Và các anh hùng Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Tuyển ngày ấy…
Những việc liệt oanh ấy, với hậu thế, ngàn lần nhắc, trăm năm nói vẫn chẳng cũ, không thừa.
Ngay bên cạnh những di tích lịch sử, cầu Hàm Rồng, đồi C4, đồi Quyết Thắng, làng Nam Ngạn của chị Hằng, chị Tuyển… Còn có những địa danh hình như lâu nay vẫn lòa nhòa trong trí nhớ và có cơ rơi vào quên lãng.
Không quân Mỹ đã trút xuống Nhà máy điện Hàm Rồng 7.780 quả bom các loại, 66 thùng bom bi, 36 quả bom Napan, 306 phát tên lửa, 1.456 quả rốc két, 182 quả đạn pháo cực nhanh từ các chiến hạm ngoài biển Đông bắn vào chưa kể các loại đạn 20 ly, 12,7 ly. Mặc dù vậy ánh sáng điện vẫn tràn ngập đường phố, các cơ sở, nhà dân, cửa hàng mậu dịch của thị xã Thanh Hóa. Ánh sáng đó là biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của cán bộ công nhân viên (CBCNV) Nhà máy điện Thanh Hóa…
Bên cạnh khung cảnh đổ nát hoang tàn của Nhà máy điện Hàm Rồng từng được được phong tặng Danh hiệu Anh hùng và xếp hạng di tích quốc gia ấy, một nhà bia được xây cất khá khéo (có ghi những dòng trên) sắp khánh thành để du khách đến chiêm bái những chiến công và cả mất mát đau thương một thời bom đạn.
…Một ngày cuối năm 1994, trưởng phòng tổ chức kiêm thư ký công đoàn Sở điện Thanh Hóa Trịnh Xuân Như có khách.
Khách là một phụ nữ đã đứng tuổi nói giọng miền Trung. Mới nghe tui là vợ của ông Trần Đình Cào… Thư ký công đoàn Trịnh Xuân Như vốn thuộc làu tên thư ký công đoàn qua các thời kỳ đã bật reo và nhớ ngay! Ông Trần Đình Cào, thư ký công đoàn Nhà máy điện Hàm Rồng năm 1964 và là Đại biểu Quốc hội khóa II.
Câu chuyện của khách dắt chủ về những năm tháng đã xa…
Năm 1954, Trần Đình Cào cùng vợ và cậu con trai đầu lòng khi đó mới lên 2 tập kết ra đất Bắc. Anh được về công tác tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Nhà máy điện Thanh Hóa mới thành lập (Nhà máy Hàm Rồng do Liên Xô giúp đỡ năm 1961, năm 1964 xây thêm nhà máy điện mới 4/4 do Hungary viện trợ), khi đó đang rất cần những cán bộ kỹ thuật. Năm 1961 Trần Đình Cào được điều chuyển về Nhà máy điện Thanh Hóa. Mảnh đất Hàm Rồng xứ Thanh đã mang lại cho ông những kỷ niệm khó quên. Từng giữ trọng trách Trưởng ngành cơ khí; Thư ký Công đoàn; Chi ủy viên Nhà máy điện Thanh Hóa. Và vinh dự được cử tri Thanh Hóa bầu là Đại biểu Quốc hội khóa II.
Rồi một đêm sau những trận máy bay Mỹ mở những trận không kích ác liệt xuống cầu Hàm Rồng lẫn nhà máy điện ngay cạnh, ông Cào nói với vợ một cái tin và dặn đi dặn lại chớ nói với bất kỳ ai và ngay cả các con mình là ông bí mật trở lại miền Nam hoạt động. Tin ấy ập xuống người vợ trẻ một nách bốn đứa con thơ dại biết bao tâm trạng…
Rồi không lực Mỹ đánh phá Nhà máy điện Hàm Rồng ngày càng dày và ác liệt hơn. Rồi bao khốn khó gian nan nơi sơ tán. Suốt từ thời điểm mùa hè năm 1965, ông Cào bí mật ra đi, cả nhà vẫn biền biệt tin chồng chẳng một lá thư, không một hồi âm! Ánh mắt cùng những câu hỏi của đám trẻ bố con đi đâu mà lâu thế khiến bà phải vội quay mặt đi tức tưởi nghẹn ngào nhưng vẫn phải bật ra câu nói cứng bố đi họp ngoài Hà Nội lâu lắm mới về!
Rồi Hiệp định Paris. Một chiếc xe con ọp ẹp bụi phủ dầy dừng bánh nơi cái làng công nhân Nhà máy điện Hàm Rồng sơ tán. Từ trong xe một anh, không, một ông, người gầy trơ lòng khòng trong bộ quần áo rộng thình tập tễnh lê bước… Bà Mai, phải, người vợ quê ở Thạc Gián thành Đà Nẵng của ông Trần Đình Cào bàng hoàng nhìn ra… Trời đất ơi ông Cào, chồng bà sau 8 năm biệt tích còn sống đã trở về! Mà sao ông trông hom hem ốm yếu thế này?
…Nhờ ông Như cho số điện thoại, tôi đã trao đổi email với chị Trần Thị Khánh, con gái ông Trần Đình Cào. Chị Khánh công tác ở ngành đường sắt Đà Nẵng mới nghỉ hưu. Đây là những dòng trong một email chị Khánh gửi mà chị nói là trích trong lý lịch Đảng và lý lịch cán bộ của cha mình.
Họ tên Trần Đình Cào, Bí danh: Quang
(tên khác đã dùng: Trần Đình Ngộ (trong tù); Trần Đình Thanh (ở vùng giải phóng))
Ngày tham gia cách mạng: 19/8/1945 tại ga Tam Kỳ, Quảng Nam.
Ngày thoát ly: 19/8/1945
Chức vụ trước khi bị địch bắt: Thư ký Công đoàn Đà Nẵng. Đơn vị, địa phương trước khi bị bắt: Công đoàn cơ quan thành Đà Nẵng. Ngày và nơi bị địch bắt: Ngày 5/6/1965, Phú Sơn, Đà Nẵng. Trường hợp bị địch bắt: Đi công tác lạc đường bị địch bắt.
Thời gian địch giam giữ tại các nhà lao:
Ngày 5/6/1965 đến tháng 12/1965: Nhà lao Đà Nẵng. Tháng 6/1966: Trại tù binh Non Nước. Tháng 2/1968: Đảo Phú Quốc, A1. Năm 1969: Đảo Phú Quốc, A1. Năm 1970: Nhà lao Biên Hòa. Ngày 17/2/1973 trao trả. Ngày 8/11/1973 mất tại Bệnh viện Thanh Hóa do hậu quả tra tấn của địch.
Trở về với vợ con ở Thanh Hóa sau đợt trao trả tù binh, ông Cào chỉ được ở với vợ con ít ngày. Tiếng là 9 tháng, nhưng thời gian còn lại phải nằm ở các bệnh viện điều trị do những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Và ông đã không qua khỏi.
Trở lại cái thời điểm năm 1994 ông Giám đốc Sở điện Trịnh Xuân Như đang là Trưởng phòng tổ chức kiêm Thư ký công đoàn.
Ngồi với bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Cào suốt buổi, ông Như đang lây nỗi buồn cùng băn khoăn của bà Mai rằng, lần này ra Thanh Hóa bà phải quyết tìm bằng được phần mộ ông Cào!
Đã mấy lần cất công ra tìm nhưng không được? Số là ông Cào khi mất năm 1973, được an táng ở nghĩa trang Chợ Nhàng ven thị xã Thanh Hóa.
Sau 1975, cả nhà bà Mai trở về quê. Trong thời gian ở Đà Nẵng, bà Mai không hề biết, phần mộ ông Cào theo chủ trương khi ấy đã di dời sang một nghĩa trang nào đó mà quản trang Chợ Nhàng do sơ suất, khi bà Mai tìm đến, đã không biết!
Chuyện kể ra thì dài nhưng vắn tắt thế này. Ông Như cùng anh em dẫn bà Mai đến tìm kỹ lại ở nghĩa trang Chợ Nhàng rồi lần đến tất cả các nghĩa trang lân cận ở thành phố Thanh Hóa, nhưng vô vọng. Đến đâu cũng không tìm ra phần mộ có tên Trần Đình Cào!
Và căn cứ vào quê quán, tuổi, ngày mất trên một ngôi mộ mang tên liệt sĩ Trần Đình Thanh, bà Mai khi ấy, đột nhiên nhớ đến bí danh Trần Đình Thanh của chồng mình.
Cuộc sống riêng lẫn việc mưu sinh sau khi về Hải Phòng đều trắc trở. Sau khi người chồng chết vì bạo bệnh, không con cái, họ hàng thân thích, bà đâm bơ vơ…
Thông cảm lẫn thương cảm với hoàn cảnh éo le của người vợ liệt sĩ từng bỏ mình với dòng điện xứ Thanh, ông Như xin cho bà một suất ở Trại điều dưỡng Thanh Hóa.
Dường như bảng lảng sau nhà bia Di tích quốc gia nhà máy điện anh hùng hoành tráng kia là những câu chuyện bi tráng một thời.
Mà chuyện nào cũng thấp thoáng chút huyền thoại?
Có những chuyện chả thể lưu bút ở nhà bia. Như tấm hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1966 sau một trận bom đã đến với công nhân điện Hàm Rồng. Như anh công nhân bậc 7 Bùi Khóa treo mình trên độ cao hơn 30m hàn khoảng vỡ do bom Mỹ trên ống khói. Rồi cái xe MZ của anh hùng, Giám đốc Nhà máy điện Hàm Rồng Đỗ Chanh (Thời chống Mỹ, Nhà máy điện Hàm Rồng có 2 anh hùng lao động). Ông Đỗ Chanh nặng 36 kg và dùng chiếc MZ đó trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ…