Giáo dục là dịch vụ phải tính đủ giá

Giáo dục là dịch vụ phải tính đủ giá
TP - Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính tại hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học” tổ chức tại Hà Nội ngày 17-11.

> ĐH Quốc gia TPHCM thêm 17 giảng viên được phong tặng NGND, NGƯT
> Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật trong tuần

Bà Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Theo định hướng dự kiến đổi mới tới đây, chi phí cho giáo dục Đại học (GD ĐH) phải được tính đủ. Bà Minh dẫn ví dụ: Chi phí cho một sinh viên y khoa chẳng hạn, tính đủ là 50 triệu đồng/năm; sinh viên kinh tế là 30-40 triệu đồng;

sau đó, đối với những ngành có khả năng phân hóa cao, người học có nhu cầu thì ngoài phần ngân sách hỗ trợ được bao nhiêu, nhà nước sẽ cho phép các trường được trợ thu để đảm bảo đủ chi phí đào tạo.

Theo bà Minh, đối với sinh viên không thuộc diện ưu tiên, có điều kiện muốn hưởng chất lượng GD thì bỏ tiền lớn hơn trước để có được chất lượng cao.

Con em gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa, người nghèo… thì nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên có đủ kiến thức vào học; đối với những ngành nghề thuộc khoa học cơ bản, những nghề nhà nước cần nhưng xã hội, người học không có nhu cầu thì nhà nước sẽ đặt hàng cho các trường và cấp kinh phí để đảm bảo không mất cơ cấu ngành nghề đào tạo.

Bà Minh nói: Lương giáo viên tăng nhưng chất lượng GD không tăng kịp với tốc độ đó, bởi lẽ lương tăng nhưng phần ngân sách đầu tư cho GD tăng không nhiều. Bà Minh nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, giáo dục là một dịch vụ và phải tính đủ giá dịch vụ”.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính nêu: Hiện nay việc giao dự toán NSNN cho các cơ sở GD ĐH công lập được thực hiện theo cơ chế khoán căn cứ vào khả năng của ngân sách, dự toán được giao năm trước để làm căn cứ giao khoán năm sau. Nhưng việc giao khoán không gắn với số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo.

Việc thực hiện quyền tự chủ thí điểm cho một số trường ĐH vừa qua còn có nhiều bất cập, trong đó có sự bất hợp lý về thu- chi của trường. PGS.TS Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, GĐ dự án quốc gia nói: Cơ chế chi thì thoáng hơn nhưng các trường không được giao tự chủ thu là một nghịch lý.

Bà Đào Thi Thu Giang, phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, trong quyền tự chủ của các trường là: chưa có văn bản, quy định cụ thể mang tính pháp lý để các trường thực hiện tự chủ tài chính, về học phí, các tự chủ khác hay việc chịu trách nhiệm của nhà trường để lấy được uy tín của xã hội.

Nói về quan hệ giữa tự chủ và nâng cao chất lượng, ông Đặng Kim Vui, GĐ ĐH Thái Nguyên nói, nếu không kiểm soát được chất lượng thì nâng cao quyền tự chủ chẳng để làm gì. Cần có chất lượng thì mới mong chặn được xu hướng hiện nay- người dân VN có điều kiện gửi con em đi học ở nước ngoài. “Chất lượng phải phản ánh thực tế để lấy niềm tin của nhân dân”- ông Vui nói.

PGS. TS Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nói:

Sắp tới có thể sẽ triển khai theo hướng: đối với sinh viên sư phạm, không miễn giảm như lâu nay, mà được cho vay như với sinh viên khác. Nếu ra trường, người tốt nghiệp làm trong ngành giáo dục thì được miễn giảm phần trả, nếu công tác ngoài ngành, sẽ có cơ chế bồi hoàn lại kinh phí đào tạo.

Các cơ sở GD&ĐT có nhiều nguồn thu cao đang được khuyến khích chuyển sang hoạt động như doanh nghiệp. Sắp tới, các cơ sở này sẽ được trao nhiều quyền hơn trong tự chủ thu như doanh nghiệp. Họ sẽ có một cơ chế tự chủ toàn diện, quyền tự quyết, nhất là tự quyết các chương trình đào tạo gắn với chất lượng. Nếu cam kết thực hiện tốt, họ có thể tự chủ thu vượt khung của nhà nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG