chuẩn thấp hơn các ứng viên thì lựa chọn thế nào?

Trước băn khoăn này, PGS Phùng Hồ Hải cho rằng tiêu chuẩn về bài báo ISI, Scopus đối với thành viên hội đồng ngành cũng là một yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, cũng giống như ứng viên ở các ngành, cần xem xét yếu tố đặc thù. “Quan trọng nhất của các thành viên hội đồng ngành đó chính là khả năng thẩm định năng lực của người khác. Họ phải có hiểu biết rộng. Nếu chỉ nhìn vào một vài bài nghiên cứu xuất sắc là chưa đủ. Họ phải có phông kiến thức đủ rộng. Để có được điều này, cần có thời gian” - PGS Phùng Hồ Hải nhận định.

GS. Đặng Ứng Vận, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Hóa học cho biết, nếu các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định nâng cao hơn nữa so với hiện nay thì ngành hóa vẫn đáp ứng đủ. “Trong xét duyệt ứng viên GS, PGS cần sự công tâm của những người cầm cân nảy mực. Họ có ý thức để xây dựng đội ngũ nhân lực đầu đàn của ngành mình hay không ?” - GS Đặng Ứng Vận nói.

 Nên trả GS, PGS về cho các trường ĐH

Trước những băn khoăn liên quan đến việc xét duyệt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017, các chuyên gia cho rằng cần phải sớm ban hành quy định thay thế quy định hiện hành. GS Đặng Ứng Vận, Chủ tịch Hội đồng ngành Hóa học cho rằng, hội Hội đồng Chức danh Hiáo sư Nhà nước và hội đồng cơ sở là hai hội đồng đa ngành.

Chỉ có hội đồng ngành là chuyên ngành. Để rút ngắn các quy trình này cần phải phân bố lại chức năng: một hội đồng “sàng”, một hội đồng “lọc”, một đồng rà soát. Ngoài ra, GS Đặng Ứng Vận cho rằng, với tiêu chuẩn GS, PGS không chỉ yêu cầu bài báo quốc tế mà cái quan trọng hơn đó là những đóng góp cho thực tế đời sống xã hội.

Còn TS Đàm Quang Minh, tổ chức giáo dục Hoa Kỳ, cho hay mỗi năm hàng trăm GS, PGS làm hồ sơ để được công nhận và hàng chục hội đồng xét duyệt gây tốn kém cho xã hội.

Đầu tiên cần phải hiểu GS, PGS là gì? Theo thông lệ quốc tế đây là chức danh dành cho những người làm khoa học trong các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học nghiên cứu. Giáo sư hay Professor (dịch nôm là chuyên gia) là những người chịu trách nhiệm chính về hướng phát triển của một ngành tại một đơn vị nghiên cứu hoặc đào tạo.

Nhưng hiện nay, GS, PGS của Việt Nam ngày càng trở thành vị trí mang tính vinh danh nhiều hơn. Vậy nên có nhiều người sắp về hưu cũng phấn đấu trở thành GS, PGS trước khi nghỉ. Trong khi đó GS, PGS nên là vị trí để phục vụ công việc.

“Cá nhân tôi cho rằng việc hàng năm tổ chức xét duyệt hồ sơ như vậy là vô cùng lãng phí và không cần thiết. Đơn cử một vị trí có vai trò không kém quan trọng là bổ nhiệm Hiệu trưởng của một trường đại học hiện nay cũng đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Và quan trọng, việc bổ nhiệm hiệu trưởng không gây tranh cãi và khiếu nại nhiều như việc bổ nhiệm GS hiện nay” – TS.Đàm Quang Minh nói.

Vì vậy, nên trả vị trí GS, PGS trở về vị trí đúng của nó trong các đơn vị nghiên cứu và đào tạo. Nhà nước chỉ cần yêu cầu tiêu chí cứng về năng lực chuyên môn còn việc tín nhiệm và đánh giá về uy tín hãy để Hội đồng khoa học của các đơn vị tự thực hiện và đề xuất bổ nhiệm theo nhu cầu thực tế của các đơn vị sử dụng.

Một nghịch lý hiện nay là có nhiều nơi GS, PGS rất ít việc chuyên môn, đào tạo, trong khi nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo hiệu quả lại rất ít GS, PGS. Và vì thế có lẽ Hội đồng giáo sư nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và nên trả các giáo sư về cho các trường đại học, cho các đơn vị nghiên cứu.

TS Đàm Quang Minh: “Sắp về hưu cũng phấn đấu trở thành GS, PGS trước khi nghỉ”

Đầu tiên cần phải hiểu GS, PGS là gì? Theo thông lệ quốc tế đây là chức danh dành cho những người làm khoa học trong các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học nghiên cứu. Giáo sư hay Professor (dịch nôm là chuyên gia) là những người chịu trách nhiệm chính về hướng phát triển của một ngành tại một đơn vị nghiên cứu hoặc đào tạo. Nhưng hiện nay, GS, PGS của Việt Nam ngày càng trở thành vị trí mang tính vinh danh nhiều hơn. Vậy nên có nhiều người sắp về hưu cũng phấn đấu trở thành GS, PGS trước khi nghỉ. Trong khi đó GS, PGS nên là vị trí để phục vụ công việc.

MỚI - NÓNG