Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ và Giáo sinh trường Y

Lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Ảnh: Hoàng Lam
Lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Ảnh: Hoàng Lam
TPO - Tối 2/4, trong niềm tự hào, xúc động sâu sắc, tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng và Bia tưởng niệm các Giáo sinh trường Y (thành phố Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ cầu siêu, tưởng niệm liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ cầu Hàm Rồng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Họ là các giáo viên, học sinh trường Y sĩ, trường sư phạm 7+3 Thanh Hóa, dân công Đông Sơn và những người đã hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã (14/6/1972), nhân kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng (ngày 3,4/4/1965).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Hàm Rồng - sông Mã có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, được coi như một yết hầu giao thông và trở thành một mục tiêu tấn công của không quân Mỹ, nhằm ngăn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc cho đồng bào miền Nam. Mảnh đất này đã trở thành nơi đấu trí, đấu lực giữa bộ đội, dân quân tự vệ với không lực Mỹ ròng rã 4 năm. Giặc Mỹ đã huy động 1.891 lượt máy bay đến đánh phá, dội 11.526 quả bom phá, 99 quả bom nổ chậm, 164 quả bom bi mẹ, 600 quả tên lửa, 2.860 quả rốc két… nhằm tiêu hủy cầu Hàm Rồng. 

Nhưng với ý chí của quân và dân Nam Ngạn – Hàm Rồng, cầu hỏng tới đâu được sửa tới đó, cây cầu vẫn đảm bảo ngày đêm thông tuyến, thông xe. Trong 4 năm, giặc Mỹ đã bỏ lại nơi đây 107 xác máy bay hiện đại, chiếm gần 1/3 trong tổng số 376 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Thanh Hóa. 

Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ và Giáo sinh trường Y ảnh 1
Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ và Giáo sinh trường Y ảnh 2 Ảnh: Hoàng Lam
Từ đầu năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng không quân, hải quân lớn đánh phá ác liệt các vùng đông dân tỉnh Thanh Hóa và đã gây ra tội ác cực kỳ nghiêm trọng đối với nhân dân Thanh Hóa. Mùa mưa năm 1972, nước sông Mã dâng cao, nguy cơ gây vỡ đê, ngập lụt toàn thị xã và các vùng phụ cận là rất lớn. 

Để đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường miền Nam và phòng chống lũ lụt nên ngay trong thời điểm này máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, chính quyền tỉnh Thanh Hóa phải huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đê sông Mã xung yếu, đoạn từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng. 

Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ và Giáo sinh trường Y ảnh 3 Thả đèn hoa đăng bên sông Mã để tưởng niệm các liệt sỹ, những người đã hy sinh. Ảnh: Hoàng Lam
Vào khoảng 8h sáng ngày 14/6/1972, máy bay Mỹ bất ngờ từ cửa biển lao thẳng về phía cầu Hàm Rồng, dội bom xuống đầu gần 2.000 giáo viên, học sinh trường Y sĩ, trường sư phạm 7+3, thị xã Thanh Hóa và dân công các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa đang đắp đê sông Mã chỉ kịp nhìn thấy cánh máy bay to trải dài, rồi bom đạn nổ ầm trời trong tiếng động cơ gầm rú. 
Gần 1 giờ đồng hồ sau, 24 loạt bom dài cả dây số làm nhiều người hy sinh tại chỗ, nhiều người vào được hầm cũng hy sinh vì bom rơi trúng hầm hoặc bị thương sức ép của bom. Máu, thịt của các anh, các chị nhuộm đỏ bờ đê Nam Ngạn: 64 giáo viên, học sinh của trường Y sỹ và trường sư phạm 7+3 Thanh Hóa và đơn vị dân công Đông Sơn đã hy sinh, 287 người bị thương trong khi không có vũ khí trong tay. Hầu hết họ là những chàng trai, cô gái lúc ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.


Để tưởng nhớ các liệt sĩ, các anh, các chị đã hy sinh trong các sự kiện ở Hàm Rồng và bờ đê Nam Ngạn, đông đảo nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa và du khách thập phương cùng tham gia lễ cầu siêu, dâng hương hoa, thắp nến để tưởng niệm các liệt sỹ, sau đó thả đèn hoa đăng bên bờ sông Mã.

MỚI - NÓNG