Xếp hạng đại học, các trường nói gì?

Lần đầu tiên có thông tin cho người học về “sức khỏe” của nhiều trường ĐH tại Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
Lần đầu tiên có thông tin cho người học về “sức khỏe” của nhiều trường ĐH tại Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
TP - Sau khi nhóm chuyên gia công bố xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam, nhiều chuyên gia và chính các trường bắt đầu lên tiếng. 

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, cảm giác trước hết là vui mừng khi lần đầu tiên có thông tin cho người học về “sức khỏe” của rất nhiều trường ĐH Việt Nam. “Mấy năm nay, một số trường ĐH Việt Nam đã tham gia bảng xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên quay đi quay lại cũng chỉ thấy 2 trường ĐH Quốc gia và một số trường ĐH khác. Vì thế, có một bảng xếp hạng cho nhiều trường ĐH của Việt Nam là rất đáng khuyến khích” – GS. Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Không những thế, GS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần khuyến khích có thêm nhiều bảng xếp hạng nữa để các trường ĐH có thể tham gia. Tuy nhiên, nói về bảng xếp hạng của nhóm chuyên gia được công bố vừa qua, GS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng bảng xếp hạng dựa vào 3 tiêu chí nhưng các tiêu chí đó chưa toàn diện, chưa đánh giá hết được các trường ĐH được xếp hạng. GS. Đức chỉ ra 3 hạn chế mà bảng tiêu chí này đưa ra. Thứ nhất đó là thiếu ý kiến của các nhà khoa học đánh giá về các trường ĐH. “Ở tổ chức xếp hạng nước ngoài, họ đều lấy ý kiến đánh giá của các nhà khoa học độc lập. Thậm chí họ lấy ý kiến của các nhà khoa học theo từng chuyên ngành. Ví dụ trường này có ngành Vật lý, họ sẽ tìm đến các nhà khoa học Vật lý để tìm hiểu xem trường đó có GS, TS nào nổi tiếng trong lĩnh vực này không” – GS. Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Thứ hai là thiếu sự thống nhất trong đa dạng. Các trường ĐH của Việt Nam  có trường đa  ngành nhưng cũng có nhiều trường đơn ngành. Vì vậy, phải có tiêu chí riêng cho từng nhóm trường.

Thứ ba là thiếu ý kiến của các nhà tuyển dụng. “Mỗi bảng xếp hạng đều phải có 2 nguồn dữ liệu. Nguồn thứ nhất là các trường công bố ra, nguồn thứ hai là ý kiến của những người sử dụng lao động” -  GS. Đức cho hay.

Dù còn một số thiếu sót, chưa hoàn chỉnh nhưng GS. Đức một lần nữa khẳng định, việc xây dựng bảng xếp hạng các trường ĐH cho riêng Việt Nam là đáng khuyến khích. Vì ở các nước, ngoài tham gia xếp hạng của các tổ chức ngoài nước, họ cũng đều có bảng xếp hạng của riêng mình. GS. Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm, cách đây 4 năm (năm 2013), ĐH Quốc gia Hà Nội đã tự xây dựng một bảng xếp hạng cho các trường ĐH thành viên của mình. Các tiêu chí mà ĐH Quốc gia đưa ra là hướng đến ĐH nghiên cứu. Bảng xếp hạng này của ĐH Quốc gia Hà Nội được xây dựng dựa trên bảng tiêu chí xếp hạng của QS với hai mục tiêu là xếp hạng và kiểm định.

Xếp hạng giống như “con dao hai lưỡi”

Tự nhận mình là người “chống xếp hạng” nhưng khi tham gia buổi tọa đàm của nhóm tác giả công bố bảng xếp hạng vừa qua, TS. Phạm Thị Ly, một chuyên gia về giáo dục ĐH vẫn bày tỏ sự ủng hộ nhóm tác giả về ý nghĩa tại sao phải có một bảng xếp hạng cho các trường ĐH của Việt Nam, đồng thời cũng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về xếp hạng các trường ĐH.  Bà cho rằng xếp hạng các trường ĐH giống như “con dao hai lưỡi”. Vì nếu phương pháp, cách xử lý không khách quan và đúng đắn thì không phản ánh năng lực thực sự của các trường. “Nếu xây dựng bản báo cáo xếp hạng dựa trên số liệu không đáng tin cậy thì tất nhiên kết quả không đáng tin cậy” - bà Ly nói thẳng.  Có thể những trường làm không tốt nhưng bằng cách nào đó họ có được số liệu tốt và trở thành hàng đầu. Đó là vấn đề phải suy nghĩ và đương đầu. TS. Tạ Hải Tùng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng nêu ra những lo ngại về chất lượng dữ liệu mà nhóm tác giả sử dụng để xây dựng bảng xếp hạng. Theo ông Tùng, dữ liệu mà nhóm sử dụng có rất nhiều điểm cần phải lưu ý. PGS Lê Thị Thu Thủy, Hiệu phó Đại học Ngoại thương cho rằng, kết quả xếp hạng muốn thuyết phục thì dữ liệu phải chuẩn, tiêu chí đánh giá phù hợp và mẫu nghiên cứu đủ lớn. Hiện nay, các bảng xếp hạng của thế giới có xếp hạng chung, xếp hạng theo nhóm trường. Nguyên nhân là các nhóm trường có đặc thù riêng, ví dụ như giữa Ngoại thương và ĐH Y thì hai trường khác hẳn nhau về quy mô giảng dạy, hoạt động đào tạo, nghiên cứu... “Tôi đồng tình với nhóm nghiên cứu nói rằng đây chỉ là thông tin tham khảo. Theo tôi, để đánh giá được thứ hạng của các trường thì cần phải có phương pháp, dữ liệu đầy đủ, chính xác với sự tham gia của trường đó. Hơn nữa, để đưa được bộ tiêu chí chuẩn để xếp hạng cũng cần thời gian và nghiên cứu cụ thể”, bà Thủy nói.

Về phía trường ĐH Y Hà Nội, theo bảng xếp hạng của các chuyên gia độc lập vừa công bố, tuy cũng bị xếp ở vị trí trung bình như ĐH Ngoại thương, nhưng đại diện nhà trường cho biết bảng xếp hạng là một kênh để trường đầu tư hơn về mặt cập nhật số liệu. Vì từ trước đến giờ, trường chỉ tập trung chuyên môn đào tạo mà không để ý đến vấn đề này.

MỚI - NÓNG