Doanh nghiệp chia cổ tức khủng

Nhiều doanh nghiệp thông báo mức trả cổ tức 30% - 40%, cao gấp cả chục lần so với cổ tức của các ngân hàng. Ảnh: Như Ý
Nhiều doanh nghiệp thông báo mức trả cổ tức 30% - 40%, cao gấp cả chục lần so với cổ tức của các ngân hàng. Ảnh: Như Ý
TP - Việc hàng loạt DN niêm yết mới đây thực hiện chia cổ tức khủng hàng nghìn tỷ đồng cho các cổ đông cho thấy bức tranh hoàn toàn khác về hoạt động của các đơn vị. So với mức cổ tức của nhiều ngân hàng, mức cổ tức của nhiều DN niêm yết cao hơn hai mươi lần.

Cổ tức khủng

Báo cáo mới đây của Cty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho thấy, bên cạnh hàng loạt DN ngập trong thua lỗ triền miên, vẫn có không ít DN niêm yết khác thu được lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng và mạnh tay chi trả cổ tức năm 2013 cho các cổ đông.

Đứng đầu trong danh sách các DN có mức cổ tức khủng như “trong mơ” phải kể đến trường hợp Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (SDI) với tổng cộng 1.425 tỷ đồng tiền mặt để chia cho cổ đông (tỷ lệ 118,75%).

Trước đó, tờ trình Đại hội cổ đông của HĐQT SDI xây dựng kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ thanh toán 83,1% (tương ứng hơn 997 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo tờ trình công bố trong tài liệu đại hội cổ đông bất thường sau đó, HĐQT SDI đã gây choáng khi nâng mức chi trả cổ tức năm 2013 lên gần 1.425 tỷ đồng. Theo báo cáo kiểm toán mới được công bố, SDI đạt lợi nhuận sau thuế gần 1.587 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với năm 2012.

Cùng có mặt trong nhóm những DN dẫn đầu về mức cổ tức khủng là Cty CP Đầu tư - Xây dựng Hà Nội (HCI). Cty này vừa công bố ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%. Tiền cổ tức sẽ được thanh toán trong tháng 7. Đây không phải lần đầu tiên HCI tạo cơn sốt trên thị trường chứng khoán. Năm 2013, Cty cũng gây xôn xao khi trả cổ tức với tỷ lệ 48%.

Dù không thuộc diện siêu khủng, đình đám như các đại gia khác, nhiều DN địa phương đã khiến giới đầu tư phải ngạc nhiên với mức cổ tức cao ngất ngưởng. Cty CP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP) công bố mức trả cổ tức 40% bằng tiền mặt. Trong khi DN đến từ Phú Thọ là Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) tuyên bố dành hơn 230 tỷ đồng để trả cổ tức đợt 2/2013 với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt. Ban lãnh đạo Cty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM) cũng khiến các cổ đông hài lòng khi thông báo trả cổ tức 23%.

Được xác định là năm kinh doanh khó khăn nhưng, nhiều DN ngành dược, DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, xây lắp, tư vấn điện cũng khiến các cổ đông cảm thấy ấm áp khi đạt lợi nhuận khá cao năm 2013.

Tại đại hội cổ đông vừa được tổ chức, với kết quả kinh doanh khả quan, Cty CP Dược phẩm OPC quyết định nâng cổ tức tiền mặt năm 2013 từ 20% lên 25%. HĐQT Cty cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu  năm 2014 ở mức 580 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 86 tỷ đồng, cổ tức duy trì ở mức 20%. Lãnh đạo Cty CP Nam Dược (NDC) thông báo trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20%/cổ phiếu.

Lãnh đạo Cty CP Bê tông Becamex (ACC) thông báo trả cổ tức tỷ lệ 30%/mệnh giá. Trong lĩnh vực dịch vụ, Cty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) cũng gây sốc khi trả cổ tức với tỷ lệ lên tới 42,5%/cổ phiếu. So với mức trả cổ tức bèo, 3% - 6% của nhiều ngân hàng, mức cổ tức của các DN trên được coi là trong mơ.

DN vẫn thận trọng

Dù kết quả kinh doanh cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan, đánh giá từ Tổng cục Thống kê cho thấy, các DN vẫn rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Các DN đánh giá chung nhu cầu thị trường trong nước năm 2014 có triển vọng hơn so với năm 2013. Tuy nhiên, tỉ lệ DN lạc quan về thị trường trong nước chưa cao, chỉ đạt 34,8%. Vẫn còn 16,2% số DN cho rằng thị trường trong nước năm 2014 kém hơn 2013.

Đáng chú ý, có tới 50,5% số DN không vay vốn cho sản xuất kinh doanh. Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, dù lãi suất đã về mức năm 2005-2006 nhưng trong 5 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,31% (cùng kì năm 2013 trên 3%). “Các DN không kêu về lãi suất nữa mà chủ yếu họ kêu về đầu ra. Cái gốc của tín dụng tăng thấp là do tổng cầu thấp. Ngân hàng thương mại đang khó khăn tìm đầu ra cho dòng vốn, “đốt đuốc đỏ mắt” chưa tìm ra DN có tình hình tài chính lành mạnh”, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.

Tính đến hết tháng 5, tổng cộng có 663 Cty niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I/2014. Trong đó có 552 Cty có lãi, 111 Cty báo lỗ. Không ít trường hợp lỗ tới cả nghìn tỷ đồng. Dẫn đầu về mức lợi nhuận vẫn là các cổ phiếu Bluechip ở top đầu như: Tổng Cty Khí Việt Nam (PV Gas), Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hay Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk)… Về nhóm ngành, các DN hoạt động trong lĩnh vực săm lốp, dầu khí, dệt may, dịch vụ và xây dựng cũng có kết quả kinh doanh khá khả quan.

MỚI - NÓNG