Đấu giá tranh hướng về trẻ em trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
“Họa sỹ và bức tranh” của Lê Công Thành
“Họa sỹ và bức tranh” của Lê Công Thành
TP - Họa sỹ Đỗ Đức nhắn tin cho tôi, chia sẻ cảm xúc của anh khi thưởng thức 17 tác phẩm trong chương trình đấu giá tranh trực tuyến Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19: “Toàn tranh đẹp. Bức của Lê Công Thành rất tuyệt. Đỉnh đấy!”. Họa sỹ Đỗ Đức cũng là một trong 17 tác giả tham gia chương trình đấu giá tranh vì mục đích thiện nguyện.

Khi đồng nghiệp khen nhau

Không phải Đỗ Đức khen chơi, ông thật sự hứng thú với “đứa con tinh thần” của cố điêu khắc gia, họa sỹ Lê Công Thành: “Tạo hình đầy mĩ cảm, xứng đáng bậc thầy. Đề tài này nhiều người vẽ nhưng không thành công, ngay cả những bậc “cây đa, cây đề”. Họa sỹ còn nói: Nếu ông là nhà sưu tập, ông không bỏ qua “Họa sỹ và bức tranh”. Đỗ Đức thắc mắc: “Nó đẹp lạ lùng mà sao họa sỹ Kim Thái, vợ ông lại không giữ?”. Tôi chỉ cười…

Các họa sỹ đều mong muốn, cho dù tham gia đấu giá tranh từ thiện song tác phẩm của họ có thể đứng được vững vàng, không nương nhờ “từ thiện” của các nhà hảo tâm, các nhà sưu tập.

Tâm nguyện của Lê Công Thành - Kim Thái là để nghệ thuật của họ được đi vào đời sống, được đến với những người yêu mến tác phẩm của họ. Khi biết báo Tiền Phong mở cuộc đấu giá tranh trực tuyến hướng về trẻ em trong đại dịch COVID-19, họa sỹ Kim Thái nhiệt tình ủng hộ. Trong đợt đấu giá tranh trực tuyến lần 1 hướng về tuyến đầu chống dịch, bà cũng đã ủng hộ 2 bức tranh của hai vợ chồng. Nữ họa sỹ năm nay 78 tuổi. Còn cố điêu khắc gia, người thầy, người bạn đời mà bà tôn thờ, đã rời xa nhân thế hai năm nay. Bà muốn thực hiện tâm nguyện của hai người, để các tác phẩm nghệ thuật được lan tỏa một cách ý nghĩa nhất. Vì lý do đó, nữ họa sỹ đã gửi gắm những “đứa con tinh thần” cho những chương trình thiện nguyện do báo Tiền Phong tổ chức.

Đấu giá tranh hướng về trẻ em trong đại dịch ảnh 1

“Em gái và con mèo” của Kim Thái

Không chỉ họa sỹ Đỗ Đức ca ngợi tác phẩm của Lê Công Thành. Họa sỹ Hà Trí Hiếu cũng gật gù: “Cuộc đấu giá tranh trực tuyến này thu hút nhiều tên tuổi “oách”. Anh kính trọng những đồng nghiệp thế hệ trước như Trần Nguyên Đán, Lê Công Thành - Kim Thái… Hà Trí Hiếu ngạc nhiên, khi biết giá mua ngay tác phẩm của Lê Công Thành - Kim Thái trong những cuộc đấu giá tranh từ thiện do báo Tiền Phong tổ chức lại rất “nhẹ”: “Với những tên tuổi như thế, giá tranh như thế thật bất ngờ!”, anh bình luận. Tôi cũng đã quen nghe những bình luận tương tự như Hà Trí Hiếu về tranh của hai họa sỹ Thành - Thái. Một trong những họa sỹ ăn khách hiện nay, Đặng Tiến, cũng từng “xót” thay bậc đàn anh, đàn chị. Tôi đã chuyển lời của các họa sỹ tới nữ họa sỹ Kim Thái, chị cười: “Thành - Thái muốn thế, để tạo cơ hội cho nhiều người yêu mến hội họa được sở hữu tác phẩm của mình”.

Trong khi họa sỹ Đỗ Đức trầm trồ về tác phẩm của Lê Công Thành thì họa sỹ đất Cảng, Trần Vinh, lại đặc biệt thích “Em gái và con mèo” (tranh lụa của nữ họa sỹ Kim Thái). “Có gì đó thật hồn nhiên và ấm áp”, anh nói.

Đấu giá tranh hướng về trẻ em trong đại dịch ảnh 2

“Miền quê yên tĩnh” của Trần Lưu Mỹ

Chương trình đấu giá tranh có sự tham gia của 17 tác giả, thuộc nhiều lứa tuổi, phong cách… cũng chính nhờ các họa sỹ tự mời nhau nhập cuộc. Nhiệt tình hơn cả chính là họa sỹ Trần Lưu Mỹ. Anh xung phong làm “cộng tác viên” miễn phí cho chương trình, chính anh đã kêu gọi đồng nghiệp ủng hộ trẻ em, ủng hộ chương trình của báo Tiền Phong.

Tác phẩm “Nude”, sơn mài, 30 cm x40 cm của họa sỹ Phạm Thăng Long, do chính họa sỹ Trần Lưu Mỹ kết nối. Không những thế anh còn “rủ” Hà Trí Hiếu, một tên tuổi của làng hội họa, cùng tham gia chương trình. Họa sỹ Hà Trí Hiếu đã gửi tặng chương trình tác phẩm “Trâu”, acrylic trên giấy điệp, kích thước 37 cm x 51 cm. Sự góp mặt của Hà Trí Hiếu làm chương trình thêm phần sôi động. Họa sỹ Từ Ninh, con trai của cố nhà văn Kim Lân thốt lên: “Hà Trí Hiếu tham gia à? Tốt quá! Hà Trí Hiếu vẽ thì đẹp rồi”. Họa sỹ Trần Vinh bình luận về sự xuất hiện của đồng nghiệp thủ đô: “Hà Trí Hiếu, chất! Khỏi bàn”.

Ký tên vào tác phẩm

Một trong những họa sỹ đầu tiên nhận lời mời từ chương trình do báo Tiền Phong tổ chức, chính là Trần Lưu Mỹ. Anh gật đầu ngay vì mục đích của chương trình đấu giá tranh trực tuyến là điều anh quan tâm: Trẻ em trong cơn đại dịch COVID-19. “Miền quê yên tĩnh” là tác phẩm anh sáng tác riêng cho chương trình. Sau khi hoàn thiện tác phẩm, Trần Lưu Mỹ mời một “hội đồng giám khảo” là những tên tuổi của làng hội họa đến xưởng vẽ để “chấm điểm” cho “đứa con tinh thần” mới sinh. Khi “các vị giám khảo” đều đánh giá tốt tác phẩm, Trần Lưu Mỹ mới mời đại diện của ban tổ chức chương trình đấu giá tranh trực tuyến đến thưởng lãm tác phẩm và quyết định tặng “Miền quê yên tĩnh” cho báo Tiền Phong, để làm thiện nguyện.

Lâu nay, một bộ phận khán giả định kiến: Những tác phẩm hội họa trong những chương trình đấu giá tranh vì mục đích thiện nguyện thường chỉ là những “đứa con nuôi” không được tác giả cưng chiều. “Phải phá bỏ định kiến ấy”, các họa sỹ tham gia chương trình đồng thanh. Người cầm cọ không dễ dãi thế, khi đặt bút ký vào tác phẩm nghĩa là họ đã ký vào cam kết được đảm bảo bằng năng lực sáng tạo và tự trọng nghề.

Họa sỹ Vũ Bích Thủy dành tặng chương trình tác phẩm “Chiều mùa hè”, acrylic trên toan, kích thước 40 cm x50 cm. Đây cũng là một sáng tác dành riêng cho báo Tiền Phong. Chị bảo: “Vừa mắt ta ra mắt người”, các cụ nói rồi. Tôi phải ưng tác phẩm thì mới đặt bút ký tên và mới dám “khoe” với khán giả”. Các họa sỹ đều mong muốn, cho dù tham gia đấu giá tranh từ thiện song tác phẩm của họ có thể đứng được vững vàng, không nương nhờ “từ thiện” của các nhà hảo tâm, các nhà sưu tập.

MỚI - NÓNG