Lý do Long An ì ạch xuất khẩu

TPO - "Chúng ta cũng phải nhìn nhận rất nhiều sản phẩm Long An xuất khẩu chính ngạch chưa nhiều, chúng ta còn đi tiểu ngạch. Các doanh nghiệp của Long An và của Việt Nam luôn đối diện nhiều rủi ro trong quá trình xuất nhập khẩu trực tiếp" -  bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - nói.

Ngày 25/10, UBND tỉnh Long An và Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Long An năm 2023.

Long An có nhiều tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư, giao thương khi nằm ở cửa ngõ phía Tây của TPHCM với ĐBSCL và có đường biên giới dài với Campuchia, thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu.

Tỉnh hiện có khoảng 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó có hơn 320 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp rất đa dạng và thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng, có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lý do Long An ì ạch xuất khẩu ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá Long An top 10 tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước và đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Long An đang giảm sâu.

Tính đến hết tháng 9 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Long An đã giảm trên 2%, nhập khẩu giảm trên 28%.

Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An - thông tin: "Thị trường xuất nhập khẩu của Long An 9 tháng qua trong bối cảnh hết sức khó khăn. Các doanh nghiệp rất nhiều vất vả. Chúng tôi cũng đã tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp nhưng còn nhiều vướng mắc khó khăn vượt tầm tháo gỡ của tỉnh".

Lý do Long An ì ạch xuất khẩu ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An.

Theo bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam vẫn còn chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ucraina, chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát…

Tính chung 9 tháng năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt trên 497 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%.

Bà Thắng cũng cho rằng Long An là một trong các tỉnh, thành rất nỗ lực trong việc ổn định sản xuất, chủ động tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông thủy hải sản, thực phẩm, dệt may… Tỉnh đã giúp đỡ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực.

Lý do Long An ì ạch xuất khẩu ảnh 3

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Trước những khó khăn hiện nay, thông qua hội nghị này Bộ Công Thương giúp Long An tiếp cận các thông tin hữu ích từ các quốc gia bạn hàng, nhà phân phối để tiếp tục có những chiến lược phát triển, xây dựng mối quan hệ.

Bà Thắng mong muốn Long An và các doanh nghiệp tại địa phương chủ động hơn trong kết nối, tận dụng tối đa năng lực vai trò 4 nhà phân phối, bán lẻ lớn đang có mặt tại Việt Nam, như: Central Retail (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lu Lu (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) và Circle K (Hồng Kông-Trung Quốc) để đa dạng hoá thị trường.

"Chúng ta cũng phải nhìn nhận rất nhiều sản phẩm Long An xuất khẩu chính ngạch chưa nhiều, chúng ta còn đi tiểu ngạch. Các doanh nghiệp của Long An và của Việt Nam luôn đối diện nhiều rủi ro trong quá trình xuất nhập khẩu trực tiếp. Bộ Công Thương đã và đang chủ động cung cấp thông tin, kết nối giúp cho Long An những sản phẩm, sản lượng đáp ứng được tiêu chuẩn thế giới nhưng Long An chưa có điều kiện khai thác hết tiềm năng", bà Thắng cho hay.

Tin liên quan