Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế: Bộ, ngành đưa ra nhiều đề xuất

0:00 / 0:00
0:00
Hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những trọng tâm của dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 Ảnh: Như Ý
Hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những trọng tâm của dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 Ảnh: Như Ý
TP - Tại kỳ họp bất thường tới đây của Quốc hội, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận. Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện dự thảo chương trình trình Chính phủ, tập trung vào các nhóm trọng tâm: phòng, chống dịch bệnh; an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp; kích cầu đầu tư công; quản lý điều hành, đảm bảo cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Ngày 27/11, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình này trước ngày 30/11. Trước đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến thông qua để triển khai các giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể hơn.

“Bộ KH&ĐT đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan trong tổ điều hành vĩ mô như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo có chất lượng để trình các cấp có thẩm quyền”, ông Phương nói.

Theo ông, để việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, có 3 vấn đề cần chú ý: cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và nguồn lực giá rẻ. “Về cơ chế, chính sách, chúng ta có nhiều nỗ lực, đổi mới luật. Tuy nhiên, quy định pháp luật sửa đổi mất rất nhiều thời gian để đi vào cuộc sống”.

Về nguồn lực giá rẻ, ông nhấn mạnh, nguồn lực này ông nói giá thấp nhưng phải ở mức hợp lý, không để tiền chảy vào các kênh đầu cơ. “Tín dụng hỗ trợ vay lãi suất thấp, giải pháp giãn, hoãn, điều chỉnh thời gian trả nợ đã có, tuy nhiên đây mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là doanh nghiệp phải có thị trường, bởi dù có vốn, cơ chế thoáng, nhưng sản xuất ra không bán được thì chịu”, ông Phương nói.

Các tổ công tác đặc biệt sẽ có đề xuất đặc biệt

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã lập tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới triển khai, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19, theo chương trình tổng thể, khôi phục kinh tế của Bộ KH&ĐT chủ trì. Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất giải pháp để hỗ trợ. Dù chưa có chương trình, đề xuất cụ thể, nhưng theo lãnh đạo Bộ GTVT, các đề xuất cũng chủ yếu liên quan tới miễn, giảm, ưu đãi thuế, phí, tín dụng...

Về phía Bộ Tài chính, để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn phục hồi, Bộ đã đề xuất và được chấp thuận cho áp dụng một số chính sách hỗ trợ trong thời gian tới liên quan thuế phí. Mới nhất, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về mức giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước đăng ký lần đầu. Chính phủ cũng vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về tiếp tục chính sách miễn, giảm trên 35 loại phí, lệ phí kéo dài thêm 6 tháng của năm 2022 (các loại phí, lệ phí đã miễn, giảm trong năm 2020, 2021).

Cùng với đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất giảm 50% thuế môi trường với nhiên liệu bay tới hết năm 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không... Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế, phí, trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước trong năm tới để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm; đồng thời xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp.

Theo ông Tiến, hiện vấn đề cước vận chuyển, thiếu container vẫn còn khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ GTVT có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; thuận lợi hóa thông quan, không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang siết chặt các quy định mới về nhập khẩu hàng đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đang phối hợp các hiệp hội, ngành phổ biến các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc, các thông tin về hạn ngạch đối với nông sản…

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Vừa qua, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân trong khu công nghiệp, Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn theo chỉ đạo (khoảng 3.000 tỷ đồng) để phát triển nhà ở xã hội, bao gồm cả nhà ở dành cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Vừa qua, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước, Bộ KH&ĐT nhận định cần có gói hỗ trợ lớn với thời gian phù hợp; đảm bảo cân đối vĩ mô, hỗ trợ cả phía cung và cầu; gắn chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; phù hợp với kế hoạch tài chính công, tái cơ cấu nền kinh tế, tính cả dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đảm bảo khả thi, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm… Dự tính thời gian thực hiện hỗ trợ trong 2 năm 2022 - 2023. Chương trình này nếu được thông qua ngay vào kỳ họp cuối năm thì sẽ được thực hiện ngay vào đầu năm 2022.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.