Người đi từ Khởi nghĩa Nam Kỳ tới Cách mạng tháng Tám

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong cuộc Khởi nghĩa tháng Tám tại Sài Gòn, chàng thanh niên Trương Thành Hỷ được vinh dự là người cầm cờ dẫn đoàn quân cách mạng huyện Hóc Môn, cái nôi của Khởi nghĩa Nam Kỳ, tiến vào trung tâm Sài Gòn để giành chính quyền. Ông vẫn còn nhớ cảm xúc ngày ấy: “Tôi biết nguy hiểm, nhưng vẫn hiên ngang đi đầu”.
Người đi từ Khởi nghĩa Nam Kỳ tới Cách mạng tháng Tám ảnh 1

Tấm ảnh mẹ Trương Thị Mừng - người nuôi giấu Bí thư xứ ủy Võ Văn Tần, do chính tay bác Hỷ chụp

Làm liên lạc cho ông Võ Văn Tần

Bác Trương Thành Hỷ sinh ngày 9/3/1924 tại làng Tân Thới Tứ, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, trong một gia đình truyền thống Cách Mạng. Bác nói: “Tôi tham gia cách mạng mà không hề biết mình làm cách mạng. Vì mẹ tôi hoạt động bí mật, nuôi ông Võ Văn Tần trong nhà. Tôi được dặn dò công việc, đi đưa thư từ, cứ thế làm cách mạng lúc nào không hay”.

Theo tài liệu, bác Hỷ tham gia cách mạng năm 1936, khi mới 12 tuổi, làm chú bé liên lạc tại Ủy ban hành động quận Hóc Môn. Bác nói: “Tôi ít tuổi, lại gầy nhỏ nên địch chẳng để ý. Đó là lợi thế của tôi”.

Mẹ của bác Hỷ là bà Trương Thị Mừng (Bảy Mừng). Bác Hỷ kể: “Ông Võ Văn Tần ở trong buồng của mẹ tôi, một phụ nữ góa chồng. Cứ tối thì mẹ ngồi gian ngoài tụng kinh niệm Phật. Lính đi tuần qua, đêm nào cũng thế, chúng nhìn vào, thấy vậy không nghi ngờ”.

Người đi từ Khởi nghĩa Nam Kỳ tới Cách mạng tháng Tám ảnh 2

Bác Hỷ và những kỷ vật thời chiến tranh

Ông Võ Văn Tần là bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1937 - 1940). Ông tham dự Hội nghị lần thứ 6 (tháng 11/1939) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Bà Điểm, Hóc Môn bàn thảo hoạt động của xứ ủy.

“Khó khăn thì không thể nào kể hết được, chỉ biết rằng cuộc đời tôi luôn có một niềm tin rằng đất nước chúng ta sẽ chiến thắng và mọi kẻ thù đều sẽ thất bại. Niềm vui của tôi là được trở về nhà, sống trên mảnh vườn mà tôi đã lớn lên trong vòng tay của mẹ tôi”.

Bác Trương Thành Hỷ

Bác Hỷ kể lại: “Thật ra tôi không biết người ở trong nhà là ông Võ Văn Tần đâu. Sau này, khi hoạt động nhiều năm, những người bạn của mẹ tôi nói lại cho tôi. Họ nói mẹ tôi có công nuôi giấu Bí thư Xứ ủy Võ Văn Tần. Lại bảo ông Võ Văn Tần rất cảm mến mẹ tôi, nhờ các nữ đồng chí mai mối. Nhưng mẹ tôi muốn ở vậy nuôi chúng tôi nên không nhận lời bác ấy”.

Công việc liên lạc của bác Hỷ là tới gặp các cơ sở cách mạng để truyền tin: “Tôi không nhận lệnh trực tiếp từ bác Võ Văn Tần. Tôi nhận lệnh thông qua mẹ tôi, rằng tôi đến gặp ai đó,báo với họ sắp tới sẽ họp chỗ nào, sẽ đến đâu. Có khi tôi tới nói với họ là hoãn, không họp nữa hay chuyển thư từ và tài liệu rất nhanh rồi về nhà. Chỗ tôi đến, thuộc nhiều nơi trong Hóc Môn, Bà Điểm”.

Ông Võ Văn Tần bị thực dân Pháp bắt vào ngày 21/4/1940 tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Địch tra tấn dã man, nhưng không có kết quả gì và chúng đưa ông ra xử bắn ngay tại Hóc Môn ngày 28/8/1941 cùng các nhà lãnh đạo Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến.

Trước khi ra pháp trường, đồng chí Võ Văn Tần đã để lại di bút trên tường xà lim câu nói bất hủ: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…”.

Tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ

Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra nửa đêm ngày 22/11/1940. Bác Hỷ nói: “Quân ta đã đánh chiếm huyện lỵ, làm chủ Hóc Môn, cờ đỏ búa liềm tung bay. Địch dựa vào đồn lũy chống trả, ta bị thương vong, nhưng khí thế cách mạng như nước tràn bờ”.

Ấn tượng của bác ngày khởi nghĩa ấy là: “Ta chiếm đồn bốt địch, nhưng không trả thù hay xử bắn mà thả hết lính cho về nhà, chỉ tịch thu vũ khí. Nhiều người lính cảm động quá, không cầm được nước mắt”.

Lần đầu tiên, lực lượng cách mạng đã đứng lên làm chủ hoàn toàn quận lỵ Hóc Môn của Sài Gòn.

Địch đổ quân 4 hướng đánh chiếm lại. Lực lượng của nghĩa quân với vũ khí thô sơ đã được lệnh vừa đánh rút lui khỏi Hóc Môn, chủ động lui vào các vùng căn cứ để tiếp tục hoạt động lâu dài.

“Khởi nghĩa Nam Kỳ là những ngày tháng hào hùng của chúng tôi - Bác Hỷ nói- Đám thanh niên chúng tôi được dạy võ nghệ, huấn luyện sử dụng vũ khí, sẵn sàng cho cuộc nổi dậy. Khi được lệnh, chúng tôi đã hạ đồn địch, cắm cờ ngay tại huyện lỵ. Đó là chiến công chưa từng có làm nức lòng người dân Sài Gòn dưới ách đô hộ của thực dân Pháp”.

Bác Trương Thành Hỷ bùi ngùi: “Bác Võ Văn Tần bị bắt khi đang trên đường tới một địa điểm khác để tham dự một cuộc họp. Chính nhờ bác Võ Văn Tần không khai bất cứ điều gì về cơ sở nuôi giấu mình, nên gia đình chúng tôi được an toàn ngay cạnh pháp trường đã xử bắn các nhà cách mạng”.

Cách mạng tháng Tám

Trương Thành Hỷ tham gia hoạt động mặt trận Việt Minh thanh niên cứu quốc tại Hóc Môn nhưng bị địch truy đuổi gắt gao. Anh liên tục phải thay đổi chỗ ở, chỗ làm việc, rồi đi học tại trường sư phạm.

Sau thời kỳ địch khủng bố trắng, mẹ con bà Bảy Mừng tiếp tục mở cửa hàng bán gạo cạnh bến xe để hoạt động.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chàng thanh niên Trương Thành Hỷ có nhiệm vụ vận động tập hợp thanh niên vào tổ chức Thanh niên cứu quốc, để chuẩn bị cướp chính quyền Sài Gòn.

Bác Hỷ kể lại: “Lúc đó tình hình rất hỗn loạn, nào Pháp, Nhật, triều đình… rồi nhiều phái, nhiều quan điểm khác nhau. Chúng tôi phải tập hợp tất cả thanh niên lại dưới ngọn cờ cách mạng”.

Tháng 8/1945, Trương Thành Hỷ cầm cờ, dẫn đoàn quân cách mạng tiến vào trung tâm Sài Gòn để tham gia Tổng Khởi nghĩa.

Nhớ lại ngày tháng lịch sử, bác Hỷ kể: “Chúng tôi tiến đến bốt địch và lên cắm cờ. Nhưng tình hình hôm đó rất lộn xộn, tôi nghe thấy nhiều tiếng súng nổ và cậu tôi là Trương Văn Thâu cùng hai người nữa trúng đạn ngã xuống hy sinh. Tôi cầm cờ, cũng bị trúng đạn ngã gục cạnh cậu tôi”.

Tình hình Sài Gòn và Nam Bộ diễn biến rất nhanh. Nhật bị tước khí giới, quân Anh-Ấn vào thay quân Pháp.

Trương Thành Hỷ được bầu làm Bí thư ban chấp hành Thanh niên cứu quốc quận Hóc Môn, đồng thời là đội trưởng trinh sát. Tháng 9/1945, Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Nhân chứng của lịch sử

Bác Hỷ nói rằng: “Tôi vinh dự là người đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và số phận cuối cùng đưa tôi thành một nhà nhiếp ảnh, làm phim. Tháng 3/1947, tôi được điều động đi học lớp nhiếp ảnh đầu tiên của phòng Chánh trị ban Tuyên huấn, sau đó tôi đi theo các cánh quân để chụp ảnh các trận đánh”.

Trong trận công đồn Bến Súc, trên quốc lộ 14, khi chụp ảnh bộ đội đánh mìn xe địch, bác đã bị thương. Nhà nhiếp ảnh, quay phim cũng từng theo chân tiểu đoàn 307 để ghi hình.

Năm 1954, ông lên tàu ra Bắc tập kết, tham gia điện ảnh quân đội và kỷ niệm lớn nhất trên đất Bắc chính là được quay phim tài liệu về Bác Hồ. Sau đó, ông trở lại chiến trường miền Nam tiếp tục làm điện ảnh tài liệu.

Ngày 28/4/1975, Trương Thành Hỷ cùng các đồng nghiệp quay phim theo cánh quân của ta hướng về Sài Gòn. Đúng ngày 30/4/1975, Trương Thành Hỷ cùng đại quân hội quân tại dinh Độc Lập.

Gặp bác Hỷ tại ngôi nhà giản dị của bác ở Hóc Môn, tôi thấy bên tấm ảnh thờ và những bằng khen người mẹ đã từng nuôi giấu Võ Văn Tần là rất nhiều huân, huy chương từ chống Pháp tới chống Mỹ của chính bác Hỷ.

Nhìn lại cuộc đời mình, từ tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, tham gia Cách mạng tháng Tám và cuối cùng là có mặt tại Dinh Độc lập vào ngày 30/4/1975.

Bác Hỷ bảo: “Tôi cám ơn nghề làm phóng viên quay phim nhiếp ảnh, bởi nhờ có máy ảnh tôi đã chụp vội được cho mẹ một tấm hình còn giữ lại được đến bây giờ”.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.