Bỏ ma túy - nhận việc làm

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng (áo tay ngắn) chia sẻ khó khăn với thanh thiếu niên sử dụng ma túy trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng (áo tay ngắn) chia sẻ khó khăn với thanh thiếu niên sử dụng ma túy trên địa bàn huyện Hòa Vang.
TP - Cuối tháng 6/2015, trong cuộc đối thoại với 100 thanh thiếu niên từng sử dụng ma túy trên địa bàn, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng giao kèo: “Bỏ ma túy - nhận việc làm”. Tới thời điểm này, 73% số thanh thiếu niên ấy đã biết lao động và làm trụ cột cho gia đình. 

Vừa kèm, vừa “hù”

100 thanh thiếu niên trên được giao về Hội Cựu chiến binh (40 em), Đoàn thanh niên (30 em) và Hội phụ nữ (30 em) quản lý. Từ đây, nhiều mô hình và phương pháp cảm hóa, giáo dục lập tức được triển khai.

Ông Phan Duy Huấn, Phó Ban Kinh tế (Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng) cho hay, Hội đã lập mô hình 5+1 (5 người kèm 1 người), huy động cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận, tổ trưởng dân phố, công an khu vực cùng phối hợp để kèm cặp và giúp đỡ các em. 

Trong đó, vai trò của cựu chiến binh là chính. Tiếp nhận các em, lực lượng phối hợp này tiến hành khảo sát về quá trình học tập, hoàn cảnh gia đình, thời điểm sa vào ma túy… rồi đến tận nhà tiếp cận, cảm hóa. Sau khi nghe các em bày tỏ nguyện vọng, họ sẽ định hướng cho học nghề hoặc xin việc làm phù hợp.

“Nói thì nghe dễ dàng trơn tru vậy, chứ tụi tui bị các em và gia đình đuổi hoài. Tóm lại là phải chai mặt, các em càng né thì mình càng lao vào” - ông Huấn cho hay. Ngoài cách “mưa dầm thấm lâu” phải tinh tế để khơi dậy phần người trong các em. Nếu thiếu tình cảm thì bù đắp tình cảm, bức thiết việc làm thì tính đường hỗ trợ việc làm. Một khi các em thấy được quan tâm và con đường hướng thiện không quá khó.

Tương tự, nhiều cơ sở Đoàn đã lập mô hình để cảm hóa và giáo dục các em. Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn lập mô hình 3+1, một em thiếu niên sử dụng chất ma túy do ba cán bộ Thành Đoàn, Quận Đoàn và Đoàn phường kèm cặp. Điểm mạnh của mô hình này là những người đi cảm hóa đều làm công tác Đoàn, trẻ và đồng cảm với sự xốc nổi của các em.

 Phạm Xuân Tài (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu), nhớ lại: “Lần đầu gặp các anh chị ở Đoàn thanh niên, em cảm nhận ngay được sự gần gũi, thật lòng. Các anh chị ấy tặng em chiếc áo “Tiếp sức mùa thi”, rất bình thường với mọi người, nhưng quá đặc biệt với em. Bây giờ, em thực sự đã dứt ra khỏi ma túy”.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố lại dùng cách chiếu phim về tác hại ma túy để “hù” các em. Thước phim người thật việc thật về những con nghiện quằn quại khi lên cơn, điên loạn khi phê ma túy, thậm chí như hóa thành quỷ dữ … được Hội xin từ công an thành phố và tìm tải trên mạng. 

“Kết thúc việc chiếu phim bao giờ cũng là nỗi sợ hãi. Nhiều em nói không tưởng tượng được hậu quả kinh hoàng như vậy nên quyết tâm từ bỏ”, bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ TP Đà Nẵng,  cho hay.

Xin học, xin việc và trao phương tiện sinh kế

Nhờ các mô hình và phương pháp linh động, sau hơn 1 năm giáo  dục và giúp đỡ, 73 em đã tiến bộ, qua nhiều lần kiểm tra đều cho kết quả âm tính với ma túy. Giao kèo của lãnh đạo thành phố trong cuộc đối thoại năm trước “Bỏ ma túy - trao việc làm” được tiến hành 

Bỏ ma túy - nhận việc làm ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lắng nghe nguyện vọng của thanh niên từng sử dụng ma túy. Ảnh: Thanh Trần

Ông Phan Duy Huấn cho hay, tùy nguyện vọng và khả năng của từng em, Hội sẽ giới thiệu vào các cơ sở học nghề và làm việc thích hợp. Các cựu chiến binh phân chia nhau đi đăng ký học nghề, đóng tiền học phí và tình nguyện làm xe ôm miễn phí chở các em tới lớp. Có nghề, Hội lại tiếp tục hỗ trợ xe máy, dụng cụ hành nghề cho các em. 

Em Phan Thanh Hùng (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), kể: “Lúc trước, em cứ nghĩ một đứa chơi ma túy như mình sẽ không có tương lai. Nhưng được các bác trong Hội Cựu chiến binh, nhất là bác Trung ở phường Tam Thuận giúp đỡ, em thấy mọi chuyện đều chưa muộn. Bây giờ em là lái xe cho một công ty tư nhân với mức lương 4 triệu đồng/tháng, với gia đình em không hề nhỏ”.  

Được Đoàn thanh niên hỗ trợ xe máy đi làm, Xuân Tài đang rất tự tin khi kiếm được hơn 5 triệu đồng/tháng tại Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam (chi nhánh Đà Nẵng). Trong khi đó, Hà Văn Tiến (24 tuổi, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) lại được Hội Phụ nữ giới thiệu vào làm việc tại cơ sở điêu khắc đá Quốc Nông trên địa bàn. Làm được một thời gian, thấy Tiến chăm chỉ, Hội tiếp tục hỗ trợ máy mài, máy cắt trị giá hơn 5 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho hay, sắp tới ngoài việc tiếp tục giúp đỡ 73 em trong diện tiến bộ để ngăn chặn tình trạng tái phạm, các tổ chức trên sẽ cảm hóa giáo dục thêm 125 em trong diện mới vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy.

MỚI - NÓNG