Chúng ta phải ở tư thế khác

Tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn
Tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn
TP - Câu chuyện biển Đông: “Phía Trung Quốc tự biết chứng cứ lịch sử của họ không trung thực nên cố tuyên truyền bằng cách nói nhiều, Việt Nam phải ở tư thế khác”. Nhà nghiên cứu Hán học Phạm Hoàng Quân trao đổi với PV Tiền Phong về những chứng cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

> Tàu cá đăng ký bám biển đánh bắt thủy sản
> Tuổi trẻ quân đội, mỗi thế hệ có một sứ mệnh

Tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn
Tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn .
 

Nhà nghiên cứu Hán học Phạm Hoàng Quân cho biết, nhiều thư tịch cổ Trung Quốc đã cho thấy có sự công nhận chủ quyền ở biển Đông của Việt Nam.

Thưa nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, việc nghiên cứu thư tịch cổ Trung Quốc của ông đã đạt kết quả nào trong việc chứng minh Trung Quốc không có chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa?

Qua việc tìm hiểu nguồn thư tịch cổ Trung Hoa ở mảng ghi chép có liên quan đến biển Đông, tôi nhận thấy các tư liệu loại này không đơn giản, một phần vì quá nhiều, một phần vì các ghi chép thường trùng lắp về thông tin và chồng lấn về niên đại.

Để các tư liệu được rõ ràng và có trật tự, tôi phân chúng làm 4 nhóm để nghiên cứu, một là các tư liệu trong Chính sử, hai là các tư liệu trong sách Dư địa chí (Trung Quốc gọi là Phương chí), ba là tư liệu Địa đồ và bốn là tư liệu trong các loại sách khác ( gồm những ghi chép trong các sách về hải phòng, hàng hải, địa lý du ký…).

Về tổng quan, tôi đã có dịp đề cập đến cả bốn nhóm tư liệu này, về nghiên cứu chuyên sâu, tôi đã thực hiện xong hai mảng Chính sử và Dư địa chí, kết quả nghiên cứu từ hai mảng này cho thấy trong suốt 2000 năm từ Hán đến Thanh, chưa có triều đại nào của Trung Quốc thể hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các ghi chép trong hai loại tư liệu này cũng cho thấy không gian biển về phía nam Trung Hoa mà các chính quyền quân chủ nước này quản lý chỉ đến ngoài khơi châu Nhai, tức nay là chỗ cửa cảng Tam Á ở vào khoảng 18 độ vĩ Bắc.

Sự công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên có hiện hữu trong các thư tịch cổ của Trung Quốc? Cụ thể ra sao?

Cho đến thời điểm này, tôi chưa thấy có chi tiết nào được ghi nhận theo dạng trực tiếp đề cập đến việc công nhận chủ quyền của một nước khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ Trung Hoa, bởi trong các ghi chép đều cho thấy nhận thức về phía biển nam của các sử quan và các quan trấn nhậm địa phương cực nam của họ rất lơ mơ. Họ không biết rõ về vùng đảo vùng biển này nên không biết nước nào đang quản lý các nơi ấy.

Trong các ghi nhận gián tiếp, nhiều chi tiết liên quan đến hải giới đã cho thấy sự thừa nhận của nhà nước quân chủ Trung Hoa, một thí dụ cụ thể là trong một chỉ dụ đề ngày Nhâm Dần tháng 11 năm Đạo Quang thứ 12 (20-1-1833), vị hoàng đế nhà Thanh này trong lúc chỉ đạo việc tuần tra mặt biển, đã thừa nhận rằng “Đại Mạo châu ở vùng biển khơi Tam Á thuộc châu Nhai là nơi tiếp giáp biển Việt Nam”.

Đại Mạo châu nói trên là nơi ở vào khoảng 18 độ 15 phút vĩ Bắc, và chi tiết này nằm trong bộ Đại Thanh thực lục, là một biên niên sử chính thống của nhà Thanh.

Những kết quả nghiên cứu của ông đã được đón nhận ra sao?

Với tư cách là người nghiên cứu độc lập, những nghiên cứu của tôi chỉ trong phạm vi học thuật, nhưng trên hết tôi đã đặt nó vào lợi ích đất nước. Khoảng đầu năm 2008 đến nay, các bài nghiên cứu về các vấn đề nói trên lần lượt đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của Sở Khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế, một số bài viết ngắn tóm lược các ý chính từ các nghiên cứu đã đăng trên các báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp thị, tạp chí Tia Sáng và nhiều trang mạng.

Sau đó các bài nghiên cứu này cũng được sự lưu ý của vài cơ quan nghiên cứu khác như Viện Nghiên cứu - Quản lý biển và hải đảo, Học viện Ngoại giao, tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc... Nói chung, việc đón nhận khách quan và khả quan.

Ông đã có dịp nào tiếp xúc và trao đổi với học giả Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa chưa? Quan điểm của họ thế nào?

Tôi chỉ đọc các công trình nghiên cứu của học giới Trung Quốc qua các ấn phẩm xuất bản ở Trung Quốc, quan điểm của họ khi tham gia nghiên cứu về chủ quyền Nam Hải đương nhiên là ủng hộ các tuyên bố sai trái của Chính phủ Trung Quốc.

Trong nước cũng có một số học giả Hán học nghiên cứu thư tịch cổ và đưa ra những luận điểm về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Ông có bình luận gì về phương pháp tiếp cận của các học giả Việt Nam hiện nay? Có điều gì cần lưu ý?

Nghiên cứu thư tịch cổ Việt Nam nhằm đưa ra những chứng cứ về việc xác lập chủ quyền trong lịch sử của Việt Nam trên biển Đông và các quần đảo đã được nhiều thế hệ nối tiếp thực hiện.

Trước và sau năm 1975 đến nay nhiều học giả ở cả hai miền Nam, Bắc và hải ngoại đã tận tâm lực trong vấn đề này, tư liệu lịch sử đã được khai thác hầu như đã hoàn toàn, chúng cho thấy rõ quá trình chiếm hữu của người Việt liên tục từ nhiều thế kỷ trước và chính quyền Việt Nam thời nhà Nguyễn đã xác lập một cách rõ ràng chủ quyền trên biển Đông trong đó có cả các quần đảo.

Tuy nhiên có tình trạng nghiên cứu rời rạc, là do chúng ta chưa kết tập những sử liệu nhiều đời thành hệ thống để trên cơ sở ấy tiến hành phân loại và phân tích cặn kẽ. Không thể có tư liệu lịch sử thống nhất, chỉ có lý luận đem đến sự thống nhất, đây là đặc điểm và cũng là điều phải lưu ý thường xuyên khi làm việc với sử liệu. Sử liệu của chúng ta về vấn đề này nhất quán trên đại thể.

Vừa qua, tình hình biển Đông trở nên căng thẳng. Là một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông nghĩ sao về cách chúng ta giao tế với Trung Quốc?

Câu này khó, vừa qua là trong bao lâu, tình hình biển Đông mấy chục năm nay lúc nào không căng thẳng?

Giao tế hay giao thiệp nó có nhiều phương diện, ở đây tôi chỉ nói về mặt đối đáp tức liên quan đến báo đài, hai tháng qua chúng ta đã nói nhiều về cứ liệu lịch sử sau một thời gian nói quá ít hoặc không nói gì cả. Nhìn tổng quan, hình như chúng ta chưa phân biệt việc phản ánh thời sự với nghiên cứu lý luận.

Việc tàu Bình Minh bị phía Trung Quốc cắt cáp vài mươi năm sau tự nó trở thành sự kiện lịch sử, mới hoà vào các sự kiện lịch sử từ trước, bổ sung tình tiết về hành động trái lẽ của nước lớn, chúng ta phải ghi nhận nó ở góc độ thời sự, chính xác và trung thực, phản kháng đúng với mức độ sự kiện.

Về chủ quyền, đương nhiên là như từ trước tới nay chính phủ đã tuyên bố và vẫn tuyên bố, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu và vẫn nghiên cứu. Chính phủ Trung Quốc tự biết chứng cứ lịch sử của họ không trung thực nên cố tuyên truyền bằng cách nói nhiều, Việt Nam phải ở tư thế khác.

Theo ông, giới học giả Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nói chung và chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa? Những việc gì cần làm ngay, những gì cần tiến hành lâu dài?

Mỗi người làm việc nghiên cứu đều tự có chương trình, có chủ ý riêng, tôi không thể nói thay cho giới nghiên cứu được. Đến thời điểm này, nói chung về tình hình nghiên cứu chủ quyền lịch sử trên biển Đông, tôi xin nêu vài nhận xét riêng, một là, về mặt tư liệu sử chúng ta vững nhưng về xử lý tư liệu chưa thấu đáo, điều này dễ dẫn đến rắc rối cho các nghiên cứu về sau;

Hai là, các nghiên cứu cá nhân dù có thật sự mang tính khoa học thì vẫn chỉ trong phạm vi tham khảo trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, điều này cho thấy mục tiêu trước mắt của giới nghiên cứu là tập trung vào giá trị khoa học.

Chúng ta phải ở tư thế khác ảnh 2
 

Nhà nghiên cứu PHẠM HOÀNG QUÂN sinh năm 1966 tại Tiền Giang. Chuyên ngành: Cổ sử Trung Quốc - Việt Nam.

Có nhiều bài nghiên cứu về cổ sử Trung Quốc liên quan đến biển Đông. Tiêu biểu: “Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong chính sử Trung Hoa”; “ Những ghi chép về vùng biển Quảng Đông (Trung Hoa) và biển Đông (Việt Nam) trong Đại Thanh thực lục đối chiếu với Đại Nam thực lục”; “ Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong phương chí Trung Hoa”…

Sắp xuất bản: Thư mục đề yếu Thư tịch Trung Quốc quan hệ đến lịch sử Việt Nam - Từ khởi thủy đến năm 1949.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.