90 triệu dân & 500 ĐBQH

90 triệu dân & 500 ĐBQH
TP - Buổi thảo luận về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội ngày 16/6 vừa qua có nhiều ý kiến rất đáng chú ý về tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu đại biểu quốc hội (ĐBQH). Đại biểu đề nghị phải tăng cường dân chủ, đổi mới mạnh mẽ khâu hiệp thương để chọn được người tài, đức vào quốc hội;

hạn chế tối đa đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Đảng, cơ quan hành pháp; giảm kiêm nhiệm, tăng đại biểu chuyên trách đạt 50%...

Đại biểu Huỳnh Nghĩa còn cho rằng, dự thảo nêu 5 tiêu chuẩn ĐBQH nhưng “suy đi nghĩ lại vẫn còn thiếu”, thậm chí việc thiếu này là rất quan trọng, là riêng có của ĐBQH, đó là tư duy phản biện. “Thực tế cho thấy khá nhiều cán bộ, công chức của chúng ta hiện nay hình như thiếu tư duy phản biện, dễ chấp nhận những kết luận, nhận định vuông vức, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra, dù trong thực tế cuộc sống còn đầy những gai góc, gập ghềnh.

Đây không phải là chuyện bới bèo ra bọ mà là thái độ khoa học cần thiết, phản biện là dân chủ. Vì người phản biện chỉ có thể giành phần thắng khi chân lý thuộc về họ, chứ không vì chức vụ quan trọng mà người ấy nắm giữ” – ông Nghĩa nói.

Đúng như vậy, tư duy phản biện đúng đắn là điều kiện cần cho một xã hội dân chủ. Thậm chí ngày nay, nhiều trường học trên thế giới từ bậc phổ thông đã dạy cho trẻ em làm quen với tư duy phản biện, bởi có phản biện mới có tư duy sáng tạo. Những phản biện, tranh luận sắc sảo vì nước vì dân trên tinh thần xây dựng, khoa học lại càng không thể thiếu vắng trên nghị trường.

500 ĐBQH, về lý thuyết phải xứng đáng là 500 đại diện xuất sắc nhất của 90 triệu công dân Việt Nam. 500 ĐBQH chính là tai mắt của dân, nói lên được tiếng nói của muôn dân, được dân ủy quyền để thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Với những chức năng quan trọng như vậy, thật khó cho các đại biểu kiêm nhiệm có thể dành toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ của mình ở Quốc hội. Do vậy việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là điều cần thiết.

Quốc hội họp xuân thu nhị kỳ để làm luật, để bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc kế dân sinh. Ấy vậy mà cử tri vẫn nhìn thấy những chiếc ghế trống đâu đó trong nghị trường do có đại biểu bận việc này, việc khác. Tại các cuộc thảo luận, chất vấn trên hội trường, vẫn còn những ý kiến của ĐBQH còn dông dài chưa trúng ý dân, chưa sắc sảo... 

Luật do các đại biểu thông qua rất nhiều, từ luật chuyên ngành tới những bộ luật liên quan mật thiết tới đời sống xã hội, đòi hỏi kiến thức của các ĐBQH phải rất sâu rộng, bằng không vẫn sẽ còn tình trạng luật khung, luật ống, thậm chí xa rời thực tế được thông qua.

Do vậy, làm sao có cơ chế để người dân sáng suốt lựa chọn người tài đức, có tâm và có tầm, người đại diện xứng đáng cho mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước là điều vô cùng quan trọng.

MỚI - NÓNG