GS Ngô Việt Trung: Xã hội mất lòng tin vào chức danh GS,PGS

GS Ngô Việt Trung. Ảnh: Lê Văn
GS Ngô Việt Trung. Ảnh: Lê Văn
TPO - “Chức danh GS, PGS không giúp ích gì cho công việc của các quan chức mà còn hạ thấp giá trị của chức danh. Nền khoa học Việt Nam tổn thương vì bị xã hội coi thường chính là do sự lạm phát chức danh như thế này.” GS. TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội chia sẻ.

Dư luận thời gian qua 'dậy sóng' trước sự tăng vọt số lượng GS,PGS được xét phong tặng. Bên cạnh đó là luồng ý kiến nghi ngờ quy trình xét phong tặng có vấn đề. PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội xung quanh vấn đề này.

Xã hội mất lòng tin vào chức danh GS, PGS

PV: Theo GS, tại sao  xã hội dậy sóng với việc phong chức danh GS, PGS năm 2017?

GS Ngô Việt Trung: Cần tỉnh táo về tất cả những gì người ta kêu về đợt phong chức GS và PGS vừa qua. Năm nay, số lượng ứng viên GS và PGS nhiều hơn hẳn các năm trước vì tiêu chuẩn của quy chế sắp ban hành sẽ cao hơn. Chuyện năm nay phong nhiều người, năm sau ít người, năm nay chất lượng cao, năm sau chất lượng thấp là chuyện hoàn toàn bình thường. Thế thì tại sao dư luận lại “dậy sóng” như vậy. Người ta nghi ngờ trình độ kém, nghi ngờ có tiêu cực, nghi ngờ về những người làm quản lý lấy thời giờ đâu để giảng dạy và nghiên cứu. Tất cả những nghi ngờ này có thể gán cho bất kỳ đợt phong chức danh nào trước đây. Chỉ có thể giải thích chuyện này là xã hội không tin vào trình độ chức danh hiện nay theo nghĩa là càng có nhiều chức danh thì càng có nhiều chức danh rởm.

Tất cả mọi người đều được phong đúng “quy trình”. Dư luận dậy sóng có nghĩa là xã hội mất lòng tin hoàn toàn vào quy định về tiêu chuẩn và  xét duyệt chức danh hiện hành. Cũng cần phải nói là chuyện mất lòng tin vào các “quy trình” là một hiện tượng phổ biến hiện nay trong xã hội ta. Chuyện phong chức danh thực ra chỉ là chuyện nhỏ so với những chuyện khác.

PV: Xin GS có thể lí giải, tại sao có những người không nằm trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu vẫn đăng ký để xin chức danh GS, PGS? Điều gì khiến chức danh GS, PGS có sức hút mãnh liệt như vậy?

Chỉ có thể lý giải là họ thích cái danh GS, PGS gắn với tên tuổi của mình.Nếu là người tỉnh táo thì họ sẽ thấy chức danh không thực chất sẽ là danh hão, chỉ đem lại sự chê cười của xã hội. Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận người Việt háo danh bất chấp dư luận xã hội. 

Chúng ta thậm chí còn tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn chức danh hàng năm tại Văn Miếu, ai được phong mà chả thích. Thực sự mà nói thì vinh danh như vậy cũng tốt, phù hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của người VN nếu chức danh đó là xứng đáng.

PV: Dư luận cho rằng, quan chức không cần là GS, PGS. Ý kiến của GS về vấn đề này thế nào?

Hiển nhiên là quan chức lãnh đạo không cần chức danh vì đó là những chức vụ khoa học tại một cơ sở đào tạo hay nghiên cứu. Theo thông lệ quốc tế thì chức danh sẽ mất đi nếu họ rời khỏi cơ sở làm việc của chức danh đó.  

Chức danh GS, PGS không giúp ích gì cho công việc của các quan chức mà còn hạ thấp giá trị của các chức danh. Có quá nhiều quan chức có học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư hay giáo sư mà người ta không rõ trình độ của các vị này như thế nào, đóng góp khoa học của họ ra sao. Nền khoa học VN tổn thương vì bị xã hội coi thường chính là do những chuyện lạm phát chức danh như thế này.

Lỗi tại quy trình

PV: Đúng là lỗi do quy trình phong chức danh. Vậy thì chúng ta phải sửa quy trình này như thế nào?

Trước hết, phải xác định các học hàm GS và PGS là các chức vụ khoa học. Cần phải có những điều khoản quy định cụ thể chức trách và nghĩa vụ của các GS và PGS. Ở nước ngoài, các chức danh GS và PGS phải đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Có như vậy, thì các chức danh này mới có thể thực sự quyết định sự phát triển của nền khoa học VN, xứng đáng với tên gọi GS và PGS. Rất tiếc là dự thảo mới chưa làm rõ điều này.

PV:  Dư luận hiện nay có nhiều ý kiến là đưa việc phong chức danh về cho cơ sở. Mô hình này có phù hợp với thực tế VN hay không?

Theo thông lệ quốc tế thì việc phong chức danh phải do cơ sở quyết định. Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì các ứng viên đều được xét bởi một hội đồng chuyên ngành có sự tham gia của cả những chuyên gia bên ngoài. Ở một số nước Tây Âu (nơi mà các trường ĐH đều là các trường công) có những hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước xét duyệt các ứng viên xem họ có đủ tiêu chuẩn để phong chức danh. Chỉ những người đạt chuẩn mới có thể được các cơ sở phong chức danh. Đó cũng là mô hình phong chức danh hiện nay ở VN.

Nền khoa học VN hiện nay còn rất yếu kém. Hầu hết các cơ sở đào tạo hay nghiên cứu không có đủ các chuyên gia để có thể thành lập một hội đồng ngành đủ năng lực thẩm định các ứng viên. Vì vậy, rất cần thiết phải có các hội đồng ngành ở cấp nhà nước để xét duyệt các ứng viên xem họ có đủ trình độ để phong chức danh hay không.

Hội đồng chức danh nhà nước chỉ nên là cơ quan điều hành hoạt động các hội đồng ngành và đóng vai trò trọng tài trong việc quyết định danh sách các ứng viên đạt chuẩn chức danh. Sau đó thì Hội đồng cơ sở mới họp xét các ứng viên đã đạt chuẩn xem họ có phù hợp với nhu cầu công việc của cơ sở để bổ nhiệm chức danh. Dự thảo mới vẫn giữ quy định hội đồng cơ sở xét trước hội đồng ngành là không cần thiết.

Hội đồng ngành có công tâm không?

PV: Theo mô hình này thì vai trò của hội đồng ngành đóng vai trò then chốt. Vậy thì làm thế nào để có thể thành lập được các hội đồng ngành có đủ năng lực và công tâm?

Dự thảo mới quy định hội đồng ngành do chủ tịch hội đồng chức danh nhà nước trực tiếp bổ nhiệm mà không có những quy định về cách thức thành lập hội đồng ngành. Điều này cho thấy dự thảo mới chưa thấy rõ vai trò then chốt của hội đồng ngành trong việc đảm bảo chất lượng ứng viên đạt chuẩn.  

Để có thể thật sự chọn được những người có đủ trình độ và công tâm cho hội đồng ngành thì Bộ GD&ĐT phải tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những GS trong cộng đồng GS và PGS của cùng ngành và thành lập hội đồng ngành dựa theo kết quả bỏ phiếu.

PV:  Nhiều người nói rằng các hội đồng xét chức danh là nguồn gốc của tiêu cực. Là một người tham gia hội đồng ngành, giáo sư cảm thấy thế nào?

Phần lớn các ý kiến nói về tiêu cực đều nói là theo dư luận xã hội và thường nêu ví dụ là có người vượt chuẩn quy định nhưng không được duyệt chỉ vì không chạy các thành viên hội đồng.

Họ thường nhầm lẫn rằng các tiêu chuẩn cứng chỉ là các tiêu chuẩn tối thiểu mà ứng viên cần có để được xét. Trên thế giới người ta chỉ dùng một tiêu chuẩn duy nhất là ứng viên có được hội đồng chuyên ngành tín nhiệm hay không. Các hội đồng xét chức danh đều gồm những nhà khoa học tiêu biểu. Nói về tiêu cực một cách chung chung như vậy thực sự làm tổn thương các nhà khoa học chân chính.

Chuyện tiêu cực có thể xảy ra trong bối cảnh tiêu cực đã trở nên căn bệnh của cả xã hội. Chúng ta chỉ có thể đặt ra những quy định để giảm thiểu nguy cơ tiêu cực. Cách tốt nhất để tránh tiêu cực là thành lập các hội đồng trên cơ sở phiếu tín nhiệm của cộng đồng các nhà khoa học. Cá nhân nào có biểu hiện tiêu cực chắc chắn sẽ không đủ phiếu tín nhiệm để được chọn vào hội đồng. 

GS Ngô Việt Trung: Xã hội mất lòng tin vào chức danh GS,PGS ảnh 1 Xã hội đang mất lòng tin vào chức danh GS,PGS
Đã đạt chuẩn cứng rồi thì cần gì phải thông qua hội đồng

PV: Tại sao trên thế giới người ta không đặt ra những bộ tiêu chuẩn cho việc phong chức danh như chúng ta. Nếu đã có tiêu chuẩn thì chỉ cần kiểm tra xem ứng viên có đủ chuẩn không chứ đâu có cần kiến thức chuyên môn của hội đồng ngành?

Uy tín khoa học có lẽ là thước đo duy nhất để phong chức danh. Uy tín này chỉ có thể thẩm định bởi một hội đồng ngành. Chính vì nền khoa học của chúng ta chưa đủ mạnh nên chúng ta phải đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu cho các chức danh. Các tiêu chuẩn này được gọi là tiêu chuẩn cứng. Bên cạnh đó còn có tiêu chuẩn mềm là số phiếu tán thành của hội đồng và đây mới là tiêu chuẩn quyết định.

Rất tiếc là quy định cũ không nói rõ các tiêu chuẩn cứng là các tiêu chuẩn tối thiểu. Tuy nhiên quy trình xét duyệt ở các hội đồng cũng thể hiện rõ điều này. Bước 1 là hội đồng thẩm định xem các ứng viên có thoả mãn các chuẩn quy định không và Bước 2 là thảo luận xem ứng viên có xứng đáng được phong chức danh hay không. Quy định mới cần nói rõ việc này để tránh những thắc mắc không đáng có sau này.

PV: Theo giáo sư thì các tiêu chuẩn cứng của dự thảo mới có thật sự nói lên trình độ khoa học của các ứng viên chưa?

Theo thông lệ quốc tế thì trình độ khoa học của các ứng viên thể hiện trước tiên qua thành tích công bố quốc tế. Dự thảo mới tuy đã bước đầu yêu cầu bắt buộc ứng viên phải có công bố quốc tế nhưng vẫn yêu cầu ứng viên phải chủ trì đề tài, viết sách, hay đào tạo tiến sĩ là những tiêu chuẩn không phản ánh thực sự trình độ khoa học của ứng viên và cũng không theo thông lệ quốc tế. Chính vì những yêu cầu như thế này mà chúng ta có quá nhiều  những đề tài rởm, sách rởm, tiến sĩ rởm có hại cho nền khoa học hơn là có lợi. Giáo sư Ngô Bảo Châu có ở VN thì cũng không đạt được những tiêu chuẩn này.

Cũng không nên yêu cầu ứng viên phải có thâm niên đào tạo quá nhiều như hiện nay vì cái này không nói lên điều gì về khả năng giảng dạy cũng như trình độ khoa học của ứng viên. Yêu cầu này chỉ ngăn cản những nhà khoa học trẻ được phong chức danh sớm, không thuyết phục được các nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài  trở về nước làm việc.

PV: Sau vụ việc phong chức danh năm nay thì việc phong GS, PGS cũng phải có nhiệm kì chứ không trọn đời như hiện nay. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

Theo thông lệ quốc tế thì học hàm GS và PGS là cho cả đời vì các chức danh này được tuyển chọn rất kỹ. Học hàm này chỉ bị tước đi khi họ vi phạm chuẩn mực đạo đức của một nhà khoa học như ngụy tạo kết quả nghiên cứu hay đạo văn (kể cả tự đạo văn). Tuy nhiên cũng có một số cơ sở nghiên cứu quốc tế xét lại chức danh sau một số năm. Chắc là họ sợ rằng các nhà khoa học sau khi có chức danh không còn động lực nghiên cứu nữa. 

Nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn yếu nên có thể cân nhắc chuyện xét lại chức danh. Nhưng tốt nhất đừng nên làm những việc gì khác với thông lệ quốc tế vì đó là những chuẩn mực đã được kiểm nghiệm. Chính vì chúng ta cứ đặt ra những chuẩn mực chẳng giống ai cả nên mới xảy ra những chuyện lùm xùm như bây giờ. 

Xin cảm ơn Giáo sư!

GS Ngô Việt Trung (sinh ngày 8/5/1953) là nhà Toán học người Việt Nam, quê ông xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1983, ông được phong hàm Phó Giáo sư khi vừa tròn 30 tuổi, và đến năm 38 tuổi, ông được phong hàm Giáo sư, là giáo sư trẻ nhất thời đó. Ông là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ 2007 tới 2013. Ông cũng là một trong 10 người Việt Nam đạt danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba. Ông được giới toán học đánh giá là nhà toán học tiêu biểu đương đại của Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.