Long An phát triển du lịch gắn kết giáo dục truyền thống cách mạng

TPO - Bí thư tỉnh ủy Long An yêu cầu các sở ngành, địa phương trong tỉnh phối hợp đẩy mạnh phát triển du lịch, nhằm tạo điều kiện để học sinh Long An đến tham quan tại các điểm du lịch trong tỉnh để giáo dục truyền thống cách mạng, vun bồi tình yêu quê hương. 

Với chủ đề "Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch" Hội thảo phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2023 do UBND tỉnh Long An tổ chức đã diễn ra nhiều 14/11. Hội thảo có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được cùng các lãnh đạo tỉnh Long An và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Ông Nguyễn Thành Thanh - Giám đốc sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch Long An cho biết, trong 10 tháng năm 2023, Long An đón 823.200 lượt khách, tăng 49% so với cùng kỳ và tăng 10% với kế hoạch, Trong đó có khoảng 14.800 lượt khách quốc tế; doanh thu đạt khoảng 476 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ, tăng 17% với kế hoạch.

Long An hiện có 125 Di tích lịch sử - văn hóa, trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh có ý nghĩa lịch sử trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa như Khu Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Khu Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, Nhà Trăm Cột, chùa Phước Lâm, khu Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, khu di tích Võ Văn Tần, các căn cứ Cách mạng tỉnh, căn cứ Xứ ủy Uỷ ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, Vàm Nhựt Tảo,…

Ông Thanh cho rằng, với vị trí chiến lược quan trọng, nơi giao thoa giữa vùng Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với TPHCM và với hệ thống giao thông ngày càng phát triển đồng bộ và hoàn thiện, mang tính kết nối liên vùng cao, Long An đang đứng trước cơ hội thu hút làn sóng đầu tư đầy tiềm năng trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Thực tế thời gian qua, trên phương diện cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng đã minh chứng, di sản, di tích văn hóa - lịch sử tạo sức hấp dẫn, cuốn hút vô cùng đặc biệt đối với du khách để tìm đến, tương tác, trải nghiệm.

Điển hình như lễ hội truyền thống kỷ niệm 155 năm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra gần đây đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, di tích lịch sử khu vực Xóm Nghề để viếng, dâng hương, tham quan.

Nhiều di tích có ý nghĩa lịch sử to lớn trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, du lịch Long An đã và đang hình thành, phát triển nhiều sản phẩm du lịch văn hóa. Việc mời gọi đầu tư tại các khu di tích nhằm thu hút du khách được đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Long An cho biết hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển du lịch, nhất là về chính sách đất đai, thuế đất...Ngoài ra còn có khó khăn vì người dân chưa mặn mà với du lịch trong tỉnh.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, đại diện đơn vị lữ hành Golden Smile Travel nêu vấn đề: "Long An có di tích, có cơ sở hạ tầng, có doanh nghiệp du lịch, có điểm đến nhưng sao đối tượng học sinh lại thích đi du lịch ngoài tỉnh. Các địa phương, nhân vật ngoài Long An thì học sinh kể vanh vách, trong khi danh nhân lịch sử như ông Nguyễn Hữu Thọ, địa danh Vàm Nhựt Tảo ở đâu... thì đa phần các bạn ít biết".

Long An phát triển du lịch gắn kết giáo dục truyền thống cách mạng ảnh 1

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, đại diện đơn vị lữ hành Golden Smile Travel phát biểu tại hội thảo

Long An phát triển du lịch gắn kết giáo dục truyền thống cách mạng ảnh 2

Rất nhiều đại diện doanh nghiệp than khó về cầu giao thông không đáp ứng được các loại xe lớn.

Giao thông cũng là một trong những khó khăn lớn nhất được các doanh nghiệp quan tâm đề cập. Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh đề nghị được sự hỗ trợ, kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành trong hiệp hội với các trường trong địa bàn tỉnh với cam kết đưa ra mức giá và chất lượng tốt nhất cho các dịch vụ du lịch trong tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được cũng nhìn nhận, tuy có nhiều tiềm năng nhưng hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

"Chúng ta phải biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của di sản, di tích lịch sử - văn hóa địa phương. Phải nâng tầm vai trò, vị trí của các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch, xem đây là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Long An, từ tham quan di sản, di tích lịch sử, các công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật, cho tới tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa, lễ hội truyền thống, lối sống địa phương…", ông Được phân tích.

Long An phát triển du lịch gắn kết giáo dục truyền thống cách mạng ảnh 3

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành giải quyết các khó khăn mà doanh nghiệp nêu trong hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển du lịch trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các địa phương cần phối hợp đẩy mạnh phát triển du lịch, nhằm tạo điều kiện để học sinh Long An đến tham quan tại các điểm du lịch trong tỉnh để giáo dục truyền thống cách mạng, vun bồi tình yêu quê hương.

Tin liên quan