'Em là bà nội' thoát khỏi hài nhảm

“Em là bà nội của anh” là một bản làm lại thành công.
“Em là bà nội của anh” là một bản làm lại thành công.
TP - Cái tên Em là bà nội của anh ban đầu có vẻ gây phản ứng ngược với những người sợ hài nhảm, tuy nhiên phiên bản Việt hóa phim Hàn này vượt qua cửa hài nhí nhố của nhiều phim Việt.

Miss granny (ra rạp Việt Nam với nhan đề Ngoại già tuổi đôi mươi) của Hàn Quốc gây sốt năm 2014 với 61 triệu USD doanh thu. Làn sóng ăn khách này khiến hãng CJ để cho Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Đức và Việt Nam làm lại kịch bản. Phiên bản Việt Em là bà nội của anh do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (Phan Xine) thực hiện.

Phim kể về bà Đại (NSƯT Minh Đức) sống cùng vợ chồng con trai và hai cháu nội. Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, bà phải rời khỏi nhà. Chán nản, bà bước vào tiệm ảnh Thanh Xuân và phép màu xảy ra khi bà trở lại tuổi 20, lấy tên Thanh Nga-nghệ sỹ sân khấu tài năng và vắn số để theo đuổi giấc mơ ca hát, gia nhập ban nhạc của cháu nội (Ngô Kiến Huy).

Cuối tuần này, phim được công chiếu toàn quốc, nhưng sớm ra mắt báo chí và có hai ngày chiếu sớm để thăm dò khán giả. Phim cũng chiếu tại LHP Việt Nam 19, được giải khán giả bình chọn dù chưa công chiếu rộng. Nhiều người có ý đợi phim ra mắt để “soi” tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nhật Linh - cây bút phê bình điện ảnh sắc sảo, sang Mỹ học về điện ảnh. Trước phim này, anh tham gia một số vai trò trong vài phim nhưng chưa rõ dấu ấn, và đạo diễn phim truyền hình Bếp hát gây thất vọng.

Không chỉ gây cười, Em là bà nội của anh mang lại những giây phút cảm động về mối quan hệ gia đình. Đạo diễn chọn giữ nguyên đường dây câu chuyện, thậm chí nhiều lời thoại y chang. Ai từng xem phiên bản Hàn hẳn cảm thấy dễ chịu ở những chỗ đạo diễn Việt hóa mềm mại, phù hợp bối cảnh xã hội. 

Đặc trưng Nam Bộ được đưa vào phim khá hợp lý, từ ẩm thực, khung cảnh Sài Gòn đến hiệu chụp ảnh bày ảnh nghệ sỹ sân khấu Thanh Nga (thay vì Audrey Hepburn trong phiên bản gốc). Đạo diễn cố gắng tiết chế một số đoạn nói nhiều của bản gốc, cố tình để nhân vật cậu con trai (NSƯT Đức Khuê) kiệm lời, dồn hết thoại vào phần gần cuối phim. Âm nhạc Trịnh Công Sơn tăng hiệu ứng cảm xúc như Thành phố buồn, Còn tuổi nào cho em (được phối lại phù hợp giọng ca của Miu Lê).

Là ca sỹ từng thử sức ở một số vai nhỏ phim điện ảnh, Miu Lê thực sự thay đổi với vai chính trong Em là bà nội của anh. Cô phải thể hiện tâm lý người già trong vóc dáng trẻ trung, sự khát khao trở lại ước mơ dang dở, sống lại tuổi thanh xuân của người lớn tuổi. 

Dù Miu Lê có lúc đưa đẩy tình huống hài hơi quá đà, nhưng diễn xuất biến hóa của cô mang lại sức sống. Cũng nhờ cô mà hai vai diễn của Hứa Vĩ Văn, Ngô Kiến Huy không bị đổ. Tuy nhiên, dù rất cố gắng, Miu Lê không có được giọng nói rất điềm đạm của người gốc Bắc, pha chút xíu đanh đá, khó tính của bà Đại do NSƯT Minh Đức thể hiện.

Chuyện phim cũng có mô típ tình cảm Hàn Quốc, khi nhân vật nữ chính đối mặt tình cảm của ông Bé (NSƯT Thanh Nam) theo đuổi nhiều năm, nhà sản xuất âm nhạc Đức (Hứa Vĩ Văn) và sự cảm mến của cậu cháu nội Tùng. 

Tình cảnh “cải lão hoàn đồng” tạo ra những tình huống cười, và những phút phim tràn trề sức sống về tuổi thanh xuân. Khán giả lớn tuổi hẳn cũng có thể lắng lại với những hoài niệm, giấc mơ tuổi trẻ một thời dù không quá bi lụy. Không ít người thổ lộ có rưng rưng nước mắt ở một số cảnh tình cảm. Tuy nhiên, điều này phim của ta không mạnh bằng bản gốc Hàn Quốc.

Đạo diễn chọn được khá nhiều diễn viên hợp lý ngoài diễn viên chính. Chẳng hạn, Thanh Nam trong vai ông Bé si tình đậm chất Hai Lúa, Thu Trang vai con gái của ông tên Duyên nhưng kém duyên trong nói năng, hành xử. Hai bố con này sinh động hơn hẳn phiên bản Trung Quốc. Hồng Ánh có chút ít đất diễn cũng cố gắng hóa thân vào vai cô con dâu cam chịu. 

Lều Phương Anh, vai chị gái Tùng, có thể vì ít đất diễn nên không để lại ấn tượng. Hari Won gần đây quen mặt trong nhiều phim hài. Hồi mới xuất hiện trên màn ảnh Việt, cô còn có chút duyên. Tuy thế, cô mãi giữ phong cách cắm của Hàn Quốc trong nhiều phim liên tiếp, không thể làm khán giả dễ chịu được nữa. Riêng Hứa Vĩ Văn, lần thứ ba vào vai nhà sản xuất âm nhạc cũng không có gì mới mẻ hơn.   

Thời lượng 127 phút cũng khiến khán giả thấy mỏi. Không  biết có điều kiện của nhà sản xuất Hàn Quốc không, đúng ra, đạo diễn nên rút ngắn để khán giả bớt mệt. Câu chuyện dù hấp dẫn, nhiều tình tiết nối tiếp nhau, nhưng đoạn cuối cho thấy sự lỏng tay, đuối sức. Chưa phải tác phẩm xuất sắc, nhưng Em là bà nội của anh là một trong số ít phim hài, tình cảm năm nay được báo chí lẫn khán giả ủng hộ. Trong số hai phim hài Việt ra rạp dịp này, Em là bà nội của anh đè bẹp Hùng Ali-phim rất dở có Ưng Hoàng Phúc đóng chính.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.