1. Dấu ấn Việt Nam trong năm APEC
Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 tổ chức ở Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn như Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Donald Trump; Tổng thống Nga Putin; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe... và hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên trong và ngoài nước, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Với tám văn kiện được thông qua tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam một lần nữa tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC.
Thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước, khẳng định năng lực chủ động đóng góp xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của APEC về xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Các hoạt động văn hóa, truyền thông, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc đã giới thiệu với bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam thanh bình, đổi mới, năng động, sáng tạo và giàu lòng mến khách.
2: Siết kỷ luật Đảng, kiên quyết chống tham nhũng
Trong năm 2017, công tác kiểm tra, giám sát, thi hình kỷ luật Đảng được thực hiên nghiêm minh, “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ, bất kể đó là cán bộ cấp cao hay người đã nghỉ hưu. Trong năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã xem xét và xử lý hàng loạt các vụ việc nổi cộm, với những án kỷ luật nghiêm khắc như vụ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất; vụ Formosa; vụ Đà Nẵng; các vụ việc liên quan đến “quan lộ thần tốc” xảy ra ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, bà Trần Vũ Quỳnh Anh (Thanh Hóa), Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam)…
Căn cứ vào mức độ vi phạm, các cơ quan của Đảng cũng có quyết định xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm như ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh các HTX Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa... Việc siết kỷ luật trong Đảng được thể hiện rõ nét trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố, xử lý nhiều đối tượng nguyên là cán bộ lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Phung Đình Thực, Trịnh Xuân Thanh...
3. Tăng trưởng đạt kỷ lục, xuất khẩu cán mốc 400 tỷ USD
Với việc trong 2 quý đầu năm, GDP tăng trưởng khá nhanh kéo theo bước tăng trưởng bứt phá 7,46% vào quý 3 năm 2017 đã giúp GDP cả năm 2017 tăng trưởng 6,81%, cao hơn dự đoán. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong quan hệ thương mại với các nước. Xu thế này được dự báo có thể được duy trì trong năm 2018.
Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng ngoạn mục của năm 2017 chính là nhờ vào sự tăng trưởng của ngành thủy sản, chuyển dịch cơ cấu từ cây lúa sang nuôi trồng thủy sản. Việc ngành du lịch lần đầu tiên đạt mức 13 triệu khách quốc tế đến Việt Nam cũng góp phần đáng kể. Bên cạnh đó là việc xuất khẩu của Việt Nam lần đầu cán mốc 400 tỷ USD. Các số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, so với con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD hồi đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ngoạn muc.
4. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI với nhiều đổi mới, tạo tiền đề cho giới trẻ bước vào cách mạng công nghiệp 4.0
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017- 2022, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 10 - 13/12/2017. Đại hội biểu thị quyết tâm của toàn Đoàn sẵn sàng đi đầu trong mọi khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu: “Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão và khát vọng vươn lên. Xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh, tập hợp đoàn kết đông đảo thanh niên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đại hội cũng xác định 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”. Trong đó, “Tuổi trẻ sáng tạo” lần đầu tiên được đưa thành một phong trào lớn, nhằm khuyến khích, kêu gọi thanh niên không ngừng nỗ lực học tập, sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
5. Thiên tai dị thường gây hậu quả nặng nề
Lịch sử chưa từng có 16 cơn bão đổ bộ vào biển Đông trong một năm như trong năm 2017.
Năm nay, nếu tính cả bão Tembin, biển Đông có 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Gần 390 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD), sản xuất đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước….
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, xu thế thiên tai ngày càng thể hiện tính dị thường và trái quy luật. Ngoài cơn bão Tembin, 2 cơn bão (số 10 và 12) mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào các tỉnh Trung bộ. Đặc biệt bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) và mưa lũ sau bão đã làm hơn 4,3 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 123 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Năm 2017 cũng ghi nhận các trận mưa lớn trái mùa tại miền Bắc làm Hồ Hòa Bình lần đầu tiên phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy trong thời gian chưa đầy 1 ngày cũng như các trận lũ đặc biệt lớn tại các tỉnh Trung bộ làm mực nước các sông lên cao xấp xỉ mức lịch sử; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, những trận lũ quét, sạt lở kinh hoàng ở miền núi phía Bắc…
6. Dịch bệnh bất thường và tai biến y khoa nghiêm trọng
Trong năm 2017, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát không kiểm soát được, phức tạp và bất thường so với mọi năm với 24 ca tử vong. Hà Nội là địa phương có tốc độ lây lan SXH nhanh nhất, có khu vực số người mắc SXH vượt 700% so cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong năm 2017, tai biến khi đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong ngày 29/5 được Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định là sự cố y khoa đau xót và nặng nề nhất của ngành y tế. Sau 3 tuần điều tra, công an xác định có bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận. Công an tỉnh Hưng Yên cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam y sĩ Hoàng Thị Hiền về tội "Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh". 103 trẻ từng chữa hẹp bao quy đầu ở phòng khám riêng của y sĩ Hiền đã bị can thiệp bằng một số dụng cụ y tế bị nhiễm virus HPV gây sùi mào gà.
7. Khủng hoảng BOT lan rộng
Sau làn sóng triển khai BOT, khi đi vào vận hành, sức ép phí đường bắt đầu bộc lộ. Sự phản ứng bằng cách trả tiền lẻ xuất phát từ trạm thu phí cầu Bến Thuỷ (ranh giới giữa Nghệ An, Hà Tĩnh) vào cuối năm 2016, rồi kéo dài, lan rộng. Trạm Hạc Trì (Phú Thọ), Trạm Lương Sơn (Hoà Bình), Trạm QL 32 (Phú Thọ), Trạm Quán Hàu (Quảng Bình)...
Cao trào xảy ra từ ngày 1/8, khi chủ phương tiện trả tiền lẻ tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) khiến trạm này phải dừng hoạt động. Ngày 30/11, sau khi BOT này thu phí trở lại, không chỉ trả tiền lẻ, lái xe còn đòi thối lại tờ 100 đồng gây ách tắc giao thông, an ninh trật tự phức tạp. Chiều tối 4/12, Thủ tướng họp khẩn, quyết định dừng thu phí trạm này trong một tháng. Sau BOT Cai Lậy, Trạm Ninh An (Khánh Hoà), Trạm Phú Gia – Phước Tượng (Thừa Thiên Huế), Trạm BOT tuyến tránh Biên Hoà (Đồng Nai) và trạm thu phí QL 5 (qua Hưng Yên) tiếp tục bị phản ứng.
Hàng loạt tồn tại, hạn chế lớn của BOT đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước… vào cuộc làm rõ.
8. Bội thu huy chương vàng Olympic quốc tế
Năm 2017, lần đầu tiên tất cả các đoàn Olympic quốc tế các môn Vật lý, Toán, Lý, Hóa, Sinh của Việt Nam đồng loạt giành vị trí thứ hạng cao trên đấu trường quốc tế. Thành tích của các đoàn năm 2017 đạt cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó phải kể đến môn Toán học. Sau 41 năm tham gia Olympic quốc tế Toán học, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào vị trí thứ 3 thế giới với 4 huy chương vàng. Môn Vật lý với 4 vàng, 1 bạc, đoàn Việt Nam xếp vị trí thứ 5 trên thế giới. 4 thí sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế 2017 đều đoạt giải, trong đó có 3 huy chương vàng, một bạc. Ba trong số bốn học sinh tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2017 đoạt giải, trong đó có một huy chương vàng. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây là hướng đi đúng của ngành giáo dục trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các em, thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian qua.
9. Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29
Tại SEA Games 29 diễn ra ở Malaysia, đoàn TTVN giành tổng cộng được 166 huy chương các loại (59 HCV, 49 HCB, 60 HCĐ); phá 12 kỷ lục SEA Games 29 và xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự.
Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là việc đoàn TTVN hoàn thành mục tiêu nằm trong top đầu hay số lượng huy chương, mà trên hết chúng ta thành công ở hầu hết các môn thể thao trọng điểm như điền kinh, bơi lội, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng, đấu kiếm..., trong đó các môn thể thao Olympic giành được tới 51/59 HCV, chiếm trên 86% tổng số huy chương của đoàn. Đáng chú ý, đội tuyển điền kinh Việt Nam lần đầu tiên vượt qua đội tuyển điền kinh Thái Lan, đứng đầu khu vực Đông Nam Á; đội tuyển bơi lội giành 10 HCV, phá 5 kỷ lục SEA Games.
10. UNESCO tôn vinh hai di sản văn hoá phi vật thể
Bài chòi Trung bộ và Hát xoan Phú Thọ được ghi danh vào Danh sách Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 diễn ra từ 3-9/12 tại Hàn Quốc. Nghệ thuật Bài chòi là sinh hoạt văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã. Câu chuyện trong Bài chòi thể hiện những bài học đạo đức, gắn kết cộng đồng. Việc ghi danh nghệ thuật này khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng.
Đặc biệt Hát xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên trong lịch sử thoát khỏi danh mục Di sản cần bảo vệ khẩn cấp, được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Sau sáu năm được xếp vào tình trạng khẩn cấp, Chính phủ và địa phương nỗ lực khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của Hát xoan: Từ bốn phường Xoan và 100 người hát, nhạc công hoạt động không thường xuyên đến nay có hơn 200 thành viên ở các phường. Số nghệ nhân kế nhiệm được trang bị bài bản Hát xoan tăng lên, tích cực trao truyền di sản. Dự án bảo vệ và phát huy Hát xoan do Thủ tướng phê duyệt thực hiện từ 2013, tiếp tục đến 2020.