Có vấn đề

Có vấn đề
TP - Nghị định 36 của Bộ  NN&PTNT về nuôi chế biến và xuất khẩu cá tra vừa mới ban hành sẽ có hiệu lực vào ngày 20/6 tới, nhưng ngay tại thời điểm này các doanh nghiệp và người nuôi cá tra đã kêu trời.

Trong rất nhiều điều thì việc bắt doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng kí hợp đồng, chi phí thẩm định, tiêu chuẩn bắt buộc với cá tra tạo phản ứng bức xúc nhất. Cá tra chìm nổi bấy nay trên thương trường với bao quy định ngặt nghèo của thị trường ngoài nước. Hơn ai hết, các doanh nghiệp là người lo lắng đến chất lượng sản phẩm. Bởi “đồng tiền liền khúc ruột”. 

Chất lượng cá tra ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Họ kinh doanh mặt hàng cá tra, như nhiều ông chủ doanh nghiệp bày tỏ là không đơn thuần vì đồng tiền mà còn là danh dự và thương hiệu. Nếu các quy định này được áp dụng thì theo tính toán, mỗi lô hàng qua các cửa ải thủ tục này phải mất từ 15-20 ngày.

Thời gian ấy, doanh nghiệp phải gánh lãi suất tính vào giá thành. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Cty CP Vĩnh  Hoàn chua chát: Tôi đọc xong nghị định và nghĩ ra hàng trăm cách lách. Nhưng như thế nó mệt mỏi. Chúng tôi không muốn lách nữa. Chúng tôi muốn làm thật vì thương hiệu con cá tra…Lời cảm thán ấy của bà Khanh cũng là lời than thở của nhiều doanh nghiệp cùng số phận.

Đó là chuyện con cá tra. Còn đây là chuyện quy định về thiết bị giám sát hành trình mà bấy nay quen gọi là hộp đen. Nhiều người hài hước: Hộp đen bản chất của nó là kín bưng thì làm sao yêu cầu nó tường minh cho được. 

Quả thật là vậy! Hàng trăm doanh nghiệp vận tải hành khách đôn đáo, toát mồ hôi để trang bị hộp đen cho các phương tiện của đơn vị mình. Bẵng đi một thời gian, hàng trăm tỷ đồng đã bỏ ra mua sắm và đến nay, các hộp đen ấy trở thành cục sắt vô tri. 

Người ta tự hỏi: Liệu hàng chục doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thiết bị giám sát hành trình có “đi đêm” với cơ quan ban hành quy định này để hơn 55.000 phương tiện vận tải đồng loạt lắp hộp đen mà chất lượng của nó được so sánh như mũ bảo hiểm, thật giả lẫn lộn. Rồi, tất cả những thông số mà hộp đen ghi lại được, có cơ quan quản lí nào dùng nó để hạn chế, giám sát tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm luật?

Các văn bản quy phạm pháp luật gần đây mà dư luận cho là được soạn thảo trong phòng lạnh, thiếu hơi thở cuộc sống xem ra vẫn còn đất sống.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch  Quốc  hội Nguyễn Sinh Hùng khi dẫn ra con số 312 văn bản sai, có những văn bản vi phạm Hiến pháp và pháp luật đã thẳng thắn: “Tôi thấy rất nghiêm trọng. Nếu đem 312 cái đó ra mà thi hành thì cũng chết, mà nếu không thi hành thì những cán bộ thực thi cũng vi phạm pháp luật” và ông kết luận: “Công tác xây dựng pháp luật của chúng ta vô cùng có vấn đề”.

Khi cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đang có vấn đề như thế thì người dân, doanh nghiệp luôn sống trong thấp thỏm
đúng sai.                                                                           

MỚI - NÓNG