Ngày 23/11, tại huyện Hóc Môn (TPHCM), Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Hóc Môn tổ chức họp mặt kỷ niệm 83 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2023).
Cụ Trương Thành Hỷ - cán bộ lão thành - đến dự lễ. Ảnh: Ngô Tùng. |
Tham dự chương trình có Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung cùng lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân mảnh đất anh hùng “18 thôn vườn trầu” Hóc Môn.
Phát biểu ôn lại truyền thống, ông Trần Văn Khuyên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hóc Môn - cho biết: "83 năm đã đi qua, tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn luôn sống mãi. Cuộc khởi nghĩa tuy chưa thành công và chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã báo hiệu bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, nhân dân ta vùng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc"
Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên phát biểu gợi nhắc khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 83 năm trước. |
“Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn, xin tri ân và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí, đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh oanh liệt trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và trong sự nghiệp đấu tranh cứu nước, giữ nước của dân tộc”, ông Trần Văn Khuyên bày tỏ.
Trước đó, tại Di tích lịch sử Ngã ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng), lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và lãnh đạo, nhân dân huyện Hóc Môn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh gìn giữ độc lập, tự do cho dân tộc.
Lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thành kính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Ảnh: Ngô Tùng. |
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc dâng hương. |
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra đêm 22/11/1940 tại Hóc Môn từ 4 cánh quân gồm: Tổng Long Tuy Thượng, Tổng Long Tuy Hạ, Tổng Long Tuy Trung và Tổng Bình Thạnh Trung, tiến hành tấn công áp sát vào dinh lũy của Quận trưởng Hóc Môn. Rạng sáng 23/11, nghĩa quân từ bốn phía xông vào đồn giặc như nước vỡ bờ, cờ đỏ búa liềm xuất hiện trước sân đồn với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ.
Sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã mở cuộc càn quét, bắt bớ và lập ra 3 trường bắn tại Hóc Môn để đàn áp và xử tử nhiều đồng chí, đồng bào ta, trong đó có các đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ; Phan Đăng Lưu - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Nguyễn Hữu Tiến; Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 14/4/1948, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho “Đội quân khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940”, tuyên dương công đức đại nghĩa của chiến sĩ Nam Kỳ “đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”.
Mặc dù bị kẻ thù đàn áp cuộc khởi nghĩa trong bể máu, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại một trang sử hào hùng, một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta; đã nêu cao tấm gương đấu tranh anh dũng, ý chí quật cường, tinh thần cách mạng tiến công, để lại cho hôm nay và các thế hệ mai sau truyền thống bất khuất, kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt.