350 họa sĩ từ 18 nước vẽ Hà Nội: Chuyện bây giờ mới kể

Triển lãm 300 tác phẩm của các họa sĩ quốc tế tham dự Hành trình Ký họa châu Á 2019 bên hồ Hoàn KiếmẢnh: N.M.Hà
Triển lãm 300 tác phẩm của các họa sĩ quốc tế tham dự Hành trình Ký họa châu Á 2019 bên hồ Hoàn KiếmẢnh: N.M.Hà
Nhóm Ký họa Hà Nội vừa làm được một việc lớn: Tổ chức thành công sự kiện Hành trình Ký họa châu Á (Asia-link Sketchwalk) Hà Nội 2019, với hơn 350 họa sĩ đến từ 18 nước cùng vẽ Hà Nội. Trước đó, nhóm vừa giành giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội bằng cuốn Tập thể cũ Hà Nội- Ký họa và hồi ức. Cuộc trò chuyện với linh hồn của nhóm - KTS Trần Thị Thanh Thủy hé mở nhiều góc khuất đằng sau những bước tiến của nhóm.

Vượt “hồ cá sấu”

Thủy dùng những từ như “đau tim”, “kinh dị” khi nhắc lại những ngày đó nhưng chị không nghĩ là mình “siêu”, chỉ là “bị ủn xuống hồ cá sấu, đành phải bơi”.

Để được tổ chức sự kiện thường niên Hành trình Ký họa châu Á, nước đăng cai phải đảm bảo có một nhà tài trợ đồng hành. Nhưng sau khi được chấp nhận đăng cai, nhà tài trợ bỗng đổi ý. “Lời từ chối rất nhẹ nhưng rất nặng, mình như lao xuống vực thẳm,” Thủy kể. Tôi ước mình có máy quay để ghi lại vẻ mặt chị khi nhớ lại những ký ức bàng hoàng... Lúc ấy chị còn chưa biết phí tổn sự kiện cho hơn 400 người đến từ 18 nước sẽ lên tới 1,5 tỷ đồng.

Trong mười tháng còn lại, ba tháng đầu được dành để soạn hồ sơ xin tài trợ. Tiền in 30 bộ hồ sơ cũng phải đi xin. Cũng phải nâng lên đặt xuống để chọn địa chỉ tiềm năng nhất, nhưng hồi âm tích cực không bao nhiêu. Nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi- USH) không phải tổ chức có con dấu và đâu phải ai cũng tin vào một nhóm nghệ sĩ tự phát. Thời gian cũng quá gấp để xin các quỹ văn hóa thường tài trợ theo kế hoạch năm. Trước mắt, 70 thành viên kiêm tình nguyện viên góp mỗi người 500 ngàn đồng làm vốn.

Thủy nghỉ dạy một học kỳ ở ĐH Kiến trúc để đi xin tiền. Chị kể: “Có những ngày buổi sáng bước chân ra đường không biết mình sẽ đi đâu. Chỉ biết hôm nay sẽ phải gặp ai đó để xin tiền và đến tối mịt mới về”. Cả nhóm cũng lao đi xin tiền với tinh thần tương tự. Số tiền quyên được từ những người bạn dao động từ 500 ngàn đến 20 triệu đồng, rất nhiều bên cung cấp dịch vụ chỉ lấy giá gốc. Các nghệ sĩ, MC tham gia sự kiện đều không lấy cát-xê. Các “ông lớn” nói không nhưng một số doanh nghiệp nhỏ đã biết nhóm vẫn tiếp tục tài trợ.

Trong cái rủi có cái may, nhóm Ký họa Hà Nội nhận được vô vàn tình yêu thương bao bọc của người Hà Nội. Một khi họ đã tin vào tình yêu của nhóm với từng con phố Hà Nội thể hiện qua việc vẽ, bất kể trời đông giá hay nắng gắt vào những chiều chủ nhật.

Có những chị mang bầu vẫn ngồi bệt để vẽ, bên cạnh đứa con 4 tuổi cũng vẽ. Có bà mẹ bắt xe buýt từ Hưng Yên chỉ để ngồi trông con trai. Lại có họa sĩ nhí khiếm thính, mẹ đi theo còn để phiên dịch cho con… Thủy gọi họ là những bà mẹ anh hùng.

Cũng như mô hình chung của các nhóm ký họa đô thị phi lợi nhuận trên thế giới, nòng cốt của USH là các kiến trúc sư yêu di sản muốn thông qua ký họa để gìn giữ và đánh thức tình yêu đó trong những người dân đô thị. Sau một năm hoạt động, USH được hiệp hội ký họa đô thị quốc tế công nhận là thành viên.

Ấn tượng Hà Nội

Các sự kiện vẽ ký họa ở châu Á bao giờ cũng đông người tham gia vì chi phí rẻ hơn. Để tham gia vẽ ở châu Âu, theo KTS Thủy, một họa sĩ có thể phải bỏ ra đến 300 EUR. Phí tham dự Hành trình Ký họa châu Á tại Hà Nội 50USD đã nhỉnh hơn so với các nước trong khu vực. Nhưng chỉ sau 45 phút mở bán, 200 vé hết veo. Nhóm không dám bán nhiều hơn vì còn đang lo không có tiền cũng chẳng có kinh nghiệm tổ chức sự kiện.

Với tấm vé này, các bạn được chiêu đãi hai bữa tiệc đầu/cuối, được đưa đón, cung cấp giấy, họa phẩm, đồng phục, túi, nón… Tiền vé máy bay, khách sạn tự lo (trừ một số nhân vật đặc biệt như các bậc thầy dẫn dắt các hội thảo được Ban tổ chức (BTC) đài thọ). Nhưng nhiều người không kịp mua vé vẫn muốn sang Việt Nam vẽ. Họ vẫn được theo đoàn đi vẽ, dù không được được hưởng các tiện ích kể trên. Một số mang theo cả gia đình, nên tổng số người tham dự sự kiện lên tới hơn 400. Trong số 150 đại biểu Việt Nam, độ 70 người hy sinh không vẽ, trở thành đội “phản ứng nhanh”.

Cũng có chừng ấy hoạt động nhưng Hành trình… tại Việt Nam giàu hàm lượng văn hóa hơn hẳn. Tự tổ chức bao giờ cũng mệt nhưng đúng là thích gì làm nấy, tới bến thì thôi. Bạn bè nước ngoài rất ấn tượng, Namchai Saensupha (Thái Lan) chú thích dưới bức anh ký họa tiệc chào mừng: “Chủ nhà của chúng ta mang tới âm nhạc, hoa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ẩm thực đường phố và bia tới sự kiện và dọn đi sau đó trong một thời gian siêu ngắn. Thật là siêu nhân!”

Đến Hà Nội có biệt danh “Nam (đẹp) chai”, sau khi xem clip hậu trường của BTC đã cảm thán: “Tôi biết phải chuẩn bị rất nhiều việc nhưng không nghĩ rằng chúng vượt quá sức tưởng tượng của tôi như vậy…”. Một đại diện của nhóm ký họa Phukhet thốt lên: “Phải lòng thành phố của các bạn, từ cây cối, đồ ăn, người dân, thậm chí cả giao thông! Và chắc chắn 100% chúng tôi sẽ quay lại gặp các bạn Hà Nội”. Việt Nam được gọi là “super host” tức là “siêu tổ chức”.

Nghệ nhân cắm hoa Nguyễn Thị Xuân Hiền, tham gia nhóm khi đã 60 tuổi, năm ngoái từng dự Hành trình Ký họa châu Á tại Đài Bắc cho hay các bạn tổ chức đơn giản hơn, và thuật lại lời một họa sĩ nước ngoài tham gia sự kiện Hà Nội: “Nếu nước tôi vinh dự đến lượt tổ chức chắc chắn sẽ không làm bằng Hà Nội. Các bạn có cả một khối những người yêu ký họa mới làm nên sự kiện bùng cháy như thế!” Trong khi tiệc bế mạc ở nước bạn chỉ có vài người “năng khiếu” lên góp vui thì cả 18 nước tham gia lần này đều có các tiết mục tập thể khiến tất cả những người dự tiệc không ai có thể đứng yên, chị Hiền kể.

Có tới 2 ca khúc sáng tác về Hành trình Ký họa châu Á tại Hà Nội, một của Caroline Boisvert (Canada), một của Pichit Thaiyuenwong (Thái Lan). Caroline coi cộng đồng những người vẽ ký họa là một gia đình, còn “nhạc sĩ” người Thái làm hẳn video kèm phụ đề cho bài hát có tên tạm dịch là Sức mạnh tình bạn (Power of Friendship) với những câu như: “Những cặp mắt lúc nào cũng bừng sáng, các bạn luôn nở nụ cười thân thiện… Chúng ta vẽ, cùng nhau làm điều mà chúng ta yêu thích. Dù chúng ta đến từ nước nào, tình bạn của chúng ta là thật. Hãy cùng nhau vẽ, cùng chia sẻ sức mạnh của chúng ta. Hãy gìn giữ tình bạn của chúng ta dài lâu, chừng nào sông Hồng còn chảy...”

Một trong những thành công và may mắn của Hành trình tại Hà Nội là chừng ấy người tham dự mà không ai gặp vấn đề gì về sức khỏe, Thủy tổng kết. Một số bạn nước ngoài vẫn ở lại sau sự kiện, tiếp tục vẽ Hà Nội.

350 họa sĩ từ 18 nước vẽ Hà Nội: Chuyện bây giờ mới kể ảnh 1

Hà Nội hấp dẫn các cây ký họa quốc tếẢnh: USH

Chiếc bát chiết yêu

Tất nhiên, kinh phí không đủ để thuê một nhà tổ chức chuyên nghiệp nên các thành viên USH cứ lăn vào làm sự kiện, một số bạn nước ngoài sang sớm cũng tham gia buộc lạt, căng phông… không nề hà.

Trong 4 ngày diễn ra sự kiện, 350 họa sĩ chia thành 10 nhóm ký họa khắp phố cổ. Bên cạnh đó, chủ nhà nghĩ ra khá nhiều hoạt động giao lưu văn hóa. Đó chính là nét riêng của Hành trình Ký họa châu Á 2019. Ở bữa tiệc đón tiếp, các họa sĩ quốc tế được thưởng thức tinh hoa ẩm thực đường phố, được giao lưu trực tiếp với người bán hàng.

Thủy cầu kỳ sang Bát Tràng đặt làm bát chiết yêu- mặt hàng vắng bóng vài chục năm nay vì xã hội không còn nhu cầu. Chị phải đầu tư từ bộ khuôn vì xưởng gốm sợ sau khách này chẳng bán được cho ai. Chơi sang xong nhìn lại trong quỹ chỉ còn có 6 triệu, mà chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ khai mạc. Cái khó ló cái khôn. Tan tiệc, bát chiết yêu trở thành mặt hàng gây quỹ luôn. Ai nỡ không bỏ tiền ra mua chiếc bát mình vừa ăn xong, vẫn còn đựng cả… tình cảm của người Tràng An. Thủy càng thêm vui vì sau chị, bát chiết yêu Bát Tràng sống lại, thành mặt hàng bán chạy.

Nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội hoạt động theo mô hình tình nguyện, phi lợi nhuận. Các thành viên không bị bất cứ một ràng buộc gì, không phải đóng bất cứ lệ phí gì… Những lần đi vẽ xa tới Bắc Ninh, Huế, Hà Giang, họ tự chia nhau chi phí và được địa phương hỗ trợ thêm. Nhóm từng gây quỹ bằng việc làm bao lì xì. KTS Trần Thị Thanh Thủy- trưởng nhóm đang nghĩ cách nuôi quỹ bằng việc tích hợp tác phẩm của nhóm vào các mặt hàng tiêu dùng như túi xách, áo phông, lịch treo tường… “Tôi mong muốn mọi người chấp nhận sản phẩm mình làm ra chứ không phải cho tiền nhóm vì… thương hại”, chị nói. Chị cũng hy vọng sẽ có nhà tổ chức chuyên nghiệp đồng hành nếu Hành trình Ký họa châu Á quay lại Hà Nội. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.