Về Hàm Rồng thăm mộ Lê Đình Chinh

Cụ Khương Thị Chu và tấm ảnh thuở ấu thơ của liệt sĩ Lê Đình Chinh. Ảnh: Hoàng Lam
Cụ Khương Thị Chu và tấm ảnh thuở ấu thơ của liệt sĩ Lê Đình Chinh. Ảnh: Hoàng Lam
TP - “Thỉnh thoảng trong giấc ngủ, mẹ tôi cứ gọi tên anh. Năm nào gia đình cũng cúng giỗ, nhưng mẹ tôi cứ lo anh ở xa thế, có về với gia đình được không".

"Thế rồi đầu năm 2013, di cốt liệt sĩ Lê Đình Chinh đã được Đảng, Nhà nước đưa từ Lạng Sơn về quê Thanh Hóa an táng, thỏa tâm nguyện của gia đình tôi suốt nhiều năm”- Anh Lê Đình Lai, em trai của liệt sĩ Lê Đình Chinh tâm sự.

15 tuổi xin nhập ngũ

Sau một năm đưa di cốt của liệt sĩ Lê Đình Chinh từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), cụ Khương Thị Chu (82 tuổi) còn chưa hết xúc động khi được gặp lại con mình. Dù tuổi già, nhưng những câu chuyện về người con trai cả của mình hy sinh ở biên giới phía Bắc thì cụ Chu vẫn nhớ từng chi tiết.

Cụ Lê Đình Tùng (quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) gặp cụ Khương Thị Chu (quê gốc ở xã Thạch Thất, Hà Tây cũ) nên duyên vợ chồng. Cả hai cùng làm việc tại Nông trường Ba Vì. Năm 1960, anh Lê Đình Chinh ra đời. 

Năm 1962, cả gia đình cụ Chu chuyển về sinh sống, làm việc tại Nông trường sông Âm, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Tại đây, hai cụ sinh thêm được 5 người con nữa (4 trai, một gái). Ngoài cụ Tùng, thì 4 trong 6 người con đều lần lượt tham gia phục vụ trong quân đội.

“Ngày ấy là công nhân của nông trường, có phiếu gạo ăn, nhưng chẳng khi nào gia đình no bữa. Mỗi tháng thiếu gạo tới 10 ngày, nên gia đình phải trồng thêm ngô, sắn để ăn độn. Lê Đình Chinh là anh cả trong nhà, ngoài đi học còn phải tham gia công việc nhà giúp bố mẹ. 

“Giờ nghĩ lại mà cứ thương con. Bố mẹ bận việc trên nông trường, các em còn nhỏ, nên ngày Chinh nhập ngũ, chẳng ai đưa tiễn”.

Bà Chu nghẹn ngào

Ngày 16/2/1975, bất ngờ Chinh xin phép bố, mẹ nhập ngũ. Thấy con còn nhỏ tuổi (mới 15 tuổi), gia đình rất lo lắng. Nhưng vì ước nguyện được phục vụ Tổ quốc của con, nên gia đình đã động viên khi con lên đường. Dù tuổi còn thiếu, nhưng cân nặng và chiều cao của Chinh thì đủ tiêu chuẩn nhập ngũ”- Bà Chu kể lại.

Sau thời gian huấn luyện tại huyện Triệu Sơn, anh Lê Đình Chinh được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang Nhân dân (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng). 

Đơn vị của Lê Đình Chinh được điều động vào chiến trường Tây Nam làm nhiệm vụ chống quân Pôn Pốt xâm phạm biên giới. Tại chiến trường này, anh bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Lành vết thương, Lê Đình Chinh xin trở lại đơn vị cũ tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1978, đơn vị của anh lại được điều động lên Lạng Sơn, bảo vệ biên giới phía Bắc.

Bà Chu bùi ngùi hồi tưởng: “Giờ nghĩ lại mà cứ thương con. Bố mẹ bận việc trên nông trường, các em còn nhỏ, nên ngày Chinh nhập ngũ, chẳng ai đưa tiễn. Duy chỉ có lần bố Chinh đến thăm khi con đang huấn luyện ở huyện Triệu Sơn”.

Ngã xuống cho vững bền phên giậu

Ngày đó, gia đình cụ Chu có chiếc đài nhỏ của Liên Xô, thường xuyên nghe chương trình thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam. Vào thời điểm năm 1978. Tình hình biên giới Việt - Trung lúc ấy hết sức căng thẳng. 

Về Hàm Rồng thăm mộ Lê Đình Chinh ảnh 1

Mộ liệt sĩ Lê Đình Chinh tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)

Ngày 12/7/1978, phía Trung Quốc bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới, khiến hàng ngàn người Hoa hồi hương bị dồn ứ ở cửa khẩu Hữu Nghị. Họ dựng lều bạt ngay trong khu vực cấm, làm náo loạn cả một vùng biên giới, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng biên phòng trong việc giữ gìn an ninh và trật tự xã hội ở vùng biên.

Như mọi ngày, lúc 18h chiều ngày 25/8/1978 (tức 21/7/1978 âm lịch), cả nhà cụ Chu bật đài lên nghe thời sự. Bản tin thời sự phát nội dung chi tiết sự kiện chiến sỹ Lê Đình Chinh giải vây cho cán bộ, cứu đồng đội mình và đã hy sinh. Trong bản tin phát đi, không nói rõ Lê Đình Chinh quê ở đâu. Lúc này, cả gia đình cụ Chu như ngồi trên đống lửa. 

Nhiều người dân địa phương động viên gia đình cụ là, có thể chỉ là sự trùng hợp về tên tuổi, chứ không phải Chinh nhà mình hy sinh. Ngày đó, làm sao có nguồn tin nào để liên hệ, kiểm chứng.

Trong tâm trạng lo lắng, ruột gan như lửa đốt, những bữa cơm mâm cơm bưng ra lại bê vào, cả gia đình chìm trong không khí chuẩn bị nhận tin dữ. Đến ngày 2/9, đồng đội, cán bộ về tận địa phương để báo tử Lê Đình Chinh. Dẫu đã linh cảm không có điều kỳ diệu xảy ra, nhưng cụ Chu vẫn bàng hoàng không tin đó là sự thật.

Bà Chu nhớ lại: “Cũng trong năm Chinh hy sinh, cả gia đình chúng tôi được đón về Lạng Sơn để tham dự “Lễ tuyên dương công trạng” do T.Ư Đoàn tổ chức và đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch nước truy tặng cho Chinh. Sự kiện Chinh hy sinh được nhắc lại trong niềm xúc động, tự hào. Gia đình tôi nhớ mãi những giờ phút thiêng liêng ấy”.

Về Hàm Rồng thăm mộ Lê Đình Chinh ảnh 2

Lê Đình Lai thắp hương cho anh trai liệt sĩ Lê Đình Chinh tại gia đình

Năm 1984, cụ Lê Đình Tùng mất. Đến năm 1990, cả gia đình cụ Chu chuyển về số 8, đường Trịnh Thị Ngọc Trúc (TP Thanh Hóa) để sinh sống. Hàng năm, ở ngôi nhà này, cả gia đình làm giỗ anh Chinh, nhưng cụ Chu chưa bao giờ thấy yên lòng khi con còn nằm ở mãi trên biên giới Lạng Sơn.

Cụ nằm mộng liên miên và thường gặp anh trong giấc mộng. Hơn 30 năm sau ngày anh Chinh hy sinh, gia đình không có điều kiện lên thăm mộ anh hàng năm được, vì hoàn cảnh, đường sá lại quá xa xôi. 

Sau khi gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, với tâm nguyện của cụ Chu là muốn đưa di cốt anh Chinh về Thanh Hóa an táng. Ngày 6/1/2013, di cốt anh hùng liệt sỹ Lê Đình Chinh đã được đồng đội cũ, ngành chức năng, chính quyền hai tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng TP Thanh Hóa.

Anh Lai cho biết thêm: “Từ ngày đưa anh Chinh về Thanh Hóa, tinh thần mẹ tôi vui vẻ, phấn khởi, khỏe hẳn ra. Vào các dịp lễ, Tết, ngày giỗ, gia đình lại cùng nhau ra mộ anh tôi thắp nén nhang, kể chuyện ngày xưa, ngày nay với bao kỷ niệm vui, buồn. Gia đình tôi rất tự hào về người anh đã hy sinh vì sự bình yên của biên cương Tổ quốc”.

Trong toàn bộ vật dụng, tư trang của anh được đồng đội mang về duy nhất tấm ảnh khi anh còn nhỏ được ẵm trên tay là cụ Chu còn giữ lại được. Cụ mân mê tấm ảnh, đôi mắt tràn lệ. Cụ như cảm thấy Lê Đình Chinh còn đó, ngày nào hăm hở vào bộ đội… 

Có một câu chuyện rất cảm động. Ngày ấy, bà Đường Thị Kim, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã có thư gửi cho gia đình liệt sĩ Lê Đình Chinh. Thư có đoạn: “Hai bác yên tâm thu xếp cho cháu Phụng lên Lạng Sơn. Tôi và chị em cơ quan Tỉnh hội sẽ thu xếp nơi ăn chốn ở, học hành cho cháu và thay mặt hai bác chăm sóc cháu. Từ ngày Lê Đình Chinh hy sinh, các cấp phụ nữ xứ Lạng coi hai bác như người thân trong gia đình mình. Cháu Phụng là em gái ruột của Lê Đình Chinh sẽ được chúng cháu coi như con. Khi nào cháu Phụng lên Lạng Sơn, các bác điện thoại để tôi ra bến xe đón…”.

Trên bì thư vẫn còn nét chữ nắn nót, cẩn thận của bà Kim: “Kính gửi bác Lê Đình Tùng, nông trường Sông Âm, Ngọc Lặc, Thanh Hoá”. Nhưng tình hình phức tạp đường biên ngày ấy, bức thư không được gửi đi.

Bà cho biết, cô Phụng đến xứ Lạng và đến thắp nhang cho anh trai, khi đó đang chôn cất ở khu vực biên giới, gần đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị.

Nguyễn Duy Chiến

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.