Chia sẻ bất ngờ về bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam

TS Lê Trường Tùng cho rằng, Bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam rất khó hiểu với những ai không hiểu rõ bức tranh giáo dục đại học nước nhà
TS Lê Trường Tùng cho rằng, Bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam rất khó hiểu với những ai không hiểu rõ bức tranh giáo dục đại học nước nhà
Bảng xếp hạng đại học lần đầu tiên ở Việt Nam vừa xuất hiện đang gây “xôn xao” dư luận. TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT ĐH FPT) cho rằng, trường điểm đầu vào quá thấp như trường ĐH Sư phạm Huế mà lại được xếp cao về giáo dục đào tạo thì bỗng trở thành chuyện phản cảm.  

Tập trung vào “2 tốt” cổ điển, bỏ quên “2 tốt” mang tính thời đại

Ngày 6/9, một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước tiến hành đã công bố bảng xếp hạng (BXH) 49 trường đại học sau 3 năm thu thập dữ liệu và xử lý kết quả. Theo BXH này, ĐH Quốc gia Hà Nội đứng đầu trong bảng xếp hạng. Một điều ngạc nhiên và gây bàn cãi nhất là các trường ĐH khối kinh tế thường được dư luận cho rằng là trường tốp đầu chỉ xếp hạng trung bình. Trong khi, nhiều cái tên không mấy được chú ý lại nhảy vọt lên vị trí hàng đầu.

Về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng cho rằng, thực ra xếp hạng đại học là vấn đề rất khó. Chẳng hạn, tiêu chí chất lượng đào tạo nói thì dễ nhưng để đo bằng những con số cụ thể thì không dễ dàng như đo doanh doanh thu của một doanh nghiệp.

Theo TS Tùng, lịch sử các trường đại học kéo dài hàng trăm năm nhưng bảng xếp hạng thế giới uy tín chỉ mới xuất hiện từ năm 2003. Và hiện tại, 3 bảng xếp hạng uy tín của thế giới là bảng xếp hạng Thượng Hải (Shanghai Ranking), QS (QS World University Ranking)và Times Higher Education.

Qua lịch sử 15 năm đo lường xếp hạng, mọi người đều thống nhất 1 trường đại học tốt sẽ thực hiện tốt 4 công việc sau: đào tạo tốt, nghiên cứu tốt, quốc tế hóa và việc làm đầu ra của sinh viên (gồm khởi nghiệp và gắn bó với doanh nghiệp tốt). “4 tốt” đó là chiến lược phát triển chung của các trường đại học thế giới, tuy nhiên đối với mỗi trường các tiêu chí mạnh – yếu khác nhau tùy thuộc vào sứ mệnh.

TS Lê Trường Tùng đánh giá, bảng xếp hạng lần đầu tiên của Việt Nam đã tập trung vào 2 tốt/ 4 tốt. Đó là nghiên cứu tốt và đào tạo tốt. Bỏ qua hai cái tốt cực kỳ quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện này gồm: quốc tế hóa và việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

“Như vậy, BXH này nghiêng về đo lường 2 tiêu chí cổ điển. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế hóa thì trách nhiệm đầu ra của nhà trường và hoạt động quốc tế của một trường đại học có vai trò vô cùng quan trọng. Tiêu chí quốc tế hóa gồm trao đổi sinh viên, du học sinh, tỉ lệ phần trăm giảng viên là người quốc tế, hợp tác với bao nhiêu trường quốc tế… không nên bỏ qua. Đây là 2 tiêu chí mang tính thời đại mà bảng xếp hạng này không đề cập đến”, TS Lê Trường Tùng đánh giá.

Dựa vào 2 tiêu chí nghiên cứu khoa học và dạy học làm thước đo chính, bảng xếp hạng có những xếp hạng không thuyết phục.

“Điển hình là Trường Đại học Huế xếp thứ 3 về tiêu chí Giáo dục đào tạo. Trong khi đây là nơi có trường Sư phạm tuyển đầu vào rất thấp gây “xôn xao” dư luận năm 2017 này. Trường điểm đầu vào quá thấp mà lại được xếp cao về giáo dục đào tạo thì bỗng trở thành chuyện phản cảm”, TS Tùng nhấn mạnh.

Về luồng ý kiến cho rằng, bảng xếp hạng đánh đồng các trường quy mô lớn (thực chất là trường đại học gồm nhiều đại học nhỏ) rồi đem lên bàn cân xếp hạng khiến không chuẩn xác, TS Lê Trường Tùng cho rằng, mô hình đại học ở nước ta có phần “không bình thường” khi đặt nhóm các trường với những trường đơn lẻ.

So sánh như vậy hơi khó và vô lý, chẳng hạn ĐH Bách Khoa Hồ Chí Minh nằm trong ĐH Quốc gia TP.HCM không được xếp hạng riêng. Trong khi đó, ĐH Bách khoa Hà Nội (không nằm trong ĐH Quốc gia Hà Nội) lại được đem ra đánh giá riêng.

Qua phân tích, TS Lê Trường Tùng kết luận: “Bảng xếp hạng này rất khó hiểu với những ai không hiểu rõ bức tranh giáo dục đại học Việt Nam. Nếu không cẩn thận mà dư luận cứ nhìn nhận bảng xếp hạng này như đại diện quốc gia và chạy theo tiêu chí của bảng xếp hạng thì rất nguy hiểm, gây xao nhãng sứ mệnh chính của trường”.

“Thực sự đáng lo ngại về chất lượng dữ liệu”

Đó là quan điểm của PGS. TS. Tạ Hải Tùng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Ông Tùng đặt câu hỏi băn khoăn về chất lượng dữ liệu mà nhóm tác giả sử dụng để xây dựng bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam. Theo ông Tùng “nhóm tác giả lấy dữ liệu của các trường được gửi với mục đích khác nhau chưa chắc đã chuẩn”. 

Chia sẻ bất ngờ về bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam ảnh 1

PGS. TS. Tạ Hải Tùng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) lo ngại chất lượng dữ liệu không chính xác.

Chẳng hạn, một số xếp hạng (từng tiêu chí) mà nhóm công bố có rất nhiều điểm không hợp lý, dễ nhìn thấy bằng mắt thường.

Chẳng hạn như ở tiêu chí cơ sở vật chất và quản trị, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đứng thứ 25, trong khi bằng mắt thường cũng biết khuôn viên, thư viện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hơn rất nhiều trường “top cao” trong bảng xếp hạng này.

"Việc tính toán số bài báo trên giảng viên cũng cần lưu ý. Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 2.300 cán bộ, trong đó có khoảng 700 cán bộ phục vụ giảng dạy và phòng thí nghiệm. Vì vậy, nếu chia số bài báo cho 700 cán bộ này thì không đúng vì họ không thể công bố quốc tế được", PGS.Tùng phân tích.

Vị này đặt câu hỏi: “Theo như giới thiệu của nhóm tác giả thì sau khi thu thập dữ liệu có gửi lại cho một số trường để xác nhận. Tuy nhiên, có những trường không quan tâm hoặc không cập nhật số liệu đầy đủ. Sau khi đưa ra bảng xếp hạng, báo chí đưa tin, các trường gửi lại thông tin thì sẽ ra sao?”.

PGS. Hải Tùng đề xuất, nhóm tác giả nên công bố dữ liệu của các trường để bản thân các trường cũng như xã hội có thể kiểm tra.

Chia sẻ bất ngờ về bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam ảnh 2

Theo bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam, ĐH Huế - nơi có trường ĐH Sư phạm nổi tiếng năm 2017 với điểm chuẩn thấp chỉ 12.75 - được xếp thứ 3 về chất lượng đào tạo trong khi ĐH Sư phạm Hà Nội xếp thứ 13.

TS Lê Trường Tùng cũng hi vọng việc đo lường chất lượng đại học trong nước sẽ có thêm nhiều số liệu thuyết phục, đa chiều. Chẳng hạn ý kiến đánh giá từ sinh viên, giảng viên, xã hội. Điều đó là những phản ánh thiết thực về chất lượng nhà trường chứ không chỉ những yếu tố “sờ mó” được. Vì việc dựa vào dữ liệu “3 công khai” của trường đại học không chắc chắn thể hiện đúng thực chất của trường đó.

Các trường đại học không nên ganh đua với nhau

Cũng theo TS Lê Trường Tùng, việc xếp hạng các trường đại học với nhau là cách làm chưa hẳn tốt. Chúng ta không nên so sánh trường theo thứ tự top 100, top 50, top 10… đại học mà nên so sánh một trường đại học với chuẩn chất lượng cần thiết.

Chẳng hạn hệ thống khách sạn 5 sao, 4 sao, 3 sao. Một khách sạn đủ những yếu tố gì để lọt vào hệ thống 5 sao? Làm được vậy thì các trường nhỏ nhưng chất lượng tốt không sợ trường khác quá to về quy mô và cũng bớt chuyện ganh đua với nhau để lọt top.

TS Tùng lưu ý, việc xếp hạng bảng đại học hay nhưng cần tỉnh táo: “Các trường đại học, nhất là đại học tầm trung đừng tốn nguồn lực chạy theo bảng xếp hạng vì kết quả thu lại không tương xứng và dễ lấn át mục tiêu, sứ mệnh của trường”.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG