Ông chủ trẻ 'chân đất' vươn tầm quốc tế

Ông chủ trẻ 'chân đất' vươn tầm quốc tế
TP - 2 trong số 300 thanh niên nông thôn xuất sắc nhận giải thưởng Lương Định Của năm nay do T.Ư Đoàn trao tặng là những người sinh ra từ vùng đất khó, lập nghiệp và bước đầu thành công thu lãi tiền tỷ mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

> Lần đầu tiên tổ chức Festival thanh niên nông thôn
> Những ý tưởng, sáng kiến, công trình vì cuộc sống

Lê Đình Hiền (giữa) chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp tại cơ sở sản xuất đá. Ảnh: Hoàng Lam
Lê Đình Hiền (giữa) chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp tại cơ sở sản xuất đá. Ảnh: Hoàng Lam.

Lê Đình Hiền (SN 1984) lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề khai thác, chế biến đá xuất khẩu tại xã Đông Hưng (huyện Đông Sơn, nay thuộc TP Thanh Hoá).

Hiểu được giá trị của tài nguyên đá đem lại, Hiền kế nghiệp gia đình và trở thành ông chủ trẻ thành đạt ở tuổi 28.

Năm 2006, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Hiền quyết định về quê lập nghiệp. Anh huy động vốn từ nhiều nguồn đầu tư vào mô hình, dây chuyền khai thác, chế biến các loại đá xây dựng, trong đó có đá vân xanh ở làng Đông, xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc) cung cấp trong nước và xuất khẩu.

Kiên trì, bền bỉ trước khó khăn vì sự biến động của thị trường, Hiền liên tục tăng dần vốn đầu tư, mở rộng khai thác, tăng doanh thu hàng năm, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động tại địa phương. Đến nay, dây chuyền sản xuất đá của Hiền đã được đầu tư hơn 17 tỷ đồng.

Dấn thân và kinh doanh có chiến lược, sản phẩm đá vật liệu xây dựng của Hiền có mặt ở khắp các tỉnh, thành và xuất khẩu sang Bỉ, Ý, Pháp.

Cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hiền tích cực tham gia các phong trào hoạt động Đoàn, Hội của địa phương và các hoạt động xã hội khác như chung sức xây dựng các tuyến đường liên thôn tại xã Vĩnh Thịnh; chăm lo đời sống lao động của đơn vị; thành lập chi đoàn trong doanh nghiệp...

“Trong quá trình lập nghiệp có nhiều khó khăn, thử thách mà rất cần đến bản lĩnh thanh niên như sức khỏe, kiến thức, sự cố gắng, sáng tạo... để vượt qua, hướng tới thành công”, Hiền chia sẻ.

Hiện nay, doanh nghiệp của Hiền thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/năm, tạo điều kiện cho 60 lao động của địa phương, trong đó có một nửa là thanh niên với thu nhập trung bình từ 4 đến 5 triệu/tháng...

Đặng Ngọc Nghĩa (SN 1977), bí thư Đoàn xã Nghĩa Hòa, huyện ChưPah (Gia Lai) luôn kiên trì, nhiệt huyết truyền kiến thức khuyến nông lâm cho thanh niên, bà con nông dân trong xã.

Kiến thức của anh được áp dụng rộng rãi, bước đầu tạo ra tiềm lực kinh tế ở vùng quê còn nghèo khó.

Nghĩa Hòa là xã thuần nông, nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, phần lớn là trông cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cà phê, cao su... tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hiểu được những thuận lợi, khó khăn khi phát triển kinh tế trên địa bàn, Nghĩa đề xuất và thực hiện thành công mô hình trang trại trồng 5 héc ta cà phê kết hợp nuôi 20 heo nái (mỗi năm sản xuất bình quân 900 heo con), mỗi năm bình quân có 850 heo thịt.

Phân heo dùng để bón cho cà phê nên tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền phân bón...

Để xây dựng thành công mô hình trang trại ấy, Nghĩa khởi nghiệp từ vốn vay ngân hàng. Đến nay, trang trại của Nghĩa thu lợi gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 thanh niên địa phương và 20 lao động mùa vụ.

Bên cạnh nỗ lực vươn lên làm giàu, Nghĩa còn là cán bộ Đoàn gương mẫu, tích cực truyền lửa làm giàu cho bạn trẻ nông thôn.

Đến nay, Nghĩa có 15 năm làm công tác Đoàn, được T.Ư Đoàn trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ; Danh hiệu Thanh niên tiến tiến làm theo lời Bác...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG