Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam

TPO - Âu tàu Rạch Chanh (thuộc ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An) là âu tàu đầu tiên ở Việt Nam có trung tâm điều khiển ứng dụng các thiết bị và công nghệ hiện đại, giúp giao thông đường thủy từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại được thuận lợi hơn so với tuyến kênh Chợ Gạo.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 1
Âu tàu Rạch Chanh được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, giúp giao thông đường thủy từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian từ 6 - 8 giờ.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 2

Âu tàu này còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xả lũ vào mùa mưa, ngăn mặn trong mùa khô, điều tiết nước ngọt cho vùng Đồng Tháp Mười. Có hai tuyến đường thủy từ các tỉnh miền Tây đi TPHCM là tuyến số 1 (qua kênh Chợ Gạo, Tiền Giang) và tuyến số 2 (qua cống Rạch Chanh, TP Tân An).

Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 3
Khi đèn tín hiệu trên hai đầu trụ của cửa âu tàu số 1, số 2 từ màu đỏ chuyển sang xanh thì cửa số 1 được kéo lên, nước từ thượng nguồn chảy vào khu vực bên trong âu.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 4

Khi mực nước cân bằng, các ghe tàu từ hướng miền Tây di chuyển vào khu vực neo đậu để chuẩn bị ra cửa số 2 đi TPHCM. Quy trình này sau đó được lặp lại để các ghe tàu từ hướng TPHCM đi các tỉnh miền Tây ra cửa số 1.

Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 5

Có nhiều khung giờ cố định trong ngày để âu tàu mở cống. Bên cạnh đó, việc mở cống còn tuỳ thuộc vào mật độ tàu thuyền neo chờ. Có thời điểm, hàng chục tàu gỗ, tàu sắt… loại từ 10 - 100 tấn cùng neo đậu chờ mở cửa âu tàu để đi các tỉnh miền Tây.

Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 6

Đang neo đậu trong âu, anh Thắng (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), lái phà máy bơm kể rằng từ khi âu tàu Rạch Chanh đi vào hoạt động, việc lưu thông của các phương tiện thuận lợi hơn rất nhiều.

Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 7

"Từ khi có âu tàu, việc di chuyển qua đây thuận tiện hơn. Con nước rất quan trọng với người đi sông nước, nước xuôi dòng chảy mạnh thì mất lái, nước ngược dòng thì máy yếu không chạy nổi. Trước khi có âu tàu, cống Rạch Chanh bề ngang nhỏ, ghe tàu lớn không qua được. Nếu đi đường vòng thì phải chạy lên Thạnh Hoá, thêm khoảng 50 km nữa. Nếu đi ngược nước mà có tải thì mất khoảng 12 lít dầu/giờ, mất gần cả ngày, cỡ 8 tiếng mới được 50 km", anh Phạm Văn Thưng, ngụ tại chợ Tiên Nhơn (huyện Thạnh Hoá, Long An) cho biết.

Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 8

Gia đình anh Thưng thường xuyên tranh thủ thời gian neo đậu để lên bờ mua thêm thực phẩm.

Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 9

"Có cái chợ kế bên âu tàu cũng tiện, neo lại thì tôi tranh thủ lên mua ít thực phẩm cho chuyến hành trình. Tôi đi mua chứ tai luôn để ý thông báo phát loa mở cống, mua nhanh lẹ để quay lại tàu vì mấy anh gác âu thấy tàu neo đông là sẽ mở", vợ anh Thưng vừa lên bờ mua ít thực phẩm chia sẻ.

Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 10
Tuyến số 2 từ vùng tứ giác Long Xuyên qua Đồng Tháp Mười theo kênh Nguyễn Văn Tiếp, đến Thủ Thừa, Rạch Chanh, sông Vàm Cỏ Tây đi TPHCM. Tuyến này có chiều dài hơn 253 km. Đây là tuyến đường thủy nhộn nhịp của vùng ĐBSCL. Các ghe tàu chở nông sản, lúa gạo lên TPHCM và chở vật liệu xây dựng ngược lại.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 11
Âu tàu Rạch Chanh vừa được đầu tư nâng cấp với quy mô hiện đại, buồng âu dài 140 m, rộng 19,5 m. Cầu vượt âu Rạch Chanh được xây dựng bằng bê tông cốt thép bề rộng 11,5 m, khoang thông thuyền 6,5 x 30 m.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 12
Trung bình mỗi tháng có khoảng 1.100 phương tiện qua âu tàu, trong đó có các phương tiện tải trọng trên 1.000 tấn. Tính từ năm 2016 đến nay, âu tàu Rạch Chanh đã phục vụ cho khoảng hơn 93.000 lượt phương tiện.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 13
Anh Hoàng (phụ trách phòng máy điều khiển hệ thống của cống âu tàu Rạch Chanh) đang vận hành mở cửa âu cho tàu ghe chạy qua. Theo ban điều hành, âu tàu có 27 nhân sự chia làm ba ca, hoạt động 24/24.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 14
"Có một lợi ích rất lớn của âu tàu là sau khi đưa vào vận hành có thể đóng mở hai cửa để điều chỉnh độ mặn, tránh xâm nhập mặn", một nhân viên vận hành chia sẻ.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 15
Nhiều phương tiện vội vàng di chuyển khi mực nước chưa cân bằng đã gây ra những vụ va chạm.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 16
Tàu cứu hộ sẽ làm việc khi có tàu gặp sự cố và kẹt trong âu tàu.
Cận cảnh âu tàu hiện đại nhất Việt Nam ảnh 17
Bên phải là cống Rạch Chanh, bên trái là âu tàu Rạch Chanh được đưa vào vận hành gần 10 năm qua.

Theo ông Nguyễn Văn Khuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành âu tàu Rạch Chanh, quy trình đóng mở cửa âu tàu mất khoảng 45 phút đến 1 giờ. Âu tàu có cơ chế vận hành theo 2 mùa khác nhau: Vào mùa lũ, nước từ kênh Nguyễn Văn Tiếp chảy về hạ nguồn, hệ thống cửa âu sẽ được mở 24/24 giờ. Các phương tiện khi lưu thông đến âu sẽ neo đậu chờ tại các vị trí cụ thể. Lực lượng chức năng sẽ điều tiết cho từng phương tiện qua âu theo một chiều. Sau khi phương tiện từ bên này qua hết, sẽ điều tiết cho phía bên kia qua.

Vào mùa khô, do nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây (hạ nguồn) lên cao, hệ thống cửa âu sẽ được vận hành theo sự điều tiết. Khi cửa âu phía hạ nguồn mở, phương tiện được lưu thông vào buồng âu, cửa hạ nguồn sẽ đóng lại. Sau đó, cửa âu phía thượng nguồn mở ra để phương tiện đi qua kênh Nguyễn Văn Tiếp (thượng nguồn). Cứ như vậy lần lượt các phương tiện sẽ được lưu thông qua âu một cách nhịp nhàng và tránh tình trạng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến canh tác của người dân.

Tin liên quan