20 năm sau sự kiện kinh hoàng 11/9: Vòng xoáy bạo lực

0:00 / 0:00
0:00
Quân đội Canada truy tìm chiến binh Taliban tại quận Panjwai, 14/6/2006
Quân đội Canada truy tìm chiến binh Taliban tại quận Panjwai, 14/6/2006
TP - 20 năm sau cuộc chiến tranh để rồi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, người Mỹ đã phải nhìn nhận lại một vòng xoáy bạo lực khiến Taliban ngày càng mạnh lên.

Vào một đêm trước ngày 11/9 năm nay, những người đàn ông của làng Zangabad, quận Panjwai xếp hàng để tưởng nhớ những người đã khuất. Hàng chục người thân của họ đã bị giết bởi các “thế lực ngoại bang” xuất hiện gần 20 năm trước.

Ngôi làng nhỏ của họ chính là nơi xảy ra một trong những vụ thảm sát khét tiếng nhất trong cuộc chiến, khi Trung sĩ Robert Bales của Mỹ ở căn cứ gần đó tàn sát không thương tiếc các gia đình địa phương. Y đã giết 16 người, trong đó có 9 trẻ em.

Nỗi đau thương tương tự đến với hàng nghìn gia đình khác cách nước Mỹ nửa vòng trái đất. Những người Afghanistan biết rất ít hoặc không biết gì về chuyện xảy ra ở New York, và chắc chắn không có mối liên hệ nào với tổ chức khủng bố al-Qaida, đã bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh, để rồi đánh mất những người thân yêu của họ từ năm này qua năm khác.

20 năm sau sự kiện kinh hoàng 11/9: Vòng xoáy bạo lực ảnh 1

Dân làng cầu nguyện trước mộ của một trong 16 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng Robert Bales

Ông Haji Muhammad Wazir đã mất gần như toàn bộ gia đình của mình, ngoài đứa con trai bốn tuổi, vào đêm 11/3/2012. Bales đã giết vợ, bốn con trai, bốn con gái và hai người thân khác của ông. Y bắn vào đầu những đứa trẻ, rồi sau đó cố đốt xác chúng.

“Tôi cảm thấy chuyện vẫn đang xảy ra ngay bây giờ”, ông Wazir cho biết. “Tôi rất vui khi biết người Mỹ cuối cùng cũng rời khỏi Afghanistan, và rất biết ơn thánh Allah vì đã biến điều ấy thành hiện thực. Cuối cùng, tôi có thể cảm thấy an toàn”.

Tuy nhiên, đó không phải là lần duy nhất trong ngôi làng nhỏ của Afghanistan này, các lực lượng nước ngoài giết một số lượng lớn phụ nữ, trẻ em và đàn ông không tham gia chiến đấu.

Năm người đàn ông từ làng Zangabad kể rằng họ đã mất tổng cộng 49 người thân trong các cuộc không kích và thảm sát kéo dài gần một thập kỷ. Những mất mát này, xảy ra khắp Afghanistan, lại trở thành một công cụ chiêu mộ hiệu quả cho Taliban khi họ tập hợp lực lượng để đoạt lại chính quyền.

“Tôi không thể đi chiến đấu, bởi trong gia đình chỉ còn mỗi tôi và con trai, nhưng tôi từng hỗ trợ họ về mặt tài chính và bằng một số cách khác”, ông Wazir nói về những điều đến sau thảm kịch của ông.

Chỉ huy Taliban ở quận Panjwai, ông Faizani Mawlawi Sahab, cho biết những vụ giết người hàng loạt khiến ngày càng nhiều người đi theo họ, và vụ tàn sát năm 2012 đã gây ra nỗi đau buồn và kinh hoàng đặc biệt sâu sắc. “Sau sự việc này, tất cả mọi người đều tham gia hoặc giúp đỡ chúng tôi theo một cách nào đó”, ông nói.

Thành phố Kandahar ở gần đó là thủ đô của Taliban khi họ lần đầu tiên cai trị Afghanistan, là nơi ở của thủ lĩnh đầu tiên Mullah Muhammad Omar, và sau đó của Osama Bin Laden trong một thời gian ngắn. Họ đã cố đàm phán về việc đầu hàng vào năm 2001, điều mà tổng thống Afghanistan thời bấy giờ, Hamid Karzai, rất sẵn sàng chấp thuận. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Mỹ, vẫn bận rộn với cuộc săn lùng Bin Laden kéo dài cả thập kỷ, đã quan tâm tới báo thù hơn là tương lai của Afghanistan.

Ông Hasti Mohammad, một người dân làng Zangabad khác, đã mất 18 người thân vào năm 2006 khi họ chạy trốn trận giao tranh dữ dội của một trong những chiến dịch phương Tây đầu tiên trong khu vực - Chiến dịch Medusa do Canada dẫn đầu. Tưởng chừng đã trú ẩn an toàn trong sa mạc, họ bị tấn công bởi một máy bay chiến đấu. NATO sau đó đã thừa nhận cuộc tấn công đã giết chết khoảng 30 dân thường, đồng thời tuyên bố một số lượng tương tự các chiến binh Taliban đã thiệt mạng.

Vào năm 2016, gia đình của ông Lal Mohammad bị chia rẽ vĩnh viễn. Một vụ nổ đã giết chết 5 đứa con của ông khi chúng đang chơi đùa bên ngoài vườn nhà, đứa nhỏ nhất mới sáu tuổi. Sau khi mất các con của mình, ông Mohammad bị giam giữ và đưa đến nhà tù tại căn cứ không quân Bagram bên ngoài Kabul, nơi ông đã ở trong 6 năm cho đến khi cuộc tiến công của Taliban vào tháng trước tạo điều kiện cho một vụ vượt ngục quy mô lớn. Ông khẳng định rằng không ai trong gia đình ông từng là quân nổi dậy trước khi thiệt mạng.

“Tôi không đi theo Taliban, các thành viên trong gia đình tôi không đi theo Taliban. Nhưng một khi chuyện này xảy ra, hầu hết chúng tôi đều gia nhập Taliban. Chúng tôi không có bất kỳ lựa chọn nào khác”, ông chia sẻ.

Nhưng những câu chuyện đau thương không chỉ xuất phát từ một phía. Hầu hết các vụ đánh bom cảm tử của Taliban đều nhắm vào người vô tội. Ở các vùng nông thôn và trên các con đường, phần lớn bom mìn lại khiến dân thường tử vong. Từ trước đến giờ, đã có nhiều báo cáo về việc các chiến binh Taliban dùng người dân làm bia đỡ đạn. Ngay cả sau vụ việc Robert Bales, người dân quận Panjwai vẫn có những cuộc nổi dậy bởi họ không thể chịu đựng được sự tàn ác của Taliban.

Trước đây, Taliban đã tuyên bố sẽ rút kinh nghiệm quá khứ, cung cấp ân xá cho các đối thủ cũ, hứa hẹn giáo dục cho trẻ em gái và thậm chí là một chính phủ công bằng. Nhưng giờ đây, với bộ máy chính quyền chỉ có đàn ông và chỉ có Taliban, các báo cáo về sự đàn áp khắc nghiệt đối với các cuộc biểu tình đã làm dấy lên lo ngại rằng lịch sử có thể lặp lại.

“Hết lần này đến lần khác, chúng tôi thấy người Afghanistan phải chịu đựng sự đàn áp như vậy, cách họ nỗ lực phản đối các quan chức tham nhũng và lạm dụng, để rồi cuối cùng phải cầm vũ khí lên một cách miễn cưỡng”, bà Kate Clark, đồng giám đốc của Mạng lưới Phân tích Afghanistan, cho biết. “Tôi sợ điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa. Taliban, đang hừng hực khí thế chiến thắng, rất có thể sẽ lặp lại vòng tròn trả thù bằng cách trừng phạt và loại bỏ những kẻ họ đã đánh bại”.

MỚI - NÓNG