Ca cao sẽ lên ngôi?

Ca cao sẽ lên ngôi?
TP - Hơn 13 năm gắn bó với cây điều, lãnh đạo và nông dân Bình Phước đã nếm đủ vị ngọt chát được mùa, mất giá của loại cây này. Sự thủy chung gắn bó với cây điều đã dần phai nhạt đối với người nông dân Bình Phước (kể từ năm 2008), với lý do chuyển đổi diện tích canh tác điều sang trồng cây cao su và một số loại cây nông sản khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Diện tích thủ phủ điều Bình Phước giảm mạnh:

Ca cao sẽ lên ngôi?

1. Cây điều trên đà giảm mạnh

Với diện tích hơn 150.000ha (chiếm 45% diện tích điều cả nước), năng suất đạt 1,1 - 1,5 tấn/ha và có trên 200 cơ sở chế biến hạt điều, Bình Phước vinh dự là “Thủ phủ điều” cả nước và ngành điều trở thành ngành nông sản chủ lực của tỉnh. Nhờ thế, hơn 13 năm gắn bó với cây điều, không ít hộ nông dân xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, giá điều có tăng đáng kể nhưng so với giá trị kinh tế của 1ha cao su thì 1ha điều vẫn thua từ 1,5 - 2 lần (1ha điều cho khoảng 20 - 30 triệu đồng). Anh Đỗ Văn Trường, một người dân trồng điều ở xã Long Hưng (H.Bù Gia Mập), cho biết: “Mặc dù giá điều năm nay duy trì ở mức ổn định 14 – 18 ngàn đồng/kg (cao hơn những năm trước từ 5 - 6 ngàn đồng) nhưng năng suất điều lại giảm mạnh, không còn giữ ở mức 11,06 tạ/ha như mọi năm. Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài, thời tiết biến đổi bất thường, nhiều sương muối, sâu bọ phát triển... đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, ra hoa, tạo quả của cây điều”.

Theo Sở Công Thương Bình Phước, vụ điều 2009 – 2010, ở nhiều địa phương trong tỉnh, năng suất bị giảm hơn một nửa. Sản lượng điều cả nước chỉ đạt khoảng 300 ngàn tấn (giảm 50 ngàn tấn so với năm 2009). Để đủ hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến hạt điều trong nước sẽ phải nhập thô khoảng 300 ngàn tấn, tăng 50 ngàn tấn so với năm 2009. Và các cơ sở chế biến điều Bình Phước cũng chịu chung bối cảnh nhập khẩu hạt điều thô 40-50% so với sản lượng trong nước.

Thực tế sản lượng điều bị giảm, là do diện tích điều trên cả nước bị thu hẹp (không riêng gì Bình Phước), thời tiết xấu cũng tác động giảm mạnh đến sản lượng điều. Theo tính toán của Hội điều Bình Phước, diện tích ước giảm trong năm 2010 của tỉnh khoảng 20.000ha. Tuy giá điều cao, nhưng thu nhập đem về vẫn không thể bảo đảm cuộc sống. Cho nên, giải pháp mà người dân lựa chọn là chuyển sang trồng những cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao hơn: cao su, ca cao, jatropha…

Đến Bình Phước thời điểm này, dễ dàng chứng kiến cảnh điều bị cưa chất thành đống trên các tuyến đường nội tỉnh, đặc biệt trên đường ĐT741 (đoạn từ Đồng Phú đi Phước Long). Như vậy, diện tích hơn 150 ngàn ha điều của Bình Phước năm 2009 (chiếm 45% diện tích điều cả nước) đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vòng luẩn quẩn e rằng sẽ lặp lại như những năm 1994 - 2000, khi người nông dân Bình Phước đổ xô chặt điều trồng cà phê, hồ tiêu, rồi lại chặt bỏ cà phê trồng điều, cao su. Chạy theo lợi nhuận nhưng không nắm chắc quy luật phát triển của thị trường sẽ chuốc lấy những thiệt thòi cho người dân và ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ca cao sẽ cứu cây điều

Trước tình trạng diện tích, sản lượng điều năm 2010 sụt giảm so với năm 2009 và tình trạng người dân vẫn “âm ỉ” đốn hạ cây điều, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và các ngành liên quan đã và đang hội thảo xây dựng chính sách phát triển ngành điều theo hướng chuyên canh “ổn định, bền vững”. Trong đó, chú trọng đến việc tăng giá trị kinh tế của 1ha điều lên “ngang bằng” 1ha cao su. Và để làm được điều này, chỉ có thể trồng xen ca cao dưới tán điều.

Theo Trung tâm Khuyên nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước, việc trồng xen cây ca cao dưới tán điều trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã đem lại hiệu quả cao hơn trồng thuần và tiết kiệm được diện tích đất canh tác, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hoá, phục vụ cho chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Nếu trồng xen ca cao vào các vườn điều sẽ rất có lợi cho người trồng, vì cây ca cao được hưởng bóng mát của cây điều. Ngược lại, cây điều sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây ca cao. Tổng thu nhập cả điều và ca cao sẽ từ 75 - 90 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với chỉ trồng chuyên canh cây điều. Ví như hộ ông Võ Văn Cảnh ở ấp 8, xã Đức Liểu, (H.Bù Đăng), bằng thực tế và kinh nghiệm của chính mình, gia đình ông đã có thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm từ cây ca cao. Ông khẳng định, "nông dân ở Bình Phước hoàn toàn có thể làm giàu từ cây ca cao trồng xen dưới tán cây điều ".

Đánh giá của Tổ chức Roots of Peace (Mỹ) - ROP cho rằng, Bình Phước có nhiều tiềm năng thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, nhiệt độ, sức gió, đặc biệt là nguồn nước ngọt để phát triển cây ca cao số 1 cả nước (trong một thời gian gần). UBND huyện Bù Đăng (Bình Phước) cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.600 ha cây ca cao, đứng thứ 2 cả nước về diện tích trồng cây ca cao (sau tỉnh Bến Tre). Hiện huyện có hơn 1000ha ca cao đang phát triển tốt, cho năng suất cao 2 - 3 tấn/ha, tương đương 45 - 60 triệu đồng/ha. Điều này cho thấy, 1ha ca cao cho giá trị kinh tế cao hơn 1ha điều và nếu trồng xen trong điều sẽ cho tổng chuỗi giá trị gấp hơn 2 lần so với chỉ trồng điều.

Từ thực tiễn đó, UBND tỉnh Bình Phước vừa thuận chủ trương cho Tổ chức ROP triển khai dự án 7,6 tỷ đồng trồng cây ca cao trên địa bàn 3 huyện (Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập), trong thời gian 2 năm (2010 - 2012). Trong đó chú trọng đến diện tích ca cao trồng xen dưới tán điều, nhằm mục đích tăng tổng giá trị thu hoạch và khuyến khích bà con giữ vườn điều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG