Bảng xếp hạng với 49 trường đại học ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập công bố chiều 6/9 đã gây ngạc nhiên khi nhiều đại học trẻ "lên ngôi" trong khi các trường khối kinh tế nổi tiếng nằm ở vị trí trung bình.
PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) - ông Hiệp cũng là thành viên của Nhóm S4VN, cũng là một nhóm đã từng có công bố về xếp hạng đại học Việt Nam nhưng chỉ tập trung vào nội dung nghiên cứu khoa học.
Không bất ngờ về bảng xếp hạng mà bất ngờ về nhóm nghiên cứu
PV: Ông nhận xét gì về bảng xếp hạng đại học Việt Nam được nhóm chuyên gia độc lập công bố hôm 6/9?
NCS Phạm Hiệp: Là người thường xuyên dùng phương pháp định lượng trong nghiên cứu, tôi ủng hộ những nỗ lực đo lường trong khoa học xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Vì vậy, tôi ủng hộ nỗ lực và quyết tâm của nhóm thực hiện bảng xếp hạng. Dù bảng xếp hạng này có nhiều vấn đề cần thảo luận.
PV: Ông có thấy bất ngờ về xếp hạng các trường trong danh sách này không?
Tôi không bất ngờ về bảng xếp hạng mà bất ngờ về một số đồng nghiệp của mình trong nhóm làm bảng xếp hạng. Một vài thành viên trước kia khi trao đổi họ không ủng hộ việc xếp hạng cho lắm nhưng giờ chính họ lại làm về xếp hạng thì hơi bất ngờ thôi. Và tất nhiên, tôi rất vui về sự thay đổi của họ.
PV: Ông thấy thế nào khi nhiều trường top đầu lại chỉ xếp hạng trung bình?
Bảng xếp hạng này thiên về nghiên cứu nên tôi chắc, có trường nhìn bảng xếp hạng thấp họ buồn nhưng có trường cũng chả vấn đề gì, cũng đừng tuyệt đối hóa nó.
Đại học là thực thể phức tạp, một vài chỉ số không nói lên hết câu chuyện. Những trường đại học họ có định hướng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu thị trường thì họ chắc sẽ không cần quan tâm đến một bảng xếp hạng có đến 40% trọng số thiên về nghiên cứu. Tôi tin lãnh đạo không bị bảng xếp hạng này ảnh hưởng đến chiến lược, tầm nhìn của họ.
Các trường kinh tế thấp là đương nhiên
PV: Ông nghĩ sao khi nhiều trường nổi tiếng nhưng chỉ xếp hạng khá thấp?
Những trường kinh tế điểm thấp trong bảng xếp hạng này là đương nhiên bởi vì phần nghiên cứu chiếm 40% trong bảng xếp hạng. Các trường Kinh tế không thể ăn thua được vì trường kinh tế phần nghiên cứu quá kém còn phần khoa học tự nhiên lại quá phát triển, đó là chuyện bình thường.
PV: Ông nghĩ sao nhiều trường trẻ như ĐH Tôn Đức Thắng hay Duy Tân lại “lên ngôi”?
Tôi quan sát các trường này tầm nhìn và chiến lược đều gắn với những tiêu chí bảng xếp hạng thì vị trí họ đẩy lên cao là bình thường. Khi các trường làm rất tốt các tiêu chí này, bảng xếp hạng ra đời trùng tiêu chí thì xếp ở vị trí cao thôi.
PV: Theo ông, các trường có nên quan tâm đến kết quả này?
Tôi nghĩ trường nào mà chiến lược, tầm nhìn không gắn với tiêu chí của bảng tiêu chí này thì không cần quan tâm, như ĐH Mở nếu không theo nghiên cứu thì tại sao lại phải buồn.
Nếu họ định hướng về học Online, không nghiên cứu thì vị trí thấp cũng không sao cả. Còn những trường nào mà tiêu chí, định hướng trùng với bảng xếp hạng này thì nên xem xét, tham khảo nhưng cũng đừng tuyệt đối hóa quá.
Chúng ta đều biết số liệu ở bảng xếp hạng uy tín nhất trên thế giới cũng nên nhìn ở góc độ tương đối.
Ví dụ, trên thế giới có những trường có quy mô rất nhỏ, như trường Bách Khoa Paris. Dù trường nhỏ, chưa bao giờ họ lọt vào top cao như top 10, top 20 nhưng thực ra được học ở trường này vinh dự cả đời. Ở một số khía cạnh nào đó nó còn hơn cả ĐH Havard hay ĐH Oxford.
Thiếu sót so với thông lệ quốc tế, có phản ứng là chuyện dễ hiểu
PV: Theo ông đánh giá, các tiêu chí của bảng xếp hạng này đáng tin cậy không?
Đúng là bảng xếp hạng này khi tung ra thì có hai câu chuyện được nói nhiều: dữ liệu có tin cậy và chỉ số có phù hợp hay không?
Về dữ liệu, tất nhiên bảng xếp hạng nào ra đời cũng sẽ gặp những câu hỏi và phản ứng. Bản thân ngày 5/9, là trước ngày mà xếp hạng này đưa ra thì bảng xếp hạng Times 2017 cũng công bố. Họ đã làm hơn 10 năm rồi và uy tín bậc nhất trên thế giới, vậy mà cũng gây ra cuộc tranh cãi cực kì lớn bởi năm nay đột nhiên ĐH Mỹ tụt hạng và ĐH hàng đầu của Anh nổi lên. Một bảng xếp hạng cỡ như Times làm năm thứ mười mấy rồi mà còn bị nhiều ý kiến thì bảng xếp hạng của Việt Nam có phản ứng là chuyện dễ hiểu.
Thực tế mà nói đúng là có một số vấn đề mọi người đang nghi ngại nhưng tôi nghĩ những phản ứng, phản biện của những người độc lập hay của những trường xếp hạng thấp thì đều có lí của họ cả.
Ví dụ, về phần nghiên cứu chẳng hạn, hoàn toàn có khả năng phần điểm của ĐH Quốc gia, ĐH vùng thấp hơn với thực tế bởi vì tên tiếng Anh các trường thành viên thuộc các ĐH này đang rất lộn xộn.
Vấn đề thứ 2, về giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất thì dữ liệu chính lấy ở ba công khai, có 1 chút lấy ở NH World Bank nhưng bản chất là ba công khai làm không được quá tin cậy, bản thân Bộ GD&ĐT cũng mong muốn sửa ba công khai. Những điều này mọi người đều nhìn thấy được.
PV: Còn các chỉ số của bảng xếp hạng đưa ra đã hợp lý hay chưa, thưa ông?
Nhóm hiện chưa có khảo sát riêng với các trường như tỷ lệ sinh viên có việc làm/đánh giá của nhà tuyển dụng; đây là sự khác biệt của nhóm đối với bản xếp hạng của Times hay các bảng xếp hạng uy tín khác. Các bảng xếp hạng trên thế giới thường họ có một phần tự làm, đều có cuộc khảo sát riêng. Nhưng ở đây toàn bộ dữ liệu của nhóm là sẵn có. Nếu so sánh thì thì đúng là thiếu sót so với thông lệ quốc tế.
Hay một thiếu sót nữa là vấn đề về quản trị thì thường các bảng xếp hạng uy tín ít lấy tiêu chí về quản trị mà hay lấy về sản phẩm đầu ra. Những thông tin về quản trị như số lượng sách/đầu sinh viên thường giành cho kiểm định chất lượng chứ ít khi dùng cho bảng xếp hạng.
Cần điều chỉnh để bớt phản ứng hơn
PV: Theo ông, tại sao bảng xếp hạng đưa ra phản ứng nhiều như vậy?
Do có thể mọi người tiếp nhận thông tin chưa quen, khi họ quen dần thì cảm thấy bình thường hơn. Thực ra câu chuyện xếp hạng, đo lường trong giáo dục thì họ không làm sẽ có đội khác làm.
Thực tế bảng xếp hạng về đại học Việt Nam không phải là không có. Trước đây có Webometrics và gần đây có RePEC là hai bảng xếp hạng về Việt Nam nhưng do người nước ngoài làm.
PV: Nếu tham gia nhóm, ông sẽ thêm/bớt các tiêu chí cũng như chỉ số nào?
Tôi sẽ không công bố bảng kết quả tổng mà chỉ công bố bảng thành phần. Thậm chí, bảng thành phần về nghiên cứu khoa học, về đào tạo cũng không công bố mà chỉ công bố ở từng điểm nhỏ như số lượng bài báo quốc tế, tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ … thôi. Như vậy, thay vì tập trung vào 1 con số (thứ tự xếp hạng), chúng ta sẽ có 1 bộ 10 chỉ số để đánh giá 1 trường đại học, làm như vậy sẽ toàn diện hơn.
Thực ra, trong điều kiện dữ liệu chưa được quá tốt, mức tin cậy chưa như mong muốn mà ghép vào chung thì một số chỉ số sẽ phải…cố.
Ví dụ, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội phản ứng khi họ có nhiều chỉ số tốt mà xếp hạng lại thấp vì nhóm phải cố dùng dữ liệu không đáng tin hay mức độ tin cậy thấp nên khi cố đưa vào lại dở. Nên nếu mình công bố từng xếp hạng con, của từng chỉ số thì hoàn toàn loại ĐH Bách Khoa HN khỏi phần cơ sở vật chất nếu thấy không phù hợp.
PV: Theo ông, ở các bảng xếp hạng lần sau có nên mở rộng các trường chứ không dừng lại ở 49 trường như hiện nay không?
Theo tôi hiểu thì đó cũng là kì vọng của bản thân những người làm xếp hạng này rồi.
Xếp hạng chỉ là cuộc chơi của các trường tinh hoa?
PV: Ông đánh giá thế nào khi nhóm dùng điểm đầu vào để đánh giá xếp hạng mà không phải là ở tiêu chí đầu ra?
Tôi nghĩ nhóm cũng muốn làm nhưng không đủ dữ liệu. Rõ ràng, đánh giá đầu ra hợp xu hướng hơn nhưng do họ không đủ nguồn lực làm hoặc không dễ kiếm dữ liệu ấy cho nên trong 2 dữ liệu họ chọn dữ liệu tin cậy hơn.
PV: Vậy điều này có làm giảm giá trị và làm thay đổi vị trí các trường trong bảng xếp hạng không, thưa ông?
Tôi nghĩ nó tạo ra giá trị khác chứ không giảm giá trị vì hai chiều tác động của nó là hai câu chuyện khác nhau.
Cụ thể điểm đầu vào của ĐH Huế thấp nhưng vị trí xếp hạng cao do các thành phần khác gánh cho như điểm về tiến sĩ chẳng hạn.
Nên mới nói, nếu tôi làm thì sẽ không công bố bảng xếp hạng tổng mà chỉ công bố bảng xếp hạng thành phần thôi. Mỗi một trường công bố ở 10 bộ chỉ số chứ không phải một bộ chỉ số hay 3 bộ chỉ số như hiện nay. Như vậy không có ai tranh luận nữa và khi ấy nó sẽ rất “mịn”. Sẽ không có chuyện điểm này gánh điểm kia làm cho lẫn lộn. Xu hướng chung để đánh giá đại học hiện nay là đối sánh, dùng nhiều bộ chỉ số để so sánh với nhau.
Xếp hạng chỉ là cuộc chơi của mấy trăm trường tinh hoa chứ không phải là cuộc chơi của các trường ĐH đại chung.
PV: Dư luận xã hội cho rằng, Bộ GD&ĐT nên có ý kiến chính thức về việc này để làm rõ mức độ tin cậy của bảng xếp hạng? Ông nghĩ sao về điều này?
Xếp hạng là công cụ nâng cao chất lượng nhưng tôi nghĩ Bộ GD&ĐT không cần có ý kiến. Bộ GD&ĐT nên tập trung việc mà Bộ phải làm như kiểm định chất lượng đại học.
Xin cảm ơn ông!